Lãnh đạo Phòng CSHS HN trả lời vụ van xin kẻ cắp trên xe bus

12/10/2011 05:52
Tuệ Minh
(GDVN) - “Sau khi xuất hiện đoạn video clip gây bất bình dư luận, ngay lập tức tôi đã gọi trực tiếp các cán bộ, chiến sỹ có trách nhiệm ở các tuyến để xử lý".
Đó là ý kiến của Thượng tá Nguyễn Viết Chức – Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45 – Công an TP. Hà Nội) trong buổi trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam chiều qua.
Ngay sau khi video về nam thanh niên nghẹn ngào van nài kẻ cướp trên xe bus được đăng tải trên trang Youtube, rất nhiều bạn đọc đã gửi chia sẻ tới tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam, bày tỏ thái độ bất bình và kêu gọi phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để chấm dứt vấn nạn trộm cắp đang lộng hành tại nhiều bến xe buýt .

Thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (C.A TP. Hà Nội)
Thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (C.A TP. Hà Nội)

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45 – Công an TP. Hà Nội). Thượng tá Nguyễn Viết Chức cho biết:
“Sau khi xuất hiện đoạn video clip gây bất bình dư luận, ngay lập tức tôi đã gọi trực tiếp các cán bộ, chiến sỹ có trách nhiệm ở các tuyến để xử lý thông tin trên mạng xem có hay không và nằm trên địa bàn nào.

Tuy nhiên, trong video clip đó chỉ phản ánh được quần chúng lúc đó rất đông nhưng không thấy có biểu hiện gì của việc có đối tượng móc túi hoặc các hành vi phạm pháp.

Chúng tôi ý thức được: khi đã có ý kiến của người dân phản ánh thì khu vực đó cần phải được quan tâm đặc biệt chứ không thể làm ngơ”.

Thượng tá Chức nói: “Hiện nay, tình hình hoạt động của các đối tượng chuyên móc túi trên xe buýt khá phức tạp. Lãnh đạo công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ trong đó có phòng CSĐT tội phạm về TTXH, phòng kỹ thuật hình sự, công an các quận huyện… phối hợp cùng với các nhân viên lái xe… triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tại các điểm dừng đón khách, trên các tuyến xe buýt”. 
Theo thượng tá Chức: Trong  gần 1 năm qua, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH TP. Hà Nội đã khám bắt 31 đối tượng trong những vụ trộm cắp tài sản trên các tuyến xe buýt và các điểm dừng đỗ. Đồng thời cơ quan này cũng trực tiếp quản lý, theo dõi các đối tượng hoạt động trên các tuyến. 
Trước đó, trong năm 2010, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã duyệt cho đi cải tạo 14 đối tượng bao gồm cả trộm cắp có thành và chưa thành. Do trong nhiều vụ, tang vật là tài sản có giá trị nhỏ nên Phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã buộc phải thu thập và củng cố tài liệu để duyệt đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng. 

Trong những tháng đầu năm 2011, có khoảng 10 đối tượng đã được đưa vào trường giáo dưỡng. 
Để không còn những vụ trộm cắp trên xe buýt, nhân dân hãy phối hợp cùng lực lượng chức năng
Để không còn những vụ trộm cắp trên xe buýt, nhân dân hãy phối hợp cùng lực lượng chức năng
Để giảm tình trạng móc túi trên xe buýt, Thượng tá Chức cho biết: “Thứ nhất: riêng các công an quận huyện đã được phân công những địa bàn có các tuyến xe buýt phức tạp với nhiều đối tượng “hành nghề” trộm cắp thì cần phải có sự can thiệp của công an thành phố cùng với sự phối hợp của công ty vận tải.

Đối với những địa bàn có các tuyến ít phức tạp thì giao trực tiếp cho công an quận, huyện áp dụng các biện pháp mật phục, tuần tra, kiểm soát trên tuyến và quét vét tất cả các đối tượng cò mồi hoặc trộm cắp trên tuyến. Về cơ bản đã dẹp được đáng kể.

Thứ hai: Qua điều tra, chúng tôi xác định số lượng các đối tượng hoạt động trên các tuyến xe buýt là tương đối nhiều. Và lực lượng công an thành phố tích cực áp dụng các giải pháp làm giảm tình trạng trộm cắp trên các tuyến. 

Thứ ba: Phòng cũng tăng cường hoạt động kiểm tra bằng nhiều cách trong đó có kiểm tra công an quận xem có triển khai các kế hoạch không và kết quả thống kê”.
Theo Thượng tá Chức, những khó khăn mà lực lượng công an gặp phải khi “đối phó” các đối tượng phạm pháp kiểu này là không ít.

“Các đối tượng hoạt động rất ráo riết, manh động. Phần lớn là các đối tượng lưu động. Chúng tôi cứ triển khai mạnh ở trên xe thì các đối tượng lại xuống mặt đất và ngược lại. Bản thân các đối tượng này là đều là các đối tượng có tiền án, tiền sự, thậm chí nhiều đối tượng còn bị nhiếm HIV cho nên việc bắt các đối tượng rất khó.

Việc bắt đã khó nhưng nhiều vụ, xử lý các đối tượng còn khó khăn hơn vì giá trị tài sản rất nhỏ mà quy định của pháp luật là trên 2 triệu đồng thì mới xử lý, truy tố còn dưới mức này thì chỉ bị xử lý hành chính.

Mặc dù vậy đối với Phòng PC 45 thì chúng tôi vẫn tính toán được các hướng: nếu đủ bằng chứng thì bắt truy tố nhưng nếu hoạt động ráo tiết mà bắt được thì duyệt đi cơ sở giáo dục. Căn cứ vào số lần vi phạm, nhân thân đối tượng, căn cứ vào đối tượng là người lang thang hoặc các đối tượng đi cai nghiện về thì đều phê duyệt cho đi cơ sở giáo dục. Kết quả: số lượng các đối tượng trộm cắp trên xe buýt đã giảm khá nhiều”, ông Chức khẳng định.
Nhằm mục tiêu giảm số lượng các vụ trộm cắp trên xe buýt, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội kêu gọi người dân hãy phối hợp cùng với các cơ quan chức năng bằng cách phản ánh các vụ việc liên quan đến vấn đề trộm cắp xảy ra trên xe buýt tới số đường dây nóng: 0977778189 hoặc qua hai địa chỉ email là: thammuucshshn@fpt.vn; canhsathinhsuhn@fpt.vn .
Tuệ Minh