"Lời hứa" của Bộ trưởng Huệ trước thềm năm mới

31/12/2011 06:53
Ngọc Quang
(GDVN) - "Phải minh bạch các chi phí, giá thành và công bố kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh, quản lý giá của doanh nghiệp để người dân biết và giám sát".

Sáng 30/12), tại trụ sở Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có những chia sẻ hết sức cởi mở với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam về một số vấn đề của ngành tài chính trong năm 2011 và đề cập tới những kế hoạch tiếp theo của năm 2012.

Liên quan đến điều hành giá, chưa bao giờ người dân lại quan tâm giá điện và xăng dầu như hiện nay, đặc biệt là vấn đề minh bạch về tính giá. Bộ trưởng có thể chia sẻ về định hướng điều hành giá và thông tin minh bạch tới người dân?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Năm 2012, sự kiện quan trọng nhất trong lĩnh vực quản lý giá là Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật giá, trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật giá này theo nguyên tắc, cam kết của kinh tế thị trường, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, trên nguyên tắc bù đắp được chi phí hình thành giá và đảm bảo lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng quy định những yếu tố quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, mà những vấn đề này liên quan đến bình ổn giá và định giá của Nhà nước.

Trên cơ sở các quy định của Luật giá thì Chính phủ sẽ chỉ đạo và Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều hành, quản lý và giải thể, làm cơ sở tốt cho chúng ta điều hành giá trong thời gian tới.

Riêng giá điện, than, xăng dầu và dịch vụ công thì trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu các mặt hành này cơ bản thực hiện theo cơ chế thị trường đến hết 2013. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tích cực xây dựng lộ trình báo cáo với Chính phủ để thực hiện lộ trình này trên nguyên tắc đảm bảo dần cơ chế thị trường nhưng cũng có hỗ trợ trực tiếp cho những người nghèo, người có thu nhập thấp, đặc biệt là phải trên cơ sở minh bạch các chi phí, giá thành và công bố kịp thời các thông tin tình hình sản xuất kinh doanh và quản lý giá của doanh nghiệp để người dân biết và giám sát.

Theo hướng đó thì ngành Tài chính sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để định kỳ hàng năm có thể thanh tra, kiểm toán với các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng quan trọng này và số liệu cũng phải công bố kịp thời để nhân dân được biết.

Bộ trưởng Huệ: Thông tin giá cả phải được minh bạch và thông báo tới người dân
Bộ trưởng Huệ: Thông tin giá cả phải được minh bạch và thông báo tới người dân

Trong đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ giao thì Bộ Tài chính sẽ xử lý thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Hiện nay đối với doanh nghiệp Nhà nước thì có hai vấn đề chính, mặc dù chúng ta cũng đã sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước nhiều năm nay và đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước cũng hướng tới hai mục tiêu quan trọng nhất: Một là để doanh nghiệp Nhà nước làm tròn đúng vị trí, vai trò là công cụ của Nhà nước trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế; Thứ hai là làm cho doanh nghiệp Nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh, có hiệu quả sản xuất kinh doanh tương xứng với những nguồn lực được giao, cạnh tranh bình đẳng như các thành phần kinh tế khác.

Bộ trưởng đã từng nói tới việc cấm các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư ra ngoài ngành. Vậy xin Bộ trưởng cho biết có những biện pháp gì để kiểm soát được việc đó?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Hiện nay đang có những định hướng quy định cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là chỉ được đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh chính, còn đối với những lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… và nhiều lĩnh vực đầu tư rủi ro khác thì không cho phép đầu tư; đối với những doanh nghiệp đang có đầu tư như thế thì kế hoạch của Chính phủ trình Quốc hội là theo hướng chậm nhất tới năm 2015 phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực đó.

Hiện nay, các Nghị định để hiện thực hóa các vấn đề này đang được thực thi. Kèm theo đó Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo về quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc giám sát và minh bạch hóa tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó sẽ có quy định các tiêu chí rất cụ thể về chế độ báo cáo thông tin liên quan đến thực trạng tài chính và tình hình tài chính của doanh nghiệp, đó chính là căn cứ để giám sát.

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ không được đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh rủi ro
Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ không được đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh rủi ro

Thưa Bộ trưởng, theo dự báo thì năm 2012 thị trường chứng khoán vẫn còn rất ảm đạm. Bộ Tài chính có những giải pháp gì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ cho thị trường này?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về thị trường chứng khoán thì đúng là năm vừa qua do ảnh hưởng suy thoái của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước cũng gặp khó khăn nên thị trường này suy giảm, nhưng sang năm tới đây sẽ thực hiện việc tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, thì nhiều doanh nghiệp lớn Nhà nước sẽ được cổ phần hóa, như vậy hành hóa trên thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ phong phú hơn, chất lượng cao hơn. Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có rất nhiều các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có cả chiến lược về thị trường chứng khoán, đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán, cũng như các định chế khác trong thị trường vốn như: thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đề án vốn gián tiếp cũng đã được trình Chính phủ; các vấn đề khác liên quan đến tái cấu trúc lại trái phiếu Chính phủ theo lô lớn để tăng tính thanh khoản của thị trường; phối hợp với ngành ngân hàng thúc đẩy hơn nữa các hoạt động liên quan tới tính thanh khoản của thị trường chứng khoán.

Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tổng thể cũng sự phối hợp giữa các Bộ ngành và địa phương trong đó có Ngân hàng Nhà nước, cùng với những tín hiệu tốt lên của nền kinh tế vĩ mô thì tôi tin rằng thị trường này sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng có thể hồi phục trong năm 2012.

Quốc hội đã giao chỉ tiêu giảm mức bội chi xuống dưới 4,9%, vậy tình hình thực hiện đến nay ra sao và việc chống thất thu thuế sẽ triển khai thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Một trong những thành tích của ngành Tài chính trong năm 2011 này, mà để góp phần thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2011 đó là tăng thu tiết kiệm chi, cơ cấu lại chi ngân sách, giảm mức bội chi. Như chúng ta đã biết, số liệu báo cáo trước Quốc hội thì năm nay thu ngân sách khá lớn và lần đầu tiên trong 5 năm, chúng ta đã giảm bội chi xuống mức 4,9% (mức thấp nhất trong 5 năm gần đây). Chúng tôi vẫn đang tiếp tục cập nhật các số liệu thu ngân sách, nếu số thu ngân sách còn cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội, khả năng còn dành một phần để giảm bội chi xuống mức dưới 4,9% như đã báo cáo trước Quốc hội.

Một trong những chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho Bộ Tài chính, ngành tài chính là phải phấn đấu tăng thu, giảm chi, thực hiện dự toán Quốc hội đã giao, nhưng kéo bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% thì đỏi hỏi sự phấn đấu rất quyết liệt, đặc biệt là trong năm điều kiện kinh tế năm 2012 dự báo còn gặp nhiều khó khăn, kể cả vấn đề sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu.

Bộ Tài chính đang nỗ lực phấn đấu tăng ít nhất 5 đến 8% dự toán thu mà Quốc hội đã quyết định, phấn đấu dứt khoát phải giảm bội chi xuống dưới mức 4,8% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ, trong đó chú trọng vào việc chống thất thu thuế.

Chúng tôi đang chỉ đạo các ngành hải quan thuế xây dựng các đề án, trước hết là đề án chống thất thu thuế trong lĩnh vực chuyển giá, kể cả với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Ngành Hải quan tập trung xây dựng đề án tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, nhất là tạm nhập tái xuất trong kinh doanh xăng dầu, các đề án quản lý hàng phi mậu dịch, phối hợp giữa ngành thuế và hải quan, chính quyền địa phương để quản lý kim ngạch xuất khẩu ở các biên mậu, làm sao đó để chúng ta chống được thất thu thuế, chống gian lận thương mại để hoàn thành kế hoạch thu. Tôi tin rằng sẽ hoàn thành được chỉ tiêu giảm bội chi mà Quốc hội và Chính phủ đã giao.

Bộ trưởng Huệ: Sẽ tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế, gian lận thương mại
Bộ trưởng Huệ: Sẽ tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế, gian lận thương mại

Đó là các thông tin về nguồn thu, còn giảm chi thì sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về giảm chi, năm nay trong kế hoạch dự toán chi ngân sách đã tính toán rất kỹ nên Chính phủ không đặt vấn đề tiết kiệm 10% chi ngân sách như mọi năm, nhưng đối với chi thường xuyên thì tiếp tục thực hiện tiết giảm 10% kinh phí với tất cả các Bộ ngành, địa phương, để tạo nguồn cải cách tiền lương; đồng thời cũng cơ cấu lại các khoản chi theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư công và tăng chi cho con người, chi an sinh xã hội, đặc biệt là phải đảm bảo mức tiền lương tối thiểu 1.050.000đ vào thời điểm 1/5/2012 và nâng phụ cấp công vụ từ 15% lên 20%.

Một trong những sự kiện chưa từng có trong lịch của của ngành Hải quan là đã thông quan 200 tỷ USD trong năm 2011. Bộ trưởng có thể cho biết, dựa trên cơ sở nào để đạt được kết quả đó?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Một trong những thành tích ấn tượng của năm 2011 là chúng ta đã phấn đấu tăng kim ngach xuất khẩu ở mức khá, mức độ tăng trên 33% so với chỉ tiêu Quốc hội giao, đây là thành tích rất ấn tượng trong điều kiện các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn, vấn đề này có yếu tố tăng cả về sản lượng và tăng cả về giá.

Do đó, tổng kết năm 2011, thì kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 96 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 106 tỷ USD. Điều đó cho thấy quy mô nền kinh tế tăng lên khá nhanh, độ mở của nền kinh tế rất lớn, trong thành tích chung đó thì ngành Hải quan cũng lần đầu tiên đạt mức thông quan 200 tỷ USD theo số liệu thống kê 25/12 vừa qua.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên ngành Hải quan đạt được mức thu kỷ lục thuế xuất nhập là 200 nghìn tỷ (theo số liệu của ngày 25/12). Dự kiến cả năm có thể đạt mức 213 nghìn tỷ đồng, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.

Ngọc Quang