Luật sư phân tích vụ doanh nghiệp “tố” Hải quan CK cảng Đà Nẵng

01/03/2012 06:00
Thành Chung (ghi)
(GDVN) - Các quyết định của HQCK Đà Nẵng không rõ căn cứ pháp lý, chưa tuân thủ đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Thu Hiền, công ty Luật LawPro xung quanh quyết định số 01/QĐ – HQCĐN ngày 20/1/2012 của Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng về việc “tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan” đối với lô hàng gỗ xuất khẩu của công ty TNHH MTV Ngọc Hưng.HQCK cảng Đà Nẵng không đủ cơ sở để ban hành quyết định tạm giữ? Trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thu Hiền cho rằng: tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định rõ rằng “Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. Như vậy, một nguyên tắc cơ bản trong việc xử lý vi phạm hành chính là: Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cần xác định là có hành vi vi phạm hành chính hay không, và nếu có, đó là hành vi vi phạm cụ thể nào?
Quyết định tạm giữ lô gỗ của Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng.
Quyết định tạm giữ lô gỗ của Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng.
Xét trường hợp của Công ty Ngọc Hưng, ngày 28/12/2011, thực hiện Quyết định số 01/QĐ-HQCĐN do ông Đỗ Danh Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng ban hành, theo đó quyết định “khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan”, tổ kiểm tra đã kết luận tại Biên bản số 01/BB-HC4 ngày 28/12/2011 rằng: “Qua kiểm tra thực tế, Tổ kiểm tra nhận thấy số lượng gỗ đã kiểm tra đúng với khai báo của người khai hải quan”. Như vậy, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã không xác định được bất kỳ hành vi vi phạm hành chính nào của Công ty Ngọc Hưng.  Sau 22 ngày kể từ ngày Chi cục Hải quan CK Cảng Đà Nẵng khám xét mà không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu vi phạm pháp luật nào của Công ty Ngọc Hưng, ngày 20/01/2012 Ông Đỗ Danh Thắng (do thực hiện nội dung chỉ đạo của Tổng cục Hải Quan tại văn bản số 07/TCHQ-ĐTCBL ngày 18/01/2012) đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-HQCĐA về việc “Tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan”.  Liên quan đến lý do được nêu trong quyết định tạm giữ số 01/QĐ-HQCĐA của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng, Luật sư Nguyễn Thu Hiền đặt câu hỏi: “Việc Chi cục hải quan cửa khẩu cảng  Đà Nẵng ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa của Công ty Ngọc Hưng khi không xác định rõ hành vi vi phạm hành chính của Công ty Ngọc Hưng, mà chỉ với lý do thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại văn bản số 07/TCHQ–ĐTCBL ngày 18/01/2012 thì có đủ căn cứ pháp lý hay không?”.Chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật? Cũng theo Luật sư Nguyễn Thu Hiền phân tích: tại tiết (a) khoản 3 Điều 24 NĐ18/2009/NĐ-CP quy định “Việc tạm giữ tang vật vi phạm hành chính trong trường hợp vừa có hàng hóa là tang vật vi phạm, vừa có hàng hóa không phải là tang vật vi phạm thì trong một lô hàng có hàng hóa là tang vật vi phạm và hàng hóa không phải là tang vật vi phạm thì chỉ được tạm giữ hàng hóa là tang vật vi phạm. Trường hợp chưa xác định được có vi phạm xảy ra hay không thì chỉ lấy mẫu hàng hóa để làm cơ sở xác định” .
Việc Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa của Công ty Ngọc Hưng khi không xác định rõ hành vi vi phạm hành chính của Công ty Ngọc Hưng, mà chỉ với lý do thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại văn bản số 07/TCHQ–ĐTCBL ngày 18/01/2012 thì có đủ căn cứ pháp lý hay không?
Việc Chi cục hải quan cửa khẩu cảng  Đà Nẵng ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa của Công ty Ngọc Hưng khi không xác định rõ hành vi vi phạm hành chính của Công ty Ngọc Hưng, mà chỉ với lý do thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại văn bản số 07/TCHQ–ĐTCBL ngày 18/01/2012 thì có đủ căn cứ pháp lý hay không?
Như vậy, việc Chi cục HQCK cảng Đà Nẵng không xác định được hàng hóa có log list nào được coi là tang vật vi phạm để tạm giữ, không lấy mẫu hàng hóa nhằm mục đích xác minh mà lại giữ toàn bộ lô hàng như trên là chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Hiền khẳng định. Luật sư Hiền cũng cho rằng, trong quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 46 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính. Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản về việc tạm giữ.  Và tại Điều 32 NĐ18/2009/NĐ– CP thì đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan không thuộc trường hợp qui định tại Điều 31 Nghị định này thì …người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản theo qui định…   Từ những căn cứ trên Luật sư Hiền tiếp tục đặt câu hỏi: “Trong trường hợp của Công ty Ngọc Hưng, đã gần 30 ngày kể từ ngày Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng ra quyết định tạm giữ “tang vật vi phạm” mà chưa xác định được hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp, chưa lập biên bản vi phạm hành chính mà đã ra quyết định tạm giữ tang vật do vi phạm hành chính, không lập biên bản về việc tạm giữ là đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành hay chưa?”.  Các câu hỏi đặt ra trong trường hợp của công ty Ngọc Hưng và cũng là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp khác đang trăn trở sẽ cần lắm sự vào cuộc ngay của các cơ quan chức năng để làm rõ đúng, sai, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Công ty Ngọc Hưng sinh tồn trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay. 
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của sự việc trên đến với độc giả...
Thành Chung (ghi)