Mâm cơm cúng tất niên ở 3 miền Bắc, Trung, Nam khác nhau thế nào?

27/01/2017 05:38
Hữu Chí
(GDVN) - Cúng Tất niên thể hiện một nếp sống tâm linh của người Việt từ rất lâu đời, đánh dấu kết thúc năm cũ và bước sang năm mới.

Cúng Tất niên ở nước ta thường là vào ngày cuối năm Âm lịch hàng năm, đây được xem là một nghi thức đánh dấu kết thúc một năm cũ và chào đón năm mới. Từ lâu phong tục này đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa người Việt Nam.

Những ngày này, mọi người thân trong gia đình thường đoàn tụ, quây quần bên nhau tổ chức tiệc mừng chào đón năm mới. Đây là khoảnh khắc thiêng liêng vô cùng hạnh phúc của mọi gia đình.

Theo quan niệm của người xưa, gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, thêm nhiều may mắn.

Mâm cơm cúng tất niên. ảnh Báo Giao thông.
Mâm cơm cúng tất niên. ảnh Báo Giao thông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho rằng: "Bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết song đó là phong tục của người dân Việt Nam.

Đây không phải là lễ bắt buộc nên có nhiều nhà không có bữa cơm này, song là dịp cần thiết để mỗi gia đình sum họp, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, gặp gỡ những người con cháu ở xa sau một năm.

Bữa cơm tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về".

Lễ cúng Tất niên là một lễ truyền thống nhưng lễ vật cúng không cần phải quá cầu kỳ, chủ yếu thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ để tri ân đất, trời, thần linh...

Trước khi tiến hành lễ này, các gia đình thường lau chùi bàn thờ gia tiên, nhà cửa và chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên.

Mâm lễ cúng tất niên thường gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét)...

Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Bữa cơm tất niên được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Trong bữa cơm tất niên, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phải có mặt đông đủ, tâm sự, trò chuyện cùng nhau, tạo nên một không khí gia đình sum vầy, đầm ấm, vui vẻ.

Bữa cơm ngày cuối năm của các gia đình cũng tùy theo từng vùng miền mà có những đặc trưng riêng.

Đối với miền Bắc gồm những món: Bát móng giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Đĩa gồm đĩa xôi, đĩa bánh chưng, đĩa thịt đông,, đĩa thịt gà luộc, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối.

Đối với miền Trung gồm: bánh chưng, bánh tét và có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần để có bữa cỗ “hào soạn” gồm: đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa gà bóp rau răm, đĩa thịt đông, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram.

Đối với miền Nam gồm: bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), thêm bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa); đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.

Ngày nay, không chỉ trong gia đình mới cúng tất niên và ăn tất niên. Nhiều cơ quan, nhóm hội cũng tổ chức cúng tất niên và mở tiệc tất niên, tổng kết năm cũ.

Tất niên cũng được hiểu rộng rãi hơn, ngày ăn tất niên cũng không chỉ là ngày cuối cùng của năm nữa, mà là những ngày giáp Tết, khi các cơ quan bắt đầu được nghỉ lễ.

Hữu Chí