Mỹ kiên quyết từ chối chuyển giao 4 công nghệ then chốt cho Hàn Quốc

24/10/2015 10:10
Nguyễn Hường
(GDVN) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc về việc xem xét lại quyết định không chuyển giao 4 công nghệ sản xuất chiến đấu cơ cho Seoul

The Diplomat hôm 23/10 đăng tải bài viết của tác giả Robert Farley cho biết, hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc về việc xem xét lại quyết định không chuyển giao 4 công nghệ then chốt theo thỏa thuận cung cấp máy bay tàng hình F-35 cho phía Seoul.

Việc chuyển giao 4 công nghệ trên vốn là một phần của thỏa thuận cung cấp 35 chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Hàn Quốc được ký kết từ trước đó.

Chiến đấu cơ F-35. Ảnh Forbes.
Chiến đấu cơ F-35. Ảnh Forbes.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Hàn Quốc tổng cộng 25 công nghệ để nước này có thể phát triển máy bay chiến đấu Korean Fighter Experimental (KFX) của mình. Đổi lại, Seoul sẽ mua 35 chiếc F-35 của Mỹ. 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này khi từ chối cho phép chuyển giao 4 công nghệ cốt lõi trong số 25 công nghệ có trong thỏa thuận cho phía Hàn Quốc.

Bốn công nghệ trên gồm hệ thống quét mạng pha điện tử chủ động, hệ thống tìm kiếm và cứu nạn hồng ngoại, hệ thống nhận biết mục tiêu quang điện tử và hệ thống gây nhiễu tần số vô tuyến điện.

Quyết định này được ban hành trên cơ sở luật kiểm soát xuất nhập khẩu được thiết kế nhằm bảo toàn lợi thế công nghệ quân sự trước các đối thủ cạnh tranh là Nga và Trung Quốc cũng như đảm bảo lợi ích an ninh, thương mại quốc gia của Mỹ.

Cũng có ý kiến cho rằng động thái trên của Mỹ xuất phát từ lo ngại công nghệ then chốt này có thể bị rơi vào tay đối thủ Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh gần đây có nhiều dấu hiệu nồng ấm hơn. 

Theo The Diplomat, có báo cáo cho rằng Hàn Quốc có ý định sẽ tự phát triển hai công nghệ thay thế và hợp tác với nước ngoài (không phải Mỹ) để phát triển hai công nghệ còn lại mà phía Washington từ chối chuyển giao.

Quyết định trên của Mỹ đe dọa có thể phá hủy giấc mơ KFX của Hàn Quốc, làm sụp đổ khu công nghiệp quân sự Hàn Quốc, nơi hàng trăm kỹ sư người Mỹ sẽ làm việc cùng đồng nghiệp Hàn Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ rằng Hàn Quốc có thể phát triển được các công nghệ liên quan hoặc có được chúng từ những nguồn khác một cách kịp thời. 

Quyết định bất ngờ của Lầu Năm Góc đã tạo ra một làn sóng chỉ trích tại Hàn Quốc, trong đó cho rằng chính phủ đã không chuẩn bị cho tình huống bị phủ quyết bởi luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Một số cho rằng quyết định bất ngờ của Lầu Năm Góc có thể dẫn tới việc hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận mua F-35 của Hàn Quốc. Trong khi đó, chương trình xuất khẩu F-35 của Mỹ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Các kế hoạch xuất khẩu đang có nguy cơ bị chậm trễ. 

Ngoài ra, Airbus vừa giành được hợp đồng cung cấp máy bay tiếp nhiên liệu cho Không quân Hàn Quốc. Động thái này được đánh giá là gây bất lợi cho tương lai hợp tác công nghệ cao giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Nếu châu Âu tiếp tục giành được các hợp đồng cung cấp công nghệ và thiết bị quân sự cho Hàn Quốc, mối quan hệ lâu dài giữa Washington và Seoul có thể bị ảnh hưởng.

Tờ Forbes trước đó cũng tin rằng sự khác biệt nghiêm trọng giữa Mỹ và Hàn Quốc không chỉ đe dọa phá sản hai dự án lớn mà còn có thể làm suy yếu liên minh./.

Nguyễn Hường