Ngày 01/7/2019, hãng tin Reuters đưa tin nhà lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn sẽ lưu trú 4 đêm tại Mỹ khi tới thăm các nước ở khu vực Caribe trong tháng này.
Động thái này đã khiến Trung Quốc tức giận và lên tiếng yêu cầu Washington không cho phép bà Thái Anh Văn quá cảnh Mỹ.
Phó trưởng Cơ quan đối ngoại Đài Loan, Miguel Tsao cho biết bà Thái Anh Văn sẽ ở lại Mỹ khi trên đường tới thăm St Vincent, Grenadines, St Lucia, St Kitts & Nevis và Haiti từ ngày 11-22/7/2019.
Thời gian bà Thái Anh Văn ở Mỹ lần này được xem là dài bất thường vì trước đó, bà thường chỉ ở 1 đêm khi chờ nối chuyến.
Nhà lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn quá cảnh ở Mỹ 04 ngày trong lịch trình thăm các nước thuộc khu vực Carribean từ ngày 11-22/7/2019 (Ảnh: Reuters). |
Phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ không cho phép nhà lãnh đạo Đài Loan quá cảnh, thận trọng và xử lý thích hợp các vấn đề liên quan đến Đài Loan để tránh làm tổn hại đến quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan.
Có thể nhận thấy kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực thi những chính sách thúc đẩy quan hệ thân thiện với Đài Loan rất rõ ràng.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 10 phút với bà Thái Anh Văn.
Tháng 3/2018, Đạo luật đi lại Đài Loan đã được Tổng thống Donald Trump ký ban hành, cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp gỡ những người đồng cấp.
Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật bảo lãnh Đài Loan năm 2019 mà không có bất kỳ ý kiến phản đối nào nhằm ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc như Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA), Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Trong tương lai, các chuyên gia tin rằng việc Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật này với nhiều số phiếu thuận áp đảo chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mỹ thách thức Trung Quốc trong vấn đề tái thống nhất Đài Loan |
Có thể nhận thấy, khi mới nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã bị cảnh báo không nên đụng vào vấn đề nhạy cảm Đài Loan nhưng sau hơn 02 năm, không còn ai phê phán việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật liên quan đến quan hệ Mỹ-Đài Loan.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà quan hệ Mỹ-Trung khó có thể nhanh chóng có được chuyển biến tốt đẹp, Đài Loan càng quan trọng đối với Mỹ.
Viện nghiên cứu Hoover thuộc Trường Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng quan hệ ngoại giao Mỹ-Đài Loan đã có sự thay đổi chiến lược sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc.
Quan hệ Mỹ-Đài Loan là mối quan hệ không thể tách rời, gắn bó mật thiết với nhau. Mỹ dần đóng vai trò như mẫu quốc của Đài Loan và với Đài Loan, Mỹ là vùng chiến lược.
Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, kể từ đó đến nay, Đài Loan vẫn nằm trong chiến lược Tây Thái Bình Dương của Mỹ và có vai trò không thể thay thế.
Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ, những Đảng thay nhau điều hành nước Mỹ trong mấy thập kỷ qua, chưa từng vứt bỏ Đài Loan về mặt chiến lược, ngay cả khi Mỹ-Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1979.
Mỹ ngày càng trở thành nhân tố cốt lõi của nền chính trị Đài Loan. Bầu không khí bầu cử tại Đài Loan đang bắt đầu nóng lên và cả 03 ứng viên trong cuộc bầu cử chọn ra người đứng đầu hòn đảo này sắp tới là Hàn Quốc Du, Quách Thái Minh và Kha Văn Triết đều đã lần lượt đến thăm Mỹ khiến cho vấn đề bầu cử lại càng nóng hơn ở Đài Loan.
Dư luận Đài Loan và Trung Quốc đại lục cho rằng 03 ứng viên trên đến Mỹ để “làm bài thi chính trị” và thăm dò thái độ của Mỹ về việc họ tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm 2020.
Đối với các chính khách Đài Loan, lợi dụng kinh tế từ Trung Quốc đại lục tuy đáng kể nhưng Đài Loan đặt niềm tin vào Mỹ ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương.
Quốc Dân Đảng trong chiến dịch vận động tranh cử (Ảnh: Reuters). |
Ứng viên Hàn Quốc Du thuộc đảng Quốc Dân, nhân vật được Bắc Kinh “đang kỳ vọng”, cũng đã thừa nhận rằng thị trường dựa vào Trung Quốc đại lục nhưng quốc phòng phải dựa vào Mỹ. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng không thể thiếu của Mỹ đối với Đài Loan.
Với Washington, nếu họ rời bỏ Đài Loan sẽ dẫn tới nguy cơ hòn đảo này rơi vào tay của Trung Quốc và Mỹ sẽ mất uy tín trước các đồng minh ở Đông Á, mất Đài Loan sẽ dẫn đến hệ thống an ninh của Mỹ ở khu vực Đông Á bị phá vỡ.
Bên cạnh đó, Đài Loan có vị trí chiến lược trong việc thực thi chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) của Mỹ.
Với lợi thế về vị trí địa lý, Đài Loan sẽ giúp cho Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải hay đặt căn cứ ở Biển Đông mà không gặp phải sự ngăn cản của bất cứ quốc gia nào.
Một lý do nữa có thể giải thích cho việc Mỹ thúc đẩy quan hệ ngày càng thân thiện với Đài Loan là vai trò quan trọng của Đài Loan trong chiến lược chống khủng bố và an ninh hàng hải của Mỹ.
Đài Loan đã góp vốn cùng với Mỹ xây dựng một số bệnh viện hỗ trợ nhân đạo tại Iraq, Syria và là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố ở Philippines như Maute, Aby Sayyaf.
Quan hệ Mỹ-Đài Loan dù có những bước phát triển so với các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đây nhưng mối quan hệ này vẫn phải dựa trên chính sách “Một Trung Quốc” và các tuyên bố chung của lãnh đạo Mỹ-Trung.
Nếu mối quan hệ đó đi lệch quỹ đạo của các nguyên tắc trên, nguy cơ đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với Đài Loan và giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ trở nên hiện hữu.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.nytimes.com/2019/04/10/world/asia/taiwan-china-united-states.html
2. https://thediplomat.com/2019/03/taiwan-us-plan-new-more-direct-talks-this-fall/
3. https://www.reuters.com/article/us-taiwan-china/taiwan-president-to-transit-us-during-trip-to-caribbean-allies-idUSKCN1TW187