Nga phát hiện xác voi ma mút cái khổng lồ vẫn còn máu

30/05/2013 07:05
Nguyễn Hường (nguồn RT)
(GDVN) - Phát hiện mới này cho phép các nhà nghiên cứu có thể làm sống lại sinh vật đã tuyệt chủng từ 4.000 năm trước trong tương lai, mặc dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh đề tài này.
Các nhà khoa học Nga đã tìm thấy xác một con voi ma mút cái trưởng thành với  máu và các mô cơ được bảo quản rất tốt trong băng ở Siberia.

Những gì còn lại của voi ma mút được tìm thấy tại Siberia, Nga.
Những gì còn lại của voi ma mút được tìm thấy tại Siberia, Nga.

Các nhà khoa học cho biết, họ đã tìm thấy máu bên trong xác con voi ma mút to lớn trong thời gian khai quật nó tại quần đảo Lyakhovsky, thuộc quần đảo Tân Siberia ở vùng biển Bắc Cực, phía đông nước Nga.
Máu đen được tìm thấy trong hốc băng dưới bụng con vật. Khi các nhà nghiên cứu phá vỡ hố băng, máu đã chảy ra. Họ đã rất ngạc nhiên bởi khu vực này có nhiệt độ ở mức -10 độ C khiến mọi thứ đều có thể đóng băng. Máu của voi ma mút đang được các nhà nghiên cứu phân tích và dự kiến sẽ sớm thông báo các phát hiện từ chúng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các mô cơ bắp của con vật cũng được bảo quản khá tốt, vẫn còn giữ được màu đỏ tự nhiên của thịt tươi do xác của nó được bảo quản trong băng tinh khiết, giữa các vùng lãnh nguyên.

Xác con voi ma mút con tên là Lyuba được tìm thấy năm 2007.
Xác con voi ma mút con tên là Lyuba được tìm thấy năm 2007.
Theo tính toán, con voi ma mút này có thể qua đời ở độ tuổi từ 50-60. Đây là lần đầu tiên trên thế giới các nhà khoa học tìm thấy xác của một con voi ma mút cái khổng lồ, nặng khoảng 1 tấn. Khi còn sống ước tính trọng lượng của nó là 3 tấn.
Ba xác voi ma mút trưởng thành đã dược tìm thấy tại Yakut trong lịch sử ngành cổ sinh vật học. Tuy nhiên, mặc dù được cho là được bảo quản tốt nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy các tế bào sống cho phép nhân bản chúng bằng  phương pháp ADN.
Phát hiện mới này cho phép các nhà nghiên cứu có thể làm sống lại sinh vật đã tuyệt chủng từ 4.000 năm trước trong tương lai, mặc dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh đề tài này.
Nguyễn Hường (nguồn RT)