Ngân sách quốc gia, ai quản và quản nổi không?

17/04/2015 20:42
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội lo lắng, Quốc hội quyết định về ngân sách nhưng chỉ là "hình thức", trong khi nhiều địa phương vẫn lãng phí.

Hôm nay (17/4), hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã dành thời gian thảo luận về dự án Luật ngân sách (sửa đổi). Nhiều Đại biểu quan tâm tới vấn đề kỷ cương trong quản lý tài chính với những sai phạm trong thu chi và chế tài xử lý.

Nhiều địa phương thất thoát, lãng phí

Câu chuyện quản lý ngân sách nhà nước luôn là một chủ đề nóng ở nhiều hội nghị, hội thảo và cả ở nghị trường Quốc hội.

Còn nhớ ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách "rất hình thức", vì việc lập, trình hay phân bổ dự toán ngân sách đều dựa trên các tiêu chí do Chính phủ quy định.

Quốc hội mang tiếng là quyết nhưng đại biểu chỉ có vài ngày để nghiên cứu nên gần như chỉ bấm nút thông qua những gì đã được cơ quan hành pháp soạn thảo.

Cũng theo ông Thụ, tình trạng Quốc hội đi "hợp thức hóa" nhiều khoản chi trước đó khiến ông không biết trả lời chuyên gia nước ngoài ra sao khi được hỏi: Tại sao Việt Nam lại có tình trạng cứ tháng 4, tháng 5 năm sau mới đi quyết ngân sách cho cái đã chi xong cả nửa năm trước?

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. ảnh: TTXVN.
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. ảnh: TTXVN.

Ngày hôm nay, Đại biểu Bùi Đức Thụ một lần nữa nhận định, trật tự kỷ cương trong quản lý tài chính đang có những sai phạm trong thu chi, tình trạng vượt dự toán diễn ra rất phổ biến, nhiều khoản chi vượt tới 2 lần.

Từ đó, ông Thụ đề xuất: "Chúng ta phải thay Nghị quyết về phân bổ ngân sách bằng Luật thường niên, chứ nếu vẫn để Nghị quyết thì hiệu lực pháp lý sẽ ra sao?".

Đề cập tới nội dung "thưởng cho những địa phương vượt thu", Đại biểu Bùi Đức Thụ không đồng tình, vì trong 63 tỉnh thì chỉ có 13 tỉnh giàu, 50 tỉnh còn lại phải nhận trợ cấp từ Trung ương.

Ông Thụ phân tích: "Trong 13 tỉnh giàu thì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có cơ chế tự chủ riêng, còn lại là 11 tỉnh thì không nên áp dụng cơ chế thưởng. Tôi rất băn khoăn vì số thưởng vượt thu ngân sách, vì số này được báo cáo vào tháng 4, tháng 5 trong khi ngân sách quyết toán đã đóng từ tháng 12 của năm trước.

Giờ chúng ta thưởng có nên không? Khi ngân sách kết thúc rồi thì báo cáo sau này dễ làm quyết toán của chúng ta đã ảo càng ảo thêm. Chúng ta phải tính toán lại nếu không đã nghèo lại càng nghèo, tụt hậu càng tụt hậu xa".

Cùng chung tâm trạng lo lắng ấy, Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, tình trạng hiện quản lý tài chính ngân sách đang gây ra thất thoát, lãng phí lớn khi đồng tiền không gắn với hiệu quả.

Tại một buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Bùi Quang Vinh cho biết:

"Nhiều lúc Thủ tướng bức xúc vì sao đường ở miền núi lại làm to kinh khủng đến 60-70m. Chủ trương này ai quyết định? Hay làm xong thì kệ không ai ở, không ai đến buôn bán. Không thể cứ đưa ra chủ trương đầu tư từ một cấp nào đó rồi phải lao theo. Đây là điều vô cùng lãng phí.

Có những chủ tịch tỉnh không cần biết trong túi mình có bao nhiêu tiền, cứ thích là duyệt chủ trương dự án xong đi xin trung ương rồi ký tràn lan".

Đại biểu Nam nói: "Hiện chúng ta xây nhà đẹp nhưng chẳng có ai đến ở; hay trồng rừng cũng chẳng có rừng. Vì vậy nguyên tắc chịu trách nhiệm gắn với hiệu quả là vô cùng quan trọng".

Theo Đại biểu Nam, vấn đề nợ công mới được đề cập ở Quốc hội, còn tại các cấp xã, huyện thì không kiểm soát được.

Nhiều xã, huyện cứ đi vay về để làm các công trình nên tính ra nợ công của quốc gia không phải là ít. Do vậy bây giờ phải cấm việc những địa phương không có nguồn thu thì không được vay để làm.

Ông Nam nói thẳng: "Tất cả các khoản chi Quốc hội phải quyết định, nhưng hiện nhiều khoản chi lớn mà Quốc hội cũng không biết. Đã là chi quốc gia thì Quốc hội phải biết kể cả chi trong quốc phòng an ninh.

Bây giờ là thế giới phẳng, chúng ta chẳng giấu diếm mãi được, nhiều khi thế giới còn biết trước Đại biểu Quốc hội. Đây cũng là những vấn đề nhân dân và cử tri yêu cầu".

Bao giờ thì minh bạch?

Cũng có chung quan điểm như Đại biểu Thụ, Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề: Quốc hội quyết định ngân sách hay chỉ là hình thức?

Đại biểu Minh nói: "Đây là vấn đề hết sức lớn, làm sao dự toán phải chính xác, khắc phục tình trạng luôn luôn vượt thu. Hiện giá dầu thô đang giảm, trong khi cả xã hội đang lo, nhưng chúng ta báo cáo quý 1 vượt thu hơn 10%. Theo quy trình này là hình thức.

Làm sao khắc phục được xin cho, hiện có nhiều hiện tượng ví dụ hàng năm chi ngân sách đầu tư của 1 tỉnh trong 1 năm là hơn 4000 tỷ đồng, nhưng Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ được quyết 10%. Vậy đây là cái gì? Luật lần này có khắc phục được không?

Hiện trên thế giới có nước nào thu mà để ngoài ngân sách không? Đây là vấn đề rất lớn trong khi chúng ta vẫn còn tình trạng này".

Lãng phí ngân sách, ai chịu trách nhiệm? ảnh minh họa: Đại đoàn kết.
Lãng phí ngân sách, ai chịu trách nhiệm? ảnh minh họa: Đại đoàn kết.

Tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tháng 10/2014, nhiều đại biểu bày tỏ rõ sự quan tâm tới vấn đề sử dụng các quỹ trong và ngoài ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội Nguyên Sinh Hùng yêu cầu, do nguồn thu các quỹ chủ yếu vẫn đến từ ngân sách nên cần có sự thống nhất trong quản lý.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, với các quỹ ngoài ngân sách, luật hiện hành không quy định phạm vi điều chỉnh, trong khi thực tế đã có những khoản thu của ngân sách được tách ra, đưa vào các quỹ này.

Từ những tồn tại trên, Đại biểu Ngô Văn Minh nhận định, quy trình lập ngân sách chưa chuyên nghiệp, khi tới Quốc hội thì mọi việc đã đâu vào đấy.

"Nhiều địa phương lên Trung ương gặp các bộ để bảo vệ kế hoạch. Việc đã xong rồi thì mới đưa ra Quốc hội. Luật  phải bổ sung việc địa phương bội chi trong năm đó không trả được thì không được vay tiếp. Chưa trả được nợ thì không cho vay thêm để quản lý cho chặt chẽ hơn", ông Minh nêu quan điểm.

Còn theo Đại biểu Trần Du Lịch thì phải phân định rõ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, từ đó xem địa phương có đủ chi từ thu ngân sách của mình không, nếu không thì trung ương hỗ trợ. Đây cũng là vấn đề ông Lịch rất tâm huyết và đã từng phát biểu ở kỳ họp trước của Quốc hội.

Đại biểu Lịch yêu cầu phân định rõ như vậy và giảm tối đa cơ chế xin cho.

Ông Lịch bày tỏ: "Tại sao ta lại cứ lồng hai cái tự chủ và không tự chủ vào nhau, cái cần tự chủ thì không cho tự chủ, cái không được tự chủ lại lồng ghép tự chủ.

Tôi thấy cái gì đưa ra Quốc hội thảo luận minh bạch thì rất tốt, cái gì để dấm dúi thì không tốt. Ngân sách là cần minh bạch nhất. Tại kỳ họp vừa rồi, cử tri hỏi: Tại sao Hà Nội được để lại 41%, TP. Hồ Chí Minh chỉ để lại 23% thu ngân sách? Tôi không biết trả lời thế nào. Nếu minh bạch ra thì không ai so bì".

Ngọc Quang