Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chung tay để “không ai bị bỏ lại phía sau”

31/10/2020 17:02
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gắn các tiêu chí xóa đói giảm nghèo với thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo đảm an sinh cho người dân.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, giai đoạn 2016-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn Ngành, gắn các tiêu chí xóa đói giảm nghèo với thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế lan tỏa và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong bảo đảm an sinh cho người dân.

Gắn phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh, chủ động, sáng tạo của các tập thể và công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn, đảm bảo 100% người nghèo, người có công, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; đồng thời đề xuất các giải pháp vận động, quyên góp, ủng hộ phần kinh phí chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ để người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc diện chính sách xã hội được tham gia Bảo hiểm y tế.

Kết quả, số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp hằng năm đều tăng vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Hết năm 2019, số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 86,5 triệu người (tăng 10,5 triệu người so với năm 2016); tính đến 30/9/2020 là 86,7 triệu người, đạt 98,49% kế hoạch. Cụ thể:

- Số người tham gia Bảo hiểm xã hội là 15,5 triệu người, trong đó có: 844,7 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo là trên 6,5 nghìn người, chiếm 1,13% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo là 9,7 nghìn người, chiếm 1,7% so với tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện).

Đặc biệt, riêng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mới năm 2019 tăng gấp 02 lần giai đoạn 10 năm trước từ 2008-2018.

- Số người tham gia Bảo hiểm y tế là 86,7 triệu người, đạt tỷ lệ 89,6% dân số, trong đó có: Hơn 2 triệu người thuộc đối tượng người nghèo; 1,7 triệu người thuộc đối tượng người cận nghèo.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, dẫn đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với quyết tâm phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện đồng bộ mọi giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức 02 Lễ ra quân trên phạm vi toàn quốc với chủ đề “Hưởng ứng Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện” và “Hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình” nhằm tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và Bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Kết quả, chỉ sau 04 ngày triển khai 02 Lễ ra quân, cả nước đã vận động được 60.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 64.000 tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình.

- Số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2016-2019 đều đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể: Năm 2016 đạt 101,5% kế hoạch; năm 2019 đạt 102,4% kế hoạch và tính đến 31/8/2020, đạt 60,34% kế hoạch.

- Các chế độ chính sách đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao.

Năm 2019, giải quyết cho 12,5 triệu lượt người hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, tăng 44% so với năm 2016; thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho 184 triệu lượt người, tăng 26% so với năm 2016.

- Công tác chi trả: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giảm bớt thủ tục hành chính đảm bảo việc chi trả cho người hưởng được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, đúng quy định.

Hiện toàn Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chi trả khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng; trong đó 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt, khoảng 600 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân.

- Công tác truyền thông gắn chặt với các công tác phát triển đối tượng. Nội dung và hình thức truyền thông được đổi mới với nhiều phương thức hiện đại, đa dạng, tiếp cận ngày càng gần hơn đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

- Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều bước tiến quan trọng: Đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 32 thủ tục (năm 2016) và còn 27 thủ tục (năm 2019).

Nhiều thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian giải quyết như: Thời hạn cấp sổ Bảo hiểm xã hội từ 20 ngày xuống còn không quá 5 ngày, cấp thẻ Bảo hiểm y tế từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp, không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định…

Với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi, trả thì số lần thực hiện giao dịch bình quân giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm…

Với những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu 2018, chỉ số nộp thuế, Bảo hiểm xã hội xếp thứ 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 81 bậc so với Báo cáo năm 2017).

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả nghiệp vụ của Ngành, nổi bật như: Triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử Bảo hiểm xã hội; hệ thống giao dịch điện tử cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ứng dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (Chatbot) trong trả lời, giải đáp người dân, doanh nghiệp về chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội.

Đáng chú ý, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trong phạm vi toàn quốc (tuyến xã 10.376 cơ sở y tế; tuyến huyện 1.933 cơ sở y tế; tuyến tỉnh 540 cơ sở y tế; tuyến trung ương 48 cơ sở y tế) và đã tiếp nhận đầy đủ dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế của các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Cơ quan bảo hiểm xã hội tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Cơ quan bảo hiểm xã hội tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Đa dạng các hoạt động quyên góp, ủng hộ người nghèo

- Hỗ trợ người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tham gia Bảo hiểm y tế

Xác định việc bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe thông qua Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách xã hội... là giải pháp quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo giảm nghèo tại địa phương, tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch giảm nghèo bằng các hoạt động, đóng góp theo khả năng của đơn vị hoặc tổ chức chương trình quyên góp, vận động chính quyền, đoàn thể tại địa phương ủng hộ phần kinh phí chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ để mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; người thuộc diện chính sách xã hội; tổ chức các chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo tiếp tục tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, công chức, viên chức toàn Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đóng góp hơn 8 tỷ đồng và mua 3.300 thẻ Bảo hiểm y tế hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách.

Năm 2019, sau khi ban hành Kế hoạch số 1910/KH-BHXH ngày 05/6/2019 về hỗ trợ mua tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã huy động sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống và các cá nhân, tổ chức trao tặng 2.400 thẻ Bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước, tương đương 1,8 tỷ đồng (đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình là 165 người; đối tượng thuộc Bảo hiểm y tế hộ gia đình là 1.869 người; đối tượng học sinh, sinh viên là 504 người).

Có 11 tỉnh, thành phố kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đã tặng 11.865 thẻ Bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, học sinh, sinh viên và người có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh như: Kon Tum, Lâm Đồng, Cà Mau, Bình Phước, Đồng Tháp, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh…

Sự chung tay của toàn Ngành Bảo hiểm xã hội trong hoạt động này không chỉ góp phần mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế mà còn giúp những người khó khăn có điều kiện tham gia Bảo hiểm y tế, được bảo vệ bởi quỹ Bảo hiểm y tế mỗi khi ốm đau, bệnh tật để trở lại cuộc sống lao động, học tập, tiếp tục nỗ lực thoát nghèo.

- Tích cực ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương

Hằng năm, bên cạnh đóng góp tiền mua tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách, các công chức, viên chức toàn Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn tích cực tham gia và ủng hộ bằng hiện vật, xây nhà tặng người nghèo; mua quà tặng các gia đình chính sách, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng học bổng cho các học sinh nghèo, hỗ trợ mua các vật dụng cho các xã nghèo; xây dựng đường; mua cây giống, con giống tặng các hộ nghèo…

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020:

- Huy động nguồn lực, đóng góp theo khả năng điều kiện, thu nhập của công chức, viên chức để giúp đỡ địa bàn nghèo, các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo, người nghèo… với tổng số tiền mặt trên 41 tỷ đồng, trong đó: khối cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam 9,52 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố hơn 31,48 tỷ đồng, tiêu biểu là các tỉnh: Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Giang, Tuyên Quang, An Giang, Đồng Nai…

- Trực tiếp giúp đỡ xây nhà mới hoặc phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng, đóng góp kinh phí xây dựng nhà thay thế nhà dột nát cho các hộ nghèo với tổng số 31 căn nhà (tương đương 3,3 tỷ đồng), nổi bật như: Quảng Bình, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Bình Định, Hải Phòng…

- Hỗ trợ, giúp đỡ bằng hiện vật cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; đăng ký và triển khai việc “đỡ đầu” giúp các xã nghèo thoát nghèo tại địa phương như: Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An từ năm 2016 đến năm 2020 đã trao tiền hỗ trợ xây dựng bản Na Lượng 1 (xã Hữu Kiệm) trở thành bản điểm trong phong trào giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và tặng hiện vật cho một số trường học trên địa bàn khó khăn; Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định thực hiện công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng với mức 800.000 đồng/tháng/Mẹ, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/quý; Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ giúp đỡ 15 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo; Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau hỗ trợ cho một số xã nghèo bồn chứa nước, tặng cho các cháu học sinh nghèo học bổng, xe đạp, sách giáo khoa, vở và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ giữ rừng tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ…

Có thể thấy, thời gian qua, cùng với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, sự nỗ lực chung tay của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác xóa đói, giảm nghèo đã góp phần lan tỏa chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế để mọi người dân, người lao động, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước.

Thu Giang