Ngày trở lại Ấn Độ của chiến đấu cơ MiG-35

30/12/2011 08:15
Trịnh Tuân (Theo RIA, militaryparitet)
(GDVN) - MiG-35 vẫn còn cơ hội quay trở lại Ấn Độ để một lần nữa tham gia vào gói thầu cung cấp 126 máy bay chiến đấu cho Không quân nước này

Đây là nhận định của ông Konstantin Makiyenko, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và công nghệ ở Moscow, Nga. Theo Makiyenko, lý do để Mig-35 trở lại cuộc đua đó chính là chi phí cho 2 ứng cử viên còn lại của gói thầu cung cấp các máy bay đa nhiệm tầm trung (MMRCA) quá lớn.

Máy bay chiến đấu MiG-35
Máy bay chiến đấu MiG-35

Vào tháng 8/2007, Ấn Độ đã mở một gói thầu trị giá 11 tỷ đôla cung cấp 126 máy bay chiến đấu đa năng tầm trung. Sáu hãng chế tạo máy bay lớn nhất của thế giới tham gia đấu thầu gồm Mikoyan (Nga) với MiG-35, Dassault Aviation (Pháp) với Rafale, Lockheed Martin (Mỹ) - F-16 Fighting Falcon và Boeing - F-18 Super Hornet, Saab (Thụy Điển) - Gripen, cũng như tập đoàn gồm các công ty của Anh, Đức, Tây Ban Nha và Italia với sản phẩm Eurofighter Typhoon.

Eurofighter Typhoon và Dassault Rafale đã loại Mikoyan MiG-35 và 3 đối thủ còn lại để thẳng tiến vào trận chung kết. Cả hai đều là những đối thủ “ngang tài ngang sức” cho gói thầu có trị giá lên tới 11 tỷ đôla.

Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ cho biết rằng cả Rafale và Typhoon - hai loại máy bay được lựa chọn cho vòng đấu thầu cuối lại là những loại máy bay đắt nhất. Do đó, giá trị của gói thầu này không chỉ dừng lại ở con số 11 tỉ đôla mà nó còn có thể lớn hơn rất nhiều.

Máy bay chiến đấu Rafale và Typhoon
Máy bay chiến đấu Rafale và Typhoon

"Đối với các máy bay chiến đấu của chúng tôi ở Ấn Độ, nói chung, vẫn chưa muộn. Hợp đồng vẫn chưa thúc, các quyết định để lựa chọn ra người chiến thắng liên tục bị trì hoãn" – Makiyenko phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti.

Theo ông, hai ứng cử viên còn lại - Eurofighter Typhoon và Rafale – đều là những loại máy bay đắt tiền nhất trên thị trường máy bay toàn cầu, và máy bay chiến đấu duy nhất phù hợp với mức chi phí đưa ra ban đầu của gói thầu, đó là  MiG-35 của Nga.

Ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích vũ khí toàn cầu của Nga thì tự hào nhấn mạnh rằng dù thế nào đi nữa, Nga vẫn đang là nước thống trị thị trường Ấn Độ và là một đối tác chiến lược của Delhi trong hợp tác quân sự-kỹ thuật.

“Đúng, chúng tôi đã rớt thầu, nhưng theo quan điểm của tôi, đây là hệ quả của một thực tế đó là: Ấn Độ trong những năm trước đây đã mua một số lượng lớn máy bay Nga, và hiện tại Ấn Độ đang có chính sách đa dạng hóa việc nhập khẩu các loại vũ khí.” – Korotchenko cho biết.

Theo Korotchenko, Nga và Ấn Độ đang thực hiện một số chương trình lớn về máy bay tiêm kích - đó là chương trình cấp phép sản xuất 140 chiếc Su-30 MKI, chương trình hợp tác chế tạo 250 tiêm kích thế hệ thứ năm, hợp đồng cung cấp các chiến đấu cơ MiG-29K/KUB cho Hải quân Ấn Độ,vv…

Các chuyên gia Nga rất tin tưởng vào sự trở lại của Mig-35 ở thị trường Ấn Độ và khẳng định rằng nó có cơ hội rất lớn để trở lại và giành chiến thắng. MiG-35 sẽ làm cho cuộc chạy đua tới chức vô địch thêm phần quyết liệt và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, MiG-35 hiện vẫn đang phải đối diện với những khó khăn cho ngày trở lại.

Báo chí nước ngoài gần đây đã đưa các guồn tin không chính thức rằng, trước ngày thông báo các ứng cử viên thắng thầu, người đứng đầu chính phủ Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha đã quyết định “nâng đỡ” Eurofighter, bằng việc gửi một bức thư bí mật cho Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh,  để "hỗ trợ chính trị" cho bản hợp đồng thương mại lớn nhất này.

Trong bức thư chung "bí mật", Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, cùng với Thủ tướng các nước Ý và Tây Ban Nha khẳng định rằng Eurofighter Typhoon là một "máy bay tuyệt vời". Đồng thời, hoan nghênh Ấn Độ như là "quốc gia thứ 5" cùng tham gia sản xuất các máy bay chiến đấu đa nhiệm tầm trung trong trường hợp Eurofighter thắng thầu.

Mikoyan MiG-35 là một kiểu máy bay mới nhất thuộc dòng Mikoyan MiG-29. Trang bị động cơ phản lực RD-33 với những miệng ống điều khiển hướng phụt linh động có khả năng cơ động cao, sức đẩy lớn và sử dụng công nghệ fly-by-wire.

MiG-35 sử dụng khung của MiG-29M1, trước đây được biết đến với tên gọi MiG-29OVT (MiG-29M2 và MiG-29MRCA được dùng để gọi những phiên bản có 2 chỗ ngồi). Được đưa ra thị trường dưới tên gọi MiG-35 nó đang được kì vọng là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Nga.

Các thông số cơ bản

Vận tốc cao nhất: 2.100 km/giờ

Hai động cơ: RD-33MK

Tầm bay: 3.000 km

Bán kính tác chiến: 960 km

Trần bay: 17.500 mt

Vũ khí: pháo 30 ly và 10 điểm treo tên lửa, bom với tổng trọng lượng 6,5 tấn.
Trịnh Tuân (Theo RIA, militaryparitet)