Nghề giáo- Nghề báo

21/06/2019 06:49
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Mỗi năm, khi đến ngày Báo chí Việt Nam, bản thân mỗi cộng tác viên báo chí cũng bâng khuâng một niềm vui âm thầm khó tả.

Đối với tôi, dạy học là nghề chính nhưng làm cộng tác viên báo chí cũng là một nghề vô cùng quan trọng mà bản thân đã luôn ý thức được từ khi mới tập tành viết lách.

Nghề giáo đem lại cho tôi niềm vui khi hàng ngày được tiếp xúc với học trò- những em học sinh tuổi mới lớn đang khát khao học tập, phấn đấu.

Nghề báo đem lại cho tôi niềm vui hàng ngày khi bài viết của mình được Tòa soạn sử dụng và đến được với độc giả cả nước.

Nghề giáo cho tôi tư liệu cuộc sống sinh động mà tôi đang “thực tế” hàng ngày và nghề báo giúp tôi luôn được tiếp cận với những đổi thay, những cái mới để thổi hồn vào những bài giảng ở trên lớp, giúp cho bài dạy thêm sinh động khi luôn cập nhật được những chủ trương, những thay đổi của ngành.

Vì thế, việc này hỗ trợ việc kia và tôi xem hai công việc này không thể tách rời nhau được.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - một địa chỉ tin cậy của rất nhiều nhà giáo (Ảnh: infonet.vn)
 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - một địa chỉ  tin cậy của rất nhiều nhà giáo (Ảnh: infonet.vn)

Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại một trường phổ thông nên thời gian chính của các ngày trong tuần phải lo giảng dạy trên lớp cho học trò.

Chính vì thế, bản thân chỉ có thể “tác nghiệp” vào những giờ mà khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ hay những ngày nghỉ cuối tuần.

Khoảng thời gian ít ỏi đó đã giúp tôi đắm chìm vào những bài viết, những trăn trở của nghề giáo.

Những năm qua, ngành giáo dục nước nhà đang từng bước chuyển mình để hội nhập và vì thế mà toàn thể thầy cô giáo cũng phải thay đổi để hội nhập và làm trọn thiên chức của mình.

Những tấm gương tận tụy với nghề, những chính sách, chủ trương đúng đắn, phù hợp vẫn là những gam màu sáng chủ đạo cho ngành giáo dục nước nhà trong những năm qua.

Tuy nhiên, trong thực tế hàng ngày thì người tốt, việc tốt cũng nhiều nhưng những mặt trái của xã hội vẫn đan xen, hiện hữu.

Chỉ riêng năm 2018 và nửa đầu năm 2019 này, chúng ta phải chứng kiến hàng loạt những sự cố giáo dục đầy tai tiếng đã xảy ra ở ngành giáo dục, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành.

Đó là tình trạng gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã làm xói mòn niềm tin của xã hội.

Ở đó là sự tha hóa về nhân cách của một số người thầy khi bắt tay với tiêu cực, chà đạp lên tất cả các chuẩn mực của mỗi nhà giáo chân chính.

Điều đau xót là đã có 17 nhà giáo đã bị truy tố, bắt giam và nhiều nhà giáo khác vẫn đang nằm trong nghi án tiêu cực ở kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018.

Nghề giáo- Nghề báo ảnh 2Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam "xa mà gần gũi"

Và, đâu đó vẫn có những Hiệu trưởng làm việc sai nguyên tắc, hách dịch, lộng quyền, coi thường kỉ cương, phép nước.

Đó là tình trạng lạm thu, môi giới chạy việc cho giáo viên, trù dập giáo viên ở đơn vị mình khi người đó dám nói lên sự thật.

Tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi, một số thầy cô đã không làm chủ được cảm xúc của mình trong quá trình đứng lớp nên đã có những hành động phi giáo dục làm ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo nước nhà.

Rồi bệnh thành tích, bệnh giả dối vẫn hoành hành trong ngành giáo dục khi cuối năm loạn học sinh giỏi, học sinh xuất sắc nhưng thực tế lại hoàn toàn khác khi học trò đối mặt với các kỳ thi.

Đó là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở nhiều nơi, một số thầy cô giáo giảng dạy chưa tốt trên lớp, vừa dạy, vừa giữ kiến thức để tạo chiêu trò kéo học sinh đến nhà học thêm với mình.

Và, cả chuyện hàng ngày, chúng tôi vẫn phải chứng kiến những bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành, của đơn vị mình công tác...

Vì thế, những ý tưởng, những bài viết được hình thành và đến với bạn đọc cả nước.

Mỗi bài viết là một trăn trở với nghề, với ngành giáo dục, với một mong muốn duy nhất là lãnh đạo, giáo viên trong ngành toàn tâm, toàn ý với ngành giáo dục.

Mỗi phụ huynh cùng chung tay với sự nghiệp giáo dục nước nhà bằng những việc làm cụ thể cho con em mình.

Không phải là sự hơn thua với người thầy mà tạo nên những hành động không đẹp như chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

Tuy nhiên, những người làm báo nói chung và những cộng tác viên báo chí nói riêng thường đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đôi lúc chấp nhận cả sự đánh đổi công việc, sự bình yên của mình để được nói lên sự thật, được bảo vệ lẽ phải, sự công bằng.

Nhưng, đổi lại là những niềm vui âm thầm được nhân lên qua những bài viết của mình được đăng tải.

Mỗi khi bài viết được Ban Biên tập sử dụng là người viết cũng hồi hộp dõi theo sự tương tác của độc giả.

Nghề giáo- Nghề báo ảnh 3Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của thầy Trần Sơn

Những bài viết nhận được nhiều tương tác của các độc giả khiến chúng tôi vô cùng cảm động.

Nhất là khi đọc những phản hồi nói lên sự đồng cảm với những trang viết của mình khiến cho những người cộng tác viên chúng tôi có thêm động lực để viết tiếp.

Đặc biệt, là sự quan tâm, sẻ chia, phản hồi kịp thời của Ban biên tập đã giúp những trang viết của chúng tôi chỉn chu hơn, thuyết phục hơn khi đến với bạn đọc.

Vẫn biết, khi làm cộng tác viên báo chí thì nỗi lo lắng cũng luôn thường trực khi những bài viết của mình đụng đến người này, người kia, đụng đến quyền lợi và trách nhiệm của một vài người hay đơn vị nên nhiều phen cũng phải “giật mình” vì một vài lời “nhắc khéo” của lãnh đạo.

Nhiều người biết mình có cộng tác với báo chí mà tự dưng thấy chuyện cơ quan được chuyển tải trên mặt báo thế là họ bàn tán xôn xao và đến tai lãnh đạo.

Những ngày đó đôi khi phải sống trong hồi hộp chờ sự phản hồi từ lãnh đạo của nhà trường, của ngành. Chuyện êm êm lắng xuống lại tiếp tục viết tiếp.

Mỗi năm, khi đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, bản thân mỗi cộng tác viên báo chí cũng bâng khuâng một niềm vui âm thầm khó tả.

Niềm vui ấy là sự xốn xang trân quý với tờ báo mà mình đang cộng tác, với những bạn đọc thân quen của mình và ý thức hơn mỗi trang viết của mình phải làm sao là một sản phẩm tốt nhất có thể nhằm góp phần làm đẹp hơn cho ngành, cho đời.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi gửi tới Ban biên tập, anh em phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam lời chúc mừng và mong muốn "báo mình" luôn là địa chỉ tin cậy nhất cho đội ngũ nhà giáo nước nhà.

Đặc biệt, chúng tôi gửi tới độc giả cả nước lời biết ơn sâu sắc trong suốt quá trình đồng hành cùng Ban biên tập, phóng viên, cộng tác viên qua những bài viết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

NGUYỄN CAO