"Nhật Bản không thể ngồi nhìn TQ ra quy định trái phép ở Biển Đông"

17/01/2014 11:06
Việt Dũng
(GDVN) - Báo Nhật lo ngại TQ mở rộng các "sự thực đã rồi", biến Biển Đông thành "ao nhà", xâm phạm tự do hàng hải, Nhật cần liên kết với các nước hành động.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam (ảnh minh họa)
Tàu cá của ngư dân Việt Nam (ảnh minh họa)

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc dẫn tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản ngày 14 tháng 1 có bài xã luận cho biết, cũng giống như việc lập Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông gồm cả đảo Senkaku, Trung Quốc còn có ý đồ thức đẩy mở rộng "sự thực đã rồi" trên biển. Nhật Bản tuyệt đối không thể ngồi yên đối với vấn đề này.

Bài báo cho rằng, hy vọng Trung Quốc lập tức từ bỏ "hung ác" tìm cách dựa vào vũ lực để làm thay đổi hiện trạng, đồng thời tiếp tục yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ Khu nhận biết phòng không.

Trung Quốc vừa ra quy định mới một cách bất hợp pháp, bao trùm lên 2/3 Biển Đông, bao gồm cả các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc yêu cầu tàu cá nước ngoài khi vào "vùng biển quản lý" thì phải "xin phép", nếu không thì sẽ bị phạt. Điều này đã bị cả Việt Nam và Philippines cũng như cộng đồng quốc tế phê phán, coi đó là hành động bất hợp pháp và vô giá trị.

Tàu Hải cảnh-3401 Trung Quốc vừa biên chế ngày 10 tháng 1 năm 2014 cho khu vực Biển Đông.
Tàu Hải cảnh-3401 Trung Quốc vừa biên chế ngày 10 tháng 1 năm 2014 cho khu vực Biển Đông.

Bài viết nghi ngờ khả năng thực hiện "quy định" mới mà tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa đưa ra. Nhưng, chắc chắn rằng, Trung Quốc làm như vậy là nhằm mục đích tuyên truyền "quyền quản lý" (bất hợp pháp) trên Biển Đông, tăng thêm những "sự thực đã rồi" trên biển.

Trung Quốc coi các vùng biển rộng lớn trên Biển Đông là "ao nhà" của họ (bất chấp luật pháp quốc tế và thực tế lịch sử), Trung Quốc còn có kế hoạch lập Khu vực nhận biết phòng không trên Biển Đông.

Cần phải thấy rằng, một khi "khu vực nghề cá" do Trung Quốc áp đặt được thực hiện, Trung Quốc sẽ tiến tới mở rộng đối tượng tới tàu thương mại và tàu quân sự, từ đó tích cực xâm phạm tự do hàng hải.

Trên thực tế, ở Biển Đông, tháng 12 năm 2013, tàu chiến Trung Quốc đã tiếp cận bất thường đối với tàu chiến của Quân đội Mỹ, năm 2009 cũng từng bao vây tàu khảo sát Mỹ.

Biên đội tàu sân bay Trung Quốc vừa xuống Biển Đông phô trương vũ lực
Biên đội tàu sân bay Trung Quốc vừa xuống Biển Đông phô trương vũ lực

Bài viết cho rằng, Bộ ngoại giao Mỹ lên án việc Trung Quốc đưa ra quy định mới bất hợp pháp trên Biển Đông là "hành vi khiêu khích và có thể gây nguy hiểm", cũng là xuất phát từ cảm giác nguy cơ này.

Theo bài viết, các nước như Mỹ, Hàn Quốc phê phán Trung Quốc lập ra Khu nhận biết phòng không, Nhật Bản cũng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ, nhưng Trung Quốc đã bỏ ngoài tai. Đối với các hoạt động "thử" tiến hành "sự thực đã rồi" trên biển, các nước cần phải đưa ra cảnh báo khi mỗi lần Trung Quốc hành động, tiến hành ứng phó kiên quyết.

Cách đây không lâu, Nhật Bản và ASEAN đã tổ chức một hội nghị cấp cao, đã đưa ra Tuyên bố chung đề xướng "tự do bay", đây là điều rất thỏa đáng. Đối với việc Trung Quốc lập ra "khu nghề cá" bất hợp pháp lần này, Việt Nam và Philippines đã lên tiếng bác bỏ, Chính phủ Nhật Bản cũng cần có tiếng nói lớn hơn.
Trung Quốc ưu tiên biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 cho Hạm đội Nam Hải trên hướng Biển Đông.
Trung Quốc ưu tiên biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 cho Hạm đội Nam Hải trên hướng Biển Đông.
Việt Dũng