NHŨNG: Hiểm họa bị bỏ quên

15/05/2016 07:43
phiêu thạch ba
(GDVN) - NHŨNG là những hành động rườm rà, không chịu làm việc, không chịu giải quyết. Nhũng viên (冗員) là viên chức dư thừa (ăn không ngồi rồi, không chịu làm việc).

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả có bút hiệu phiêu thạch ba (hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh), trong khuôn khổ bài viết này, tác giả mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình về hiện tượng NHŨNG hiện nay trong xã hội. 

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn, ý kiến riêng của tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Trong cách sử dụng ngôn ngữ, dân tộc ta thích dùng từ ghép vì nhiều mục đích khác nhau, như: Tăng ấn tượng cho người nghe, người đọc; dễ phổ quát hóa vấn đề,… 

Tuy nhiên, nếu từ được ghép bởi 2 từ khác nhau mà mỗi từ là một vấn đề hoặc một hiện tượng (từ ghép đẳng lập) thì thường xảy ra khiếm khuyết: Nếu 1 trong 2 vấn đề, hiện tượng thường xảy ra hơn, với tần suất áp đảo hoặc độ quan trọng áp đảo thì hiện tượng, vấn đề kia bị lu mờ, thậm chí bị quên lãng. 

Lúc ấy từ ghép chỉ còn tương đương với một từ đơn. Các từ ghép Hán Việt thường rơi vào trường hợp này nhất, bởi vì chúng ta sử dụng từ mà ít truy nguyên nghĩa của chúng. 

NHŨNG: Hiểm họa bị bỏ quên ảnh 1

Những "công chức cắp ô" là đây chứ đâu!

(GDVN) - Đồng Tháp vừa công bố kết quả sát hạch công chức khiến nhiều người ngạc nhiên, vì nhiều “công bộc” của dân không biết... đóng dấu.

Khiếm khuyết này có thể dẫn đến những mất mát to lớn, đặc biệt nếu đó là vấn đề hành chính hay luật pháp. Theo tác giả, hiện tượng NHŨNG đang bị rơi vào trường hợp này.

1. Nguyên nghĩa tên của 4 đại hiểm họa của một đất nước

THAM, LẠM, NHŨNG, NHIỄU là 4 đại hiểm họa của bất kỳ đất nước nào, ở bất kỳ thời đại nào.

Đã là đại hiểm họa thì cần phải hiểu rõ ràng, rành mạch về chúng chứ không thể hiểu mập mờ, hàm hồ theo kiểu từ ghép như hiện nay (hiện chúng ta có 2 từ ghép về 4 hiểm họa này là THAM NHŨNG và NHŨNG NHIỄU).

Trước hết, ta hãy tra nguyên nghĩa 4 từ này.

- THAM (貪): Ham muốn của cải không phải của mình và ham không biết chán. Ngoài ra còn có một nghĩa cá biệt là ăn của đút lót. Về phương diện luật, ta có thể phối hợp 2 nghĩa này và định nghĩa: Tham là hành vi chiếm đoạt của cải không phải của mình, trong đó có hành vi ăn của đút lót. 

- LẠM (濫): Quá định mức cho phép. Đối với đất nước, LẠM có thể hiện qua nhiều phương diện: Lạm quyền, lạm hình phạt, lạm tài chính . . . thậm chí là lạm khen thưởng. Riêng về mặt tài chính, LẠM là sử dụng công quỹ quá định mức cho phép.

NHŨNG: Hiểm họa bị bỏ quên (Ảnh: tienphong.vn)
NHŨNG: Hiểm họa bị bỏ quên (Ảnh: tienphong.vn)

- NHŨNG (冗): Rườm rà, dư thừa; Về phương diện luật, NHŨNG là những hành động rườm rà, không chịu làm việc, không chịu giải quyết. Nhũng viên (冗員) là viên chức dư thừa (ăn không ngồi rồi, không chịu làm việc, làm việc không hiệu quả). 

- NHIỄU (擾): Quấy rối, quấy rầy, gây cản trở, làm mất phương hướng.

2. Luật phòng, chống tham nhũng (năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012) và hiểm họa NHŨNG bị bỏ quên:

Về Luật đối với 4 hiểm họa này, nước ta có Luật phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đối chiếu với nguyên nghĩa các từ thì hiểm họa NHŨNG đã bị bỏ quên. NHŨNG xuất hiện trong tên của luật là do thói quen dùng từ ghép mà thôi. Tác giả xin minh chứng:

Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10 quy định như sau: 

Điều 3: Các hành vi tham nhũng:

Tham ô tài sản.

② Nhận hối lộ.

③ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

④ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

⑤ Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

⑥ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

NHŨNG: Hiểm họa bị bỏ quên ảnh 3

7 nỗi lo lớn của dân tộc, lo cả ngoại xâm và nội xâm

(GDVN) - Đó là Trung Quốc xâm phạm chủ quyền; lo quốc nạn tham nhũng; lo kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; lo suy thoái đạo đức xã hội...mà đại biểu Võ Thị Dung nêu.


⑦ Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.

⑧ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.

⑨ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.

⑩ Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

⑪ Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

⑫ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. 


Đối chiếu với nguyên nghĩa của 4 từ THAM, LẠM, NHŨNG, NHIỄU, ta thấy:

- Các mục ①, ⑨ là các hành vi thuộc khái niệm LẠM về tài chính

- Các mục ②, ⑧ là các hành vi thuộc khái niệm THAM

- Các mục ③, ④, ⑤, ⑥, ⑨, ⑫ là các hành vi LẠM QUYỀN, LẠM CHỨC VỤ để THAM

- Mục ⑦ là hành vi GIẢ MẠO để THAM.

- Các mục ⑩, ⑪ là các hành vi NHŨNG để THAM.

Như vậy, tất cả các hành vi bị điều chỉnh tại Luật chống tham nhũng 2005 đều thuộc khái niệm THAM và LẠM. Còn hành vi NHŨNG nhưng không THAM; NHŨNG có ý đồ THAM nhưng hành vi THAM chưa cấu thành hoặc không thể chứng minh thì không bị điều chỉnh, chế tài.

Trên cơ sở phân tích như vậy, tác giả đề nghị sửa đổi tên của Luật phòng, chống tham nhũng trên thành Luật phòng chống tham lạm đồng thời nghiên cứu và ban hành một luật riêng về NHŨNG và NHIỄU.

Việc nghiên cứu và ban hành một luật riêng về NHŨNG và NHIỄU có cần thiết không, hành vi NHŨNG mà không THAM có tác hại đủ lớn để ban hành một luật riêng hay không? 

Điều này, tác giả sẽ trình bày trong bài tiếp theo: “NHŨNG, hiểm họa đứng đầu trong các hiểm họa”.

phiêu thạch ba