Nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền quốc gia

08/07/2014 20:05
Ngọc Quang
(GDVN) - Tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó trên thực địa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 năm 2014 với 5 nội dung quan trọng.

Tập trung nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Nghị quyết giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng chính trị - ngoại giao; chủ động cung cấp kịp thời thông tin tình hình Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa và các giải pháp thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó trên thực địa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982 và luật pháp quốc tế.

Bộ Công an chỉ đạo nắm chắc tình hình, phối hợp với lực lượng quân đội có phương án chủ động sẵn sàng đấu tranh với các hành vi gây mất ổn định an ninh trật tự, kiên quyết không để tái diễn sự việc như vừa qua; ngăn chặn kịp thời hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, nhất là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất…

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông cung cấp chính xác, kịp thời tình hình Biển Đông, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; xây dựng Kế hoạch tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử”, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Điều chỉnh điều kiện đối với lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Chính phủ thống nhất điều chỉnh điều kiện đối với lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau:

Người nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật nếu đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn đào tạo hoặc có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam.

Người nước ngoài có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng hoặc tương đương trở lên và có ngành nghề đào tạo phù hợp chuyên môn giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ (trung tâm ngoại ngữ), cơ sở giáo dục mầm non.

Người nước ngoài có bằng tốt nghiệp từ đại học hoặc tương đương trở lên và có ngành nghề đào tạo phù hợp với chuyên môn giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nghị quyết giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương đề xuất sửa đổi các Nghị định liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chưa xử phạt vi phạm hành chính về tải trọng xe đến hết ngày 31/12/2014

Chính phủ đồng ý tạm thời chưa xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ trong thời gian đến hết ngày 31/12/2014 đối với các trường hợp:

Vi phạm quy định về tải trọng trục những không vi phạm trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

Vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, nếu trở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường dưới 10%.

Bổ sung đối tượng được vay vốn xây dựng nhà ở từ gói tín dụng ưu đãi của Nhà nước

Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó bổ sung đối tượng được vay vốn để xây dựng nhà ở từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch và đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức.

Mức cho vay cụ thể phải đảm bảo nguyên tắc thấp hơn số tiền mà mỗi hộ gia đình, cá nhân được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Chính phủ đồng ý chủ trương thuê mua dịch vụ công nghệ thông tin

Chính phủ đồng ý chủ trương thuê mua dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp. Các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cụ thể hóa cơ chế thuê mua dịch vụ công nghệ thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2014.

Nghị quyết cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin; tích cực triển khai, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, xây dựng, thuế, hải quan…; lãnh đạo các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tin học hóa xử lý hồ sơ công việc, xây dựng Cổng Thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương kết nối với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp. Các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, trước hết là cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngọc Quang