Ông Đỗ Văn Đương: Nhiều nhà khoa học ngồi trên giấy có làm được gì đâu

15/11/2014 12:22
Ngọc Quang
(GDVN) - Vào thế kỷ XIV, thầy giáo Chu Văn An từng dâng sớ chém các quan nịnh thần làm chính sách, vì chính sách không phù hợp gây hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thảo luận về dự thảo Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội sáng nay (15/11), ông Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần phải làm rõ các tiêu chuẩn của ứng viên ứng cử Đại biểu Quốc hội, có sự phân hóa rõ với các đại biểu ứng cử Hội đồng nhân dân, vì vai trò, nhiệm vụ, vị trí khác nhau.

Quốc hội hay Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử, trình độ học vấn là vấn đề vô cùng. Tuy nhiên, phải có căn cứ trên những tiêu chuẩn cụ thể để nhân dân biết và bầu ra những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; bầu ra những người phản ánh được tâm tư nguyện vọng của dân, có tình cảm với nhân dân.

“Một khi đã có tình cảm với nhân dân tức là đại diện cho số đông thì không còn e ngại gì, dám vượt qua các nhóm lợi ích và thiểu số chống lại nhân dân”, ông Đương nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Đương đề nghị: Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có kinh nghiệm làm việc thực tiễn trên 10 năm ở lĩnh vực được giao. Ảnh: TTBC.
Ông Đỗ Văn Đương đề nghị: Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có kinh nghiệm làm việc thực tiễn trên 10 năm ở lĩnh vực được giao. Ảnh: TTBC.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Văn Đương chỉ rõ, Quốc hội làm chính sách nhưng suy cho cùng là từng Đại biểu làm chính sách, bấm nút để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Vì vậy, vai trò của Đại biểu Quốc hội hết sức quan trọng ở tầm quốc gia.

Ông Đương kể lại câu chuyện trong lịch sử, vào thế kỷ XIV, thầy giáo Chu Văn An từng dâng sớ chém các quan nịnh thần, đồng thời cho biết: “Tôi có tìm hiểu và được biết những quan đó làm chính sách. Chính sách mà không phù hợp với thực tế cuộc sống, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì rất nghiêm trọng”.

Từ thí dụ trên, ông Đỗ Văn Đương đề nghị phải có sự phân hóa đại biểu, nhất là với các đại biểu kiêm nhiệm với đại biểu chuyên trách, vì đại biểu chuyên trách là những người chuyên tâm làm chính sách pháp luật, phải nói được và đề xuất được chính sách, biến ý chí của Quốc hội thành văn bản quy phạm pháp luật. Phải tránh tình trạng, đại biểu chỉ nói được mà không viết được, nhất là khi tới đây nâng số lượng đại biểu chuyên trách lên 35% (tức là hơn 100 người). Đây là vấn đề rất hệ trọng, muốn nâng cao vai trò của Quốc hội, trước hết phải nâng cao vai trò của các Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

“Tôi thiết tha đề nghị, đại biểu chuyên trách thì ít nhất phải là chuyên viên cao cấp và ít nhất phải có thời gian làm việc thực tiễn trong lĩnh vực mình được phân công trên 10 năm. Phải có hiểu biết thực tiễn thì mới có hiến kế xây dựng pháp luật, còn nếu không người học cao chưa chắc đã có trí tuệ. Có nông dân còn chế tạo được cả xe tăng, tàu ngầm, trong khi nhiều nhà khoa học ngồi trên giấy có làm được gì đâu. Tôi nói nhiều nhà, một số nhà, nói rõ như vậy chứ thì lại bảo tôi quy chụp”, ông Đương bày tỏ.

Ngoài ra, ông Đỗ Văn Đương cũng đề nghị, để lựa chọn cho được các vị đại biểu xứng tầm với niềm tin của nhân dân thì quy trình bầu cử và giám sát bầu cử, kiểm phiếu, cần có quy trình rất chặt chẽ, nhằm đảm bảo việc bầu cử là vô tư, khách quan, không gian lận.

“Tôi cho rằng một trong những quy định cần thiết phải chế định là cấm bầu thay. Một người cầm phiếu bầu cho nhiều người làm cho kết quả bầu cử không chính xác. Đồng thời cũng phải cấm tuyệt đối những hành vi xúi giục bầu cho người này, gạch tên người kia. Phải có cơ chế giám sát các tổ bầu cử, giám sát việc bầu cử ngay trong quá trình bỏ phiếu thực tế để xử lý với số phiếu bầu trước giờ kết thúc bầu cử, để đảm bảo khách quan”, ông Đương nói.

Ngọc Quang