Ông Lê Mạnh Hà nói về những thông tin sai lệch ở vụ sếp lương "khủng"

06/09/2013 08:22
Ngọc Luân
(GDVN) - "Quan điểm của thành phố là bảo vệ ngân sách nhưng cũng phải bảo vệ quyền lợi người lao động. Trước đó, đã xuất hiện những thông tin gây nhiễu, tạo không khí căng thẳng và hoang mang tâm lý người lao động". Ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Ông Hà cho biết thêm: "Người lao động không có trách nhiệm bồi hoàn thay cho các lãnh đạo làm sai quy định, trục lợi trong vấn đề chi tiền lương sai nguyên tắc tại các doanh nghiệp công ích – đó là chỉ đạo nhất quán của UBND TP. HCM trong vụ việc này".

Ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TP. HCM
Ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TP. HCM

Bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động

“Ai làm sai người ấy phải chịu trách nhiệm”, ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TP. HCM đã khẳng định như vậy trong cuộc gặp gỡ với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam vào chiều nay, ngày 5/9/2013, nhằm chủ động cung cấp thêm thông tin về vụ việc: lãnh đạo các doanh nghiệp công  ích TP. HCM lĩnh “lương khủng”, gây bất bình trong dư luận thời gian vừa qua.

Ông Lê Mạnh Hà chia sẻ: những sai phạm về chế độ tiền lương của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích tại TP. HCM là khá rõ ràng, tuy nhiên, đang có những thông tin gây nhiễu, làm sai lệch định hướng chỉ đạo của UBND TP. HCM trong vấn đề này, tạo nên tâm lý hoang mang và  lo âu trong tập thể người lao động tại các đơn vị này.

Ông Hà cũng nhấn mạnh: “Quan điểm chỉ đạo của thành phố trong vấn đề này là nhất quán: là không truy thu bất cứ một đồng nào chi phí phát sinh mà người lao động đã được hưởng trong chênh lệch định mức tiền lương do các lãnh đạo đã cố tình tính sai để trục lợi”.

Trước đó, trên một số tờ báo, do một số lý do đã nắm bắt thông tin chưa chuẩn xác và đa chiều, nên đã thông tin về việc người lao động sẽ đứng trước nguy cơ bị truy thu phần chênh lệch tiền lương này.

Ông Hà khẳng định: UBND thành phố chưa và sẽ không ban hành bất cứ một văn bản chỉ đạo nào đề cập đến việc truy thu tiền lương của người lao động. Người lao động sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Sai là cái sai của những người lãnh đạo doanh nghiệp. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm trước người lao động và trước pháp luật trong vấn đề khắc phục hậu quả.

Ông Lê Mạnh Hà nhận định rằng: sở dĩ có việc thông tin sai lệch như trên, chủ yếu là do các vị lãnh đạo này cố tình cung cấp sai lệch ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố cho cơ quan báo chí và người lao động trong đơn vị, nhằm biện hộ phần nào cho những vi phạm của mình.

Ông cho biết, đến chiều qua, khi UBND ra quyết định tạm đình chỉ công tác 8 lãnh đạo cao nhất tại 4 đơn vị doanh nghiệp công ích này, phần lớn những người này còn chưa nhận thức được sai phạm của mình.  

Theo ghi nhận của phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, những ngày qua, khi dư luận đang xôn xao về mức lương “khủng” của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích, thì mấy ngàn công nhân tại các đơn vị này cũng đứng ngồi không yên.

Bởi, như thông tin mà họ được các vị lãnh đạo này “truyền đạt” lại văn bản chỉ đạo của thành phố, thì  họ sẽ đứng trước khả năng bị thu hồi mức chênh lệch tiền lương định mức với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.

Phần lớn người lao động lo lắng và bức xúc, vì nếu bị truy thu tiền lương, thì phần lớn sẽ không biết lấy đâu ra một khoản tiền lớn để hoàn lại.

Trách nhiệm bồi hoàn là của những cá nhân sai phạm

Theo kết luận thanh tra của Sở Lao động Thương binh & Xã hội và ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP. HCM - Lê Mạnh Hà, lãnh đạo bốn đơn vị nói trên đã có nhiều dấu hiệu sai phạm khi thực hiện các chế độ tiền lương.

Dân càng khổ - cán bộ công ích càng giàu?
Dân càng khổ - cán bộ công ích càng giàu?


Trong đó, có 3 sai phạm nghiêm trọng nhất, đó là: Ký hợp đồng lao động sai quy định của luật lao động, tước đoạt quyền lợi chính đáng của người lao động làm việc trong môi trường lao động khắc nghiệt; chi lương cho lãnh đạo doanh nghiệp cao bất thường – gây bất bình đẳng; khai khống số lao động để hưởng mức chênh lệch quyết toán tiền lương.  

Cụ thể: Thông tư 27 của Bộ Lao động thương binh xã hội quy định mức lương của chủ tịch Hội đồng thành viên công ty và giám đốc công ty lần lượt là 27 và 26 triệu đồng/tháng, được trả thông qua quỹ tiền lương của ban điều hành nhưng lãnh đạo các đơn vị gộp vào quỹ lương của người lao động (trả theo sản phẩm) thành quỹ lương chung. Việc gộp chung này khiến lương của lãnh đạo các đơn vị cao ngất trời. Đơn cử: lương giám đốc công ty thoát nước độ thị lên tới 2,6 tỷ đồng/năm.

Nhận lương “khủng” song lãnh đạo các đơn vị lại có hành vi “bớt xén” quyền lợi chính đáng của hàng ngàn người lao động. Kết luận của UBND TP. HCM nêu rõ tại 4 công ty công ích: Thoát nước đô thị, Chiếu sáng công cộng, Công trình giao thông Sài Gòn và Công viên cây xanh còn vi phạm Bộ luật Lao động, ký hợp đồng thời vụ đối với người lao động đủ điều kiện ký hợp đồng có thời hạn và ký hợp đồng lao động có thời hạn đối với nhiều trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ngoài ra, các đơn vị còn áp dụng định mức lương tối thiểu vùng 2 triệu đồng/tháng để trả lương cho người lao động trong năm 2012 trong khi quy định này đã hết hiệu lực thi hành.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - tiền lương - tiền công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, từ năm 2006 đã có thông tư tách bạch rất rõ 2 quỹ tiền lương (của viên chức quản lý và của người lao động) đối với doanh nghiệp công ích. Hằng năm UBND TP cũng đã giao rất rõ ràng về quy chế tiền lương.

Mới đây Chính phủ cũng đã có nghị định tái khẳng định rất rõ, đó là không được lấy quỹ tiền lương của người lao động chi trả cho ban điều hành (viên chức quản lý). “Việc các doanh nghiệp chi tiền lương như thế phải nói là sai, bởi UBND TP đã giao rồi, nếu anh làm như thế thì cố tình làm sai” - bà Dân đánh giá.

Vì vậy, thành phố xác định, trách nhiệm bồi hoàn số tiền sai phạm trên là của các cá nhân vi phạm chứ không phải của người lao động. Trong đó, ông Lê Mạnh Hà cho biết: thành phố sẽ có giải pháp mềm dẻo – hợp lý để các cá nhân sai phạm tự đề xuất hướng xử lý và thu hồi số tiền đã chi sai tại đơn vị mình.

Khi nào đơn vị không có hướng xử lý thích hợp thì thành phố sẽ có hướng chỉ đạo thực hiện. Việc thu hồi thiệt hại này là có căn cứ pháp luật và điều kiện thực tiễn của đơn vị.

Trước đó, văn phòng UBND TP.HCM đã ra thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà về các sai phạm, yêu cầu các đơn vị này khôi phục các quyền lợi của người lao động đã bị công ty tước đoạt từ những năm trước đến nay và đền bù thiệt hại cho họ, do việc áp dụng chế độ bất bình đẳng.

Các công ty này còn phải kiểm tra nội bộ để tự phát hiện chi tiền lương, thưởng cho các viên chức quản lý sai quy định của những năm trước 2011, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai, 6 tỉ đồng cho UBND TP trước ngày 15/9/2013.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Giáo dục Việt Nam về phương án nhân sự thay thế cho 8 lãnh đạo bị tạm đình chỉ công tác, ông Lê Mạnh Hà cho biết: Ban thường vụ Thành ủy và UBND thành phố đã giao nhiệm vụ xây dựng nhân sự cho Sở Nội vụ và cơ quan chủ quản là Sở Giao thông vận tải TP. HCM triển khai và trình phương án cho lãnh đạo thành phố phê duyệt.

Ông Hà cho rằng: đây là công tác quan trọng nên thành phố đang có những bước xử lý thận trọng và chọn đúng người, đúng phẩm cách để giao việc. Ông Lê Mạnh Hà nhìn nhận, qua vụ việc này các lãnh đạo doanh nghiệp này sai đã đành, nhưng cũng phải nhận thấy cái sai của những người làm chính sách đã tạo khe hở và điều kiện để người ta làm sai. 

Ngọc Luân