Ông Lê Như Tiến: “Không chịu được áp lực, không thể làm Đại biểu Quốc hội”

07/05/2021 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Đại biểu Quốc hội chất vấn không phải để đánh bóng hình ảnh của mình, cũng không phải chất vấn để làm mất mặt các thành viên Chính phủ”, ông Lê Như Tiến nói.

LTS: Trở thành Đại biểu Quốc hội là vinh dự, đồng thời cũng mang theo trách nhiệm lớn lao với cử tri, nhân dân và thường xuyên phải đối diện với nhiều áp lực.

Loạt bài viết này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý độc giả những chia sẻ từ các trí thức nổi tiếng, là Đại biểu Quốc hội thẳng thắn trên nghị trường. Điều đó củng cố thêm niềm tin của cử tri dành cho các hoạt động của Quốc hội và có trách nhiệm cao với lá phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khoá XV.

Luôn quyết liệt vì nhân dân

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước. Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV được nhân dân, cử tri cả nước kỳ vọng, trong đó đáng chú ý là chất lượng đại biểu, không vì cơ cấu mà hạ thấp các tiêu chí.

Lựa chọn cán bộ thông qua các lá phiếu là gửi gắm những kỳ vọng, mong muốn của nhân dân, cử tri của cả nước đối với những đại biểu tài đức vẹn toàn, đại diện tiếng nói của nhân dân trước thềm bầu cử cận kề.

Chia sẻ với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về những bài học quý báu gửi gắm đến nhân sự nhiệm kỳ mới, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII), cho biết: “Thứ nhất, Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho nhân dân nên phải gắn bó máu thịt với nhân dân, với cử tri, đặc biệt là cử tri địa phương nơi mình ứng cử.

Nếu như đại biểu mới nào mà không thể hiện sự gắn bó với cử tri, với nhân dân thì chắc chắn nhân dân và cử tri sẽ nghĩ rằng đại biểu đó không hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm mà họ gửi gắm”.

Ông Lê Như Tiến khẳng định, đã là Đại biểu Quốc hội thì phải đối diện với áp lực, phải chịu được áp lực, tất cả đều vì quyền lợi của nhân dân. (Ảnh Cao Kim Anh)

Ông Lê Như Tiến khẳng định, đã là Đại biểu Quốc hội thì phải đối diện với áp lực, phải chịu được áp lực, tất cả đều vì quyền lợi của nhân dân. (Ảnh Cao Kim Anh)

Theo ông Lê Như Tiến, là Đại biểu Quốc hội phải luôn luôn biết lắng nghe tiếng nói, kiến nghị, mong muốn của nhân dân, của cử tri đối với Quốc hội và các cơ quan nhà nước. Lắng nghe cũng được xem là một loại năng lực với mỗi cán bộ, bởi phải có lắng nghe, thấu hiểu, trăn trở thì mới đi đến thực hiện đúng, làm đúng, hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân, đất nước.

Đã từng là Đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ liên tiếp, theo ông Lê Như Tiến, ngoài năng lực lắng nghe, đại biểu luôn luôn phải có kỹ năng tiếp nhận thông tin vào tư duy của bản thân mình.

“Trước khi là đại biểu, mọi người thường chỉ chuyên sâu ở một lĩnh vực, ngành nào thì có xu hướng chỉ quan tâm ngành đó. Nhưng khi đã làm Đại biểu Quốc hội thì họ phải tìm hiểu tất cả những vấn đề của đời sống xã hội mà cử tri phản ánh, kiến nghị.

Hàng trăm điều luật liên quan đến hàng trăm lĩnh vực khác nhau, nếu như Đại biểu Quốc hội thiếu thông tin thì không thể tự tin để quyết định bấm nút đồng ý hay phản đối, như vậy là chưa hoàn thành trách nhiệm.

Công tác giám sát tối cao cũng tương tự như vậy, nếu đại biểu thiếu thông tin sẽ không thể tiếp nhận công việc giám sát. Đại biểu luôn phải trau dồi, điền đầy kiến thức, lấp đầy lỗ hổng mà mình thiếu để hoàn thiện thông tin, thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.

Mình chỉ giỏi một lĩnh vực nhưng nhiệm vụ, trách nhiệm phải quyết định hàng trăm lĩnh vực. Từ kiến thức về đường sắt cao tốc đến luật hàng không, đến luật đường bộ, đến luật trẻ em, luật gia đình, luật cán bộ… rất nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau.

Do đó là Đại biểu Quốc hội phải có thông tin, tiếp nhận thông tin để biến kiến thức của nhân loại thành của mình để mình vững tâm, vững tin quyết định các vấn đề”, ông Lê Như Tiến chia sẻ.

Kỹ năng tạo sức lan tỏa thông qua tiếp xúc truyền thông để tạo dựng hình ảnh đại biểu trong nhân dân cũng như truyền tải thông điệp đến nhân dân, cử tri của cả nước cũng được ông Lê Như Tiến lưu ý, chú trọng.

“Nếu như ở Quốc hội, đại biểu nêu ý kiến chỉ có vài trăm người ở nghị trường nghe thì sau đó phải tiếp tục theo đuổi vấn đề ấy, gửi thông điệp tới các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông, mục tiêu là cùng nhau tạo thêm tiếng nói giải quyết được vấn đề, vì lợi ích chung của nhân dân, cử tri cả nước”, ông Tiến chia sẻ.

Áp lực nghị trường

Ông Lê Như Tiến khẳng định, đã là Đại biểu Quốc hội thì phải đối diện với áp lực. Nếu không chịu được áp lực thì không thể làm được Đại biểu Quốc hội.

Có ba chức năng lớn của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Cả ba chức năng đó đều diễn ra trong một kỳ họp, thậm chí trong một phiên họp, do đó lượng kiến thức, thông tin, kỹ năng cũng như bản lĩnh của Đại biểu Quốc hội phải rất lớn.

Phát biểu, phát ngôn, chất vấn trên nghị trường cũng là một trong những nhiệm vụ, chức năng nhưng đó cũng chính là áp lực đối với các đại biểu.

Ông Lê Như Tiến nổi tiếng là đại biểu thẳng thắn không ngại va chạm. Còn nhớ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ông đã làm nóng nghị trường khi đóng góp ý kiến trong vấn đề quản lý nhà nước về giá thuốc, chỉ rõ: “Giá bán với giá trị thuốc phải tương thích với nhau. Giá trị chỉ có một mà giá thuốc 10 lần thì không được. Đặc biêt với thuốc nhập khẩu, đang có thực tế là các nhà thuốc tăng vô tội vạ. Đó chính là cái làm người dân rất bức xúc. Anh ăn cả vào sinh mạng sống chết của người dân. Tăng giá thuốc, người nghèo không có tiền mua thì mong manh sinh tử của họ tăng lên rất nhiều”.

Hay ngay tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 3/2016, ông Lê Như Tiến đã nhận định, để Việt Nam cất cánh được phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thế nhưng dù có chủ trương, đường lối thông thoáng nhưng khâu thực hiện méo mó, trở thành rào cản cho những chính sách được thực thi. Điều này theo ông Lê Như Tiến không khác gì “mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”.

Ông Lê Như Tiến cũng từng thẳng thắn nói tại nghị trường là bệnh hoành tráng, thích xây trụ sở to ở nhiều địa phương gây tốn kém, làm khổ dân. Những phát biểu ấy được cử tri cả nước ghi nhận, nhưng bản thân ông thì đã đụng trạm tới nhiều người có chức vụ ở địa phương.

Theo ông Lê Như Tiến nếu Đại biểu Quốc hội không phải người ngay thẳng, trung thực, tận lực với nhân dân, với đất nước thì rất dễ rơi vào cám dỗ, cạm bẫy của tha hóa, quyền lực.

“Trong quá trình chất vấn cũng có những lúc áp lực, lúc tôi là Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, có vài bộ trưởng điện thoại và nói rằng, tôi là người hay chất vấn thành viên Chính phủ liệu tôi có chất vấn gì họ không? Nếu có chất vấn thì cân nhắc để làm sao cho hài hoà.

Tôi cũng trả lời thẳng thắn rằng, chất vấn đã được luật quy định và Đại biểu Quốc hội chất vấn là nhằm làm rõ băn khoăn của cử tri.

Tuy nhiên, chúng tôi chất vấn không phải với tư cách cá nhân nhằm vào bộ trưởng, tư lệnh ngành mà chất vấn trên tinh thần xây dựng đất nước phát triển, không phải chất vấn theo kiểu bới lông tìm vết, xỉa xói nhau”, ông Tiến nhớ lại.

Theo ông Lê Như Tiến thực hiện chất vấn thế nào cũng được xem là văn hóa nghị trường, thể hiện tinh thần xây dựng để đưa ngành, đưa đất nước phát triển, chứ không phải để đánh bóng hình ảnh của mình trước diễn đàn, cũng không phải để làm mất mặt các thành viên Chính phủ.

“Là Đại biểu Quốc hội, việc lựa chọn vấn đề chất vấn và chất vấn như thế nào rất quan trọng. Mặc dù chất vấn phải kiên quyết nhưng cũng thể hiện văn hóa nghị trường.

Không nên dùng cách và từ ngữ theo kiểu công kích cá nhân hoặc làm cho người khác cảm thấy xúc phạm, thiếu tôn trọng. Đó cũng là một trong những bài học cần thiết với đại biểu”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cao Kim Anh