Cán bộ ‘dám nghĩ dám làm’ và những động lực cho phát triển

18/04/2021 14:00
Theo Baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công việc trước mắt rất nhiều và nặng nề, đòi hỏi cả bộ máy hành chính từ trên xuống dưới, phải xắn tay ngay vào công việc, làm việc với tinh thần cao nhất...

Tại phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi được kiện toàn nhân sự, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ yêu cầu “bắt tay ngay vào công việc, làm việc nào dứt việc đó” với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và chỉ một ngày sau, Nghị quyết phiên họp đã được Thủ tướng ký ban hành.

Cùng với bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nghị quyết phiên họp đã nêu những quan điểm, định hướng lớn, rõ ràng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như một số nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện ngay trong thời gian tới.

Công việc trước mắt rất nhiều và nặng nề, đòi hỏi cả bộ máy hành chính từ trên xuống dưới, phải xắn tay ngay vào công việc, làm việc với tinh thần cao nhất, trách nhiệm nhất…

Chính phủ họp phiên đầu tiên sau khi kiện toàn nhân sự. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ họp phiên đầu tiên sau khi kiện toàn nhân sự. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo tinh thần “tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Nghị quyết nêu rõ các quan điểm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cũng như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống hành chính và từng cán bộ, công chức trong xử lý công việc, trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cán bộ với nhân dân và doanh nghiệp.

Người dân mong với tinh thần này, với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, sẽ loại dần được thói vô cảm của một số cán bộ khi xử lý công việc.

Một trong những thông điệp quan trọng của Nghị quyết là sẽ phân cấp, phân quyền thật rõ ràng, cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm.

“Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương”, Nghị quyết nêu rõ hơn về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương.

Cùng với đó, phải tạo môi trường đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cụm từ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” được nhắc tới 3 lần trong Nghị quyết này.

Trước đó, trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ các cán bộ như vậy.

Lâu nay, cụm từ “bảo vệ người dám nghĩ dám làm” được nhắc đến đâu đó nhưng lần này đã được đưa vào Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn, điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn đối với những cán bộ chủ động, sáng tạo trong công việc, mạnh dạn đổi mới vì sẽ có cơ chế để bảo vệ họ…

Điều này có ý nghĩa hệ trọng, trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược, nhưng cũng đồng thời đánh giá thời gian qua, “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này và những hạn chế, yếu kém khác, là do một bộ phận cán bộ chưa dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, còn tình trạng né tránh trách nhiệm, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, công việc của mình lên cấp trên hoặc trả lời vòng vo, làm tốn thời gian, công sức, đôi khi mất đi cơ hội của người dân, doanh nghiệp.

Cách làm việc đó khiến dẫn tới nhiều tồn đọng kéo dài, nhiều vướng mắc về cơ chế, thể chế, chính sách không được tháo gỡ kịp thời, hậu quả cuối cùng là không huy động, giải phóng được hết, không sử dụng được hiệu quả nhất mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ thực tiễn của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, muốn phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ - cái gốc của mọi công việc, thì một mặt, vừa phải phân rõ trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; mặt khác, vừa phải tạo môi trường, khuyến khích, bảo vệ những yếu tố, nhân tố đổi mới, sáng tạo như Nghị quyết đã chỉ ra.

Một điểm quan trọng khác trong Nghị quyết là các yêu cầu đặt ra trong xử lý công việc của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội rất nặng nề và điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ trong xử lý công việc “suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”. Chống phô trương, hình thức.

Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Từ thực tiễn cuộc sống và trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ, nhất là kinh tế số, phát triển quá nhanh, mà các cơ quan quản lý không theo kịp để đưa ra biện pháp phù hợp.

Bài học từ Quảng Ninh – địa phương được nhắc tới nhiều trong những ngày qua với vị trí dẫn đầu cả nước trên cả hai bảng xếp hạng về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – có thể là một ví dụ điển hình nhất cho thấy vai trò của một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm cùng các thử nghiệm mạnh dạn bắt nguồn từ những đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống, của tư duy đổi mới và có trách nhiệm.

Khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, nếu chính sách, pháp luật có điểm chưa rõ thì chính quyền Quảng Ninh rất ít khi lúng túng, không làm gì cả hay đợi xin được ý kiến chỉ đạo - tỷ lệ này của Quảng Ninh thấp nhất cả nước.

Điều này chỉ có thể làm được khi nội bộ thật sự đoàn kết, có người chịu trách nhiệm cao nhất, truyền cảm hứng cho cấp dưới.

Trong những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc cải cách trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với tổ chức, công dân, cần chú trọng hơn nữa cải cách cách thức xử lý công việc trong nội bộ các cơ quan hành chính.

Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau khi kiện toàn nhân sự đã thể hiện rõ yêu cầu, quan điểm đổi mới mạnh mẽ cách thức xử lý công việc, trong quan hệ cấp trên – cấp dưới, trong giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ…

Yêu cầu phát triển của đất nước đang đòi hỏi các cơ quan Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung nghiên cứu sớm cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách để sớm thực thi trong đời sống, kịp thời khắc phục hạn chế yếu kém mà Đại hội XIII đã chỉ ra, đó là chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu chậm được khắc phục, năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Cán bộ đột phá sẽ tạo thể chế đột phá và thể chế đột phá, chất lượng cao sẽ giúp huy động tối đa, sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực trong xã hội, tạo động lực để gần 100 triệu người dân cùng hành động, khuyến khích và bảo vệ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, làm giàu một cách chính đáng, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, hùng cường.

Theo Baochinhphu.vn