Ông Tập Cận Bình cho kéo HQ-9 ra Hoàng Sa trả đũa Hoa Kỳ?

25/02/2016 16:42
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tập Cận Bình đã bị Mỹ làm mất mặt, vì vậy có thể ông quyết định thực hiện biện pháp trả đũa", nguồn tin cho biết.

Nikkei Asian Review ngày 25/2 bình luận, căng thẳng leo thang hơn nữa trên Biển Đông kể từ khi Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và vấp phải phản đối, lên án từ Hoa Kỳ và Việt Nam.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.

Động thái này rõ ràng đi ngược lại với cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9 năm ngoái tại Mỹ rằng, Bắc Kinh không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông. Động thái này có liên quan tới cả hoạt động Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề an ninh tiết lộ với Nikkei Asian Review: "Tập Cận Bình đã bị Mỹ làm mất mặt, vì vậy có thể ông quyết định thực hiện biện pháp trả đũa", nguồn tin cho biết. Trong khi Ngoại trưởng Vương Nghị công khai bảo vệ các nỗ lực leo thang này.

Ngày 19/2 Thời báo Hoàn Cầu, một cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc bảo vệ các hành động này với lập luận, Hoàng Sa thuộc cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc từ lâu và hiện đang bị Trung Quốc kiểm soát (bất hợp pháp).

Tờ báo này tuyên bố việc kéo HQ-9 ra Hoàng Sa hay bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa là "phù hợp luật pháp quốc tế"?! Trong khi hôm 19/2 cũng là ngày ông Tập Cận Bình đã tới thị sát Nhân Dân nhật báo, đơn vị chủ quản của Thời báo Hoàn Cầu.

Đối đầu Trung - Mỹ trên Biển Đông leo thang nhanh chóng sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN tại Sunnylands. Trong khi ông Tập Cận Bình thăm Mỹ tháng 9 năm ngoái, chuyến thăm này coi như thất bại vì không thể ra tuyên bố chung do khác biệt trong vấn đè Biển Đông và một số lĩnh vực khác.

Với nhiều nhà sử học, cục diện Biển Đông hiện nay là một lời nhắc nhở đáng sợ về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây nửa thế kỷ. Thế giới ngày nay có thể không phải đối mặt với mối đe dọa từ một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng tình hình Biển Đông vẫn gây ra mối lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Còn theo phản ánh của The Guardian ngày 25/2, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris đã cam kết trước Ủy ban Quân sự Hạ viện, đơn vị ông sẽ tăng mức độ và tần suất các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở BIển Đông.

"Chúng ta phải tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để chứng minh rằng khu vực đó là vùng biển và vùng trời quốc tế", ông Harry Harris nói. Bất chấp khó khăn về dự toán ngân sách quốc phòng, Đô đốc Harry Harris yêu cầu được tăng quân, tăng vũ khí đến Biển Đông như tàu khu trục, tàu ngầm, tàu sân bay.

Theo đài VOA ngày 25/2, Đáp câu hỏi của thượng nghị sĩ John McCain, người lâu nay thúc đẩy tích cực cho hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ, rằng có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam hay không, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tuyên bố:

"Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược quan trọng cho Hoa Kỳ và tôi cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội làm việc gần gũi hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh mà họ chọn lựa. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam," Đô đốc Harris nói.

Hồng Thủy