Vụ án Nguyễn Thanh Chấn:

"Phải xử lý trách nhiệm với người đã ký vào bản kết luận điều tra"

09/11/2013 07:37
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Ông Vũ Đức Khiển cho rằng: "Tại bản kết luận điều tra chuyển sang VKSND tỉnh Bắc Giang đã có chữ ký của Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, mà nếu không có chữ ký ấy thì không thể kết thúc điều tra để chuyển sang các bước tiếp theo. Vì vậy, tôi cho rằng, phải xử lý trách nhiệm với người đã ký vào bản kết luận điều tra với ông Nguyễn Thanh Chấn."

Ông Khiển đánh giá: Tôi phải nói rằng, chúng ta cũng đã đi xem kinh nghiệm của các nước mãi rồi, nhưng chỉ xem thôi chứ chưa thấy học. Cứ nhìn sang nước gần nhất là Thái Lan, nơi tạm giam bị can là phòng kính, đi lại nhìn thấy hết, không có gì là bí mật, không tù mù như ở ta là chỉ có mấy anh công an với bị can.

Làm gì để ngăn chặn "bức cung"?

Từ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn đang gây sự chú ý của dư luận trong nước, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề cập tới sơ hở của công tác kiểm sát và năng lực của cơ quan điều tra.

Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

PV: Ngày hôm 7/11, Báo Giáo dục Việt Nam và nhiều tờ bác khác cũng đã đăng tải bài viết ghi nhận thông tin từ ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết 10 năm trước đã bị điều tra viên bức cung (dùng búa và dao dọa, không cho ngủ trong nhiều ngày liền…) – đây là một chi tiết rất đáng chú ý khi các cơ quan tố tụng lật lại vụ án này. Lâu nay, lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố nghiêm cấm việc ép cung, nhưng thực tế thì ở nhiều phiên tòa các bị cáo đã lật ngược lời khai và nói là bị các điều tra viên ép cung. Vì sao vậy, thưa ông?

Ông Vũ Đức Khiển: Đã có rất nhiều trường hợp khi ra tòa, bị cáo nói rằng bị ép cung cho nên buộc phải nhận tội để chờ ra tòa khai lại, nhưng tòa lại nói “không thành khẩn, chối tội, ngoan cố”. Vậy là đằng nào họ cũng không thoát. Bi hài là ở chỗ ấy! Thực tế, khi bị tạm giam thì chỉ có công an với bị can, làm gì thì không ai biết, theo luật thì sẽ có luật sư được gặp bị can, nhưng thực tế thì luật sư cũng không được vào, vì thế nếu bị can không nhận thì rất dễ bị ép cung.

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ: Theo quy định pháp luật, nếu có trường hợp ép cung là trái pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi ở mọi lúc mọi nơi, kể cả trong nhà giam”.

Tôi phải nói rằng, chúng ta cũng đã đi xem kinh nghiệm của các nước mãi rồi, nhưng chỉ xem thôi chứ không học. Cứ nhìn sang nước gần nhất là Thái Lan, nơi tạm giam bị can là phòng kính, đi lại nhìn thấy hết, không có gì là bí mật, không tù mù như ở ta là chỉ có mấy anh công an với bị can.

PV: Qua trường hợp cụ thể từ của ông Chấn, ông có thấy sự sơ hở từ công tác kiểm sát?

Ông Vũ Đức Khiển: Viện kiểm sát giữ cái quyền “oai” lắm, đó là kiểm soát hoạt động của cơ quan tư pháp. Nếu chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động tư pháp đúng theo Hiến pháp quy định và Quốc hội giao thì tất cả những vụ việc oan sai, phía viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm hết, trừ trường hợp đã kháng nghị bản án nhưng tòa vẫn kết tội.

Trường hợp này, Viện Kiểm sát vẫn còn một quyền nữa là báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội đề nghị tiến hành giám sát, và trong trường hợp này Viện Kiểm sát đã làm hết trách nhiệm, còn nếu không làm như vậy thì phải chịu trách nhiệm.

Trong Bộ Luật Tố tụng quy định rất rõ ràng là VKS có quyền phê chuẩn bắt tạm giam và gia hạn giam giữ, trong trường hợp phát hiện được kẻ phạm tội mà cơ quan điều tra lại không ra quyết định khởi tố thì VKS có quyền ra quyết định khởi tố buộc cơ quan điều tra phải điều tra.

Đó là luật quy định, nhưng thực tế không được như vậy, vì thực chất kiểm sát không tham gia vào quá trình điều tra, chỉ chờ công an làm rồi phê chuẩn. Tôi đã công tác 32 năm trong ngành kiểm sát và từng nói với anh em rằng cứ làm thế này thì kiểm sát chỉ là “bánh xe thứ 5”, trong khi cái xe chỉ cần 4 bánh là chạy rồi.

Xử lý trách nhiệm ai?

Sau 10 năm ngồi tù oan, anh Nguyễn Thanh Chấn đã được trở về với gia đình.
Sau 10 năm ngồi tù oan, anh Nguyễn Thanh Chấn đã được trở về với gia đình.

PV: Thưa ông, từ vụ án của ông Chấn, nhìn lại nhiều vụ án khác nữa thì thấy rằng có một điều rất đáng lo ngại về năng lực điều tra ở các địa phương?

Ông Vũ Đức Khiển: Chuyện này trước đây chúng tôi đã nói nhiều rồi, đó là trình độ năng lực của cán bộ điều tra rất thấp (cần phải xem lại quy trình đào tạo), chưa nói tới vấn đề đạo đức, trách nhiệm.

Cả một hệ thống các cơ quan công quyền nhưng không tìm ra thủ phạm giết người, mà cuối cùng chính sự kiên trì của gia đình ông Chấn đã tìm ra, điều đấy thật đáng xấu hổ.

Ông Chấn có bị ép cung hay không thì sẽ được điều tra làm rõ, và chính Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đã nói rất rõ về quan điểm là nếu Tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra, xử lý nghiêm người phạm tội; đồng thời phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật

Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý, các cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “hòa cả làng” và dân phải chịu hết. Qua báo chí cho biết, điều tra viên vụ án bắt anh Chấn đã chết vì tai nạn giao thông, còn những người liên quan chắc chắn sẽ cãi bay cãi biến và chỉ “xin rút kinh nghiệm”. Người ta sẽ đổ lỗi loanh quanh, rằng “cấp dưới chịu trách nhiệm trực tiếp, còn ký chỉ là trình tự”, còn cấp dưới thì lại nói “trình lên là quy định, nhưng anh có quyền ký hoặc không ký”.

Nhưng cần phải lưu ý, tại bản kết luận điều tra chuyển sang VKSND tỉnh Bắc Giang đã có chữ ký của Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, mà nếu không có chữ ký ấy thì không thể kết thúc điều tra để chuyển sang các bước tiếp theo. Vì vậy, tôi cho rằng, phải xử lý trách nhiệm với người đã ký vào bản kết luận điều tra với ông Nguyễn Thanh Chấn.

“Đây là vụ oan sai hy hữu, tòa án đã tuyên có tội khiến người ta phải ngồi tù 10 năm, và sau khi xét xử lại thì sẽ đền bù cho người bị oan sai bao nhiêu? Chắc là nhiều tỷ đồng. Trách nhiệm hoàn trả ra sao, hay lại là gánh nặng cho ngân sách? Xót xa cho người bị oan sai bao nhiêu thì lại càng xót xa cho người dân phải nai lưng ra đóng thuế để rồi mang tiền đi đền bù cho những việc làm tác trách”, ĐBQH Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội).

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)