Philstar: Kiểm tra tàu qua Biển Đông, TQ đang thách thức cả thế giới

11/12/2012 07:27
Hồng Thủy (Nguồn The Nation)
(GDVN) - Điều sỉ nhục đối với phần còn lại của thế giới này chính là sự tùy tiện của Trung Quốc trong cái gọi là "thực thi chủ quyền ở Biển Đông"
Ngày 10/12 tờ The Nation Thái Lan dẫn nguồn tin tờ Philstar - Philippines đăng bài xã luận với nhan đề: "Chúng ta đang bên bờ vực của ngoại giao pháo hạm", trong đó vạch rõ bộ mặt thật của giới chức Trung Quốc qua những động thái vừa rồi trên Biển Đông, trong đó khẳng định việc giới chức tỉnh Hải Nam cho phép cảnh sát biển kiểm tra tàu thuyền nước ngoài khi đi qua Biển Đông, Trung Quốc đang thách thức cả thế giới.

Tàu Hải giám 75 Trung Quốc hoạt động phi pháp trên Biển Đông hồi tháng 4/2012
Tàu Hải giám 75 Trung Quốc hoạt động phi pháp trên Biển Đông hồi tháng 4/2012

Bốn tuần liên tiếp vừa qua thế giới chứng kiến sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, bắt đầu từ cuối tháng 11 khi tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ban hành một văn bản của cái gọi là cơ quan lập pháp tỉnh này đã cho phép tàu tuần tra cảnh sát biển được quyền kiểm tra (phi pháp - PV) đối với tàu thuyền nước ngoài khi đi qua cái gọi là "lãnh hải Trung Quốc" trên Biển Đông với khoảng thời gian quá ngắn từ lúc ban hành cho tới lúc bắt đầu có hiệu lực, ngày 1/1/2013.

Văn bản này đã gây ra sự lo ngại đáng kể đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời nó cũng gây ra sự ngạc nhiên đối với các cường quốc khác trên thế giới như Mỹ và Ấn Độ trước ý đồ (phi lý, phi pháp và vô hiệu - PV) của Bắc Kinh đòi kiểm soát nơi hơn một nửa số tàu chở dầu của thế giới phải đi qua.

Mỹ và Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đối với Biển Đông và cả hai đều có lực lượng hải quân mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của mình trước sự hung hăng, tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ và Ấn Độ sẽ bảo vệ lợi ích của họ liên quan đến tự do hàng hải của tuyến đường thương mại trọng yếu ở Biển Đông.

Chiến đấu cơ J-15 cất hạ cánh trên TSB Liêu Ninh. Việc Trung Quốc đẩy mạnh phát triển sức mạnh hải quân dấy lên sự lo ngại trong khu vực cũng như đối với các cường quốc có lợi ích ở Biển Đông
Chiến đấu cơ J-15 cất hạ cánh trên TSB Liêu Ninh. Việc Trung Quốc đẩy mạnh phát triển sức mạnh hải quân dấy lên sự lo ngại trong khu vực cũng như đối với các cường quốc có lợi ích ở Biển Đông

Những quy định mới do chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc nhào nặn ra cho phép lực lượng cảnh sát biển kiểm tra tàu thuyền nước ngoài và việc xác định những gì họ gọi là "bất hợp pháp" hoàn toàn nằm trong tay lực lượng chức năng và chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Điều sỉ nhục đối với phần còn lại của thế giới này chính là sự tùy tiện của Trung Quốc trong cái gọi là "thực thi chủ quyền ở Biển Đông" trong khi Bắc Kinh đang tỏ ra đe dọa các nước láng giềng yếu hơn bằng sức mạnh hải quân ngày càng gia tăng.

Văn bản gây sốc từ phía Trung Quốc không được ban hành bởi chính phủ Trung Quốc mà Bắc Kinh "né" cho chính quyền tỉnh Hải Nam ra mặt là một chiêu bài chính trị nhằm hạ vai trò của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khi phản đối quy định này với ý đồ quá rõ, theo tờ Philstar, nó thể hiện thâm ý Trung Quốc xem các nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như "chư hầu", "tiểu quốc".

Điều đó khiến công luận thế giới không thể không đặt ra câu hỏi, liệu các quy định mới này là do chính quyền trung ương Trung Quốc xúi giục hay chính quyền tỉnh Hải Nam đặt ra? Dù câu trả lời là gì thì nó cũng đang đẩy nhanh sự leo thang căng thẳng trên Biển Đông.

Tờ Philstar cho rằng, với can thiệp đơn phương thô bạo từ phía Trung Quốc mà không hề có sự bàn bạc với các bên liên quan thì điều gì sẽ xảy ra khi tàu thuyền Trung Quốc đánh chặn tàu chiến của Philippines tuần tra trên Biển Đông, nơi Philippines tuyên bố chủ quyền. Hành động can thiệp của Trung Quốc có thể coi như một hành động chiến tranh, Philistar kết luận.
Hồng Thủy (Nguồn The Nation)