Quan chức đánh bạc tiền tỷ: Cần rà soát lại công chức...

27/12/2011 07:41
Huyền Biển/Phunutoday
"Công chức của một tỉnh nhỏ mà đã như vậy thì công chức của một tỉnh lớn thì sẽ ra sao? Phải phân tích ra xem các ông lấy tiền ở đâu?

Cơ chế nào để họ lấy tiền? Rồi vì sao chỉ đến lúc họ kiện cáo nhau thì mọi người mới biết? Vậy tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền ở đâu? Nếu các ông ấy không “lật kèo” nhau, không mang nhau ra kiện cáo thì sự việc này sẽ ra sao?"... - ĐBQH Dương Trung Quốc.

ĐBQH Dương Trung Quốc
ĐBQH Dương Trung Quốc

Dư luận tỉnh Sóc Trăng cũng như nhân dân cả nước trong những ngày gần đây đang xôn xao và bất bình về vụ việc hai “quan” của tỉnh đánh cờ ăn tiền với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trước đó, sáng 24/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng tống đạt lệnh tạm giữ hình sự Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe hạng 3 tỉnh Sóc Trăng - ông Trần Văn Tân, ngụ TP Sóc Trăng để điều tra về hành vi đánh bạc.

“Nạn nhân” của ông Tân, Nguyễn Thanh Lèo (Sáu Lèo), Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng cũng bị tam giữ hình sự.

Từ lời khai của Sáu Lèo, cơ quan điều tra cho biết, hai ngày trước, ông này đã cầu cứu cảnh sát khi bị ông Tân xiết nợ vì thua độ đánh cờ tướng 22 tỷ đồng. Nhiều lần đòi nợ không được, ông Tân thuê người đến tận nhà nhà Sáu Lèo ở số 77A Quốc lộ 1A, phường 7, TP Sóc Trăng, dọa “xử đẹp” nếu không trả dứt nợ.

Sau khi sự việc bị vỡ lở, cơ quan điều tra phát hiện những người có liên quan đều là các “quan” đứng đầu của một ngành ở địa phương, khiến dư luận không khỏi bất bình. Nhiều câu hỏi nghi vấn đã được đặt ra trước sự việc.

Trong khi trao đổi, ông Dương Trung Quốc đặt ngay câu hỏi: Liệu với đồng lương công chức vẫn được coi là ít ỏi thì hai "ông quan" này lấy tiền đâu ra để mà chơi “khủng” đến vậy?

"Thứ nữa là chơi cờ tướng ăn tiền tức là đánh bạc. Đó là vi phạm pháp luật và vi phạm luật công chức rồi. Chính vì vậy, việc đầu tiên là phải sa thải những người này và cho họ hầu tòa. Người dân chỉ vì những chuyện lặt vặt mà còn bị trị đến nơi đến chốn nữa là những vị quan chức, Đảng viên thoái hóa đạo đức, phải trừng trị gấp đôi, gấp nhiều lần mới công bằng, dân chủ và văn minh.

Công chức của một tỉnh nhỏ mà đã như vậy thì công chức của một tỉnh lớn sẽ ra sao? Phải phân tích ra xem các ông lấy tiền ở đâu? Cơ chế nào để họ lấy tiền? Rồi vì sao chỉ đến lúc họ kiện cáo nhau thì mọi người mới biết? Vậy tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền ở đâu? Nếu các ông ấy không “lật kèo” nhau, không mang nhau ra kiện cáo thì sự việc này sẽ ra sao?

Trong cơ chế này, có phải đây chỉ là 2 “cá biệt” hay chỉ mới là mấy vị “bị lộ” lại thuộc loại “không khảo mà xưng”, nhưng chắc chắn đó chỉ là những phần nổi của tảng băng ngầm mà thôi. Phải coi đây là cơ hội để rà soát lại bộ máy công chức của mình. Xử lý tốt thì không chỉ làm trong sạch bộ máy, ngăn chặn và thu hồi được thất thoát công quỹ mà còn vớt vát được phần nào lòng tin vốn đã mất mát quá nhiều của dân.

Không nên “vơ đũa cả nắm” nhưng phải điều tra và xử lý từ gốc đến ngọn. Cứ như “Quốc triều thể lệ” thời phong kiến quy định thì khi phát hiện ra quan tham thì truy nguyên gốc người tiến cử mà giáng 2 cấp đầy đi nơi xa làm việc còn nếu do vô tình tiến cử thì cũng giáng 2 cấp nhưng cho lưu dung... Nhưng đấy là ngày xưa, lẽ ra ngày nay phải nghiêm hơn mới phải chứ đừng sợ “thiếu nguồn nhân lực làm quan”.

Cuối cùng, tôi thấy cả hai vị này đều thuộc Ngành giao thông vân tải mà không chỉ toàn xã hội bức xúc mà ngay chính tân Bộ trưởng, vị “tư lệnh” của ngành này cũng bức xúc. Số tiền mà hai vị này mang ra sát phạt nhau thế nào chẳng có liên quan đến việc mua bán bằng cấp lái xe giả, rút ruột công trình hạ tầng và nhiều tiêu cực khác của ngành. Suy cho cùng thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là con người và cơ chế quản lý và sử dụng người”.

Huyền Biển/Phunutoday