Quảng trường Ba Đình và thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc

02/09/2019 06:19
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Lời văn của bản Tuyên ngôn độc lập đanh thép, khúc triết; giọng đọc của Bác Hồ hào sảng mà ấm áp, làm xúc động hàng triệu con tim.

Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, đập tan xích xiềng nô lệ ngót 80 năm của chế độ thực dân cũ và lật nhào chế độ phong kiến ngự trị hàng nghìn năm.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong ngày 2 tháng 9, cả Hà Nội tràn ngập cờ hoa. Người Hà Nội xuống đường. Nhân dân các địa phương lân cận kéo về Hà Nội.

Những dòng thác người cuồn cuộn từ nhiều hướng, nhiều cửa ô đổ về Quảng trường Ba Đình, đông đủ các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, đảng phái, dân tộc, lứa tuổi.

Lực lượng tự vệ, dân quân... mang theo súng, dao, kiếm, mã tấu; các đơn vị Giải phóng quân cùng tham dự mít tinh.

Trong chiều dài lịch sử của mình, chưa bao giờ có một ngày hội lớn - một cuộc mít tinh lớn như cuộc mít tinh ngày 2 tháng 9 tại Quảng trường Ba Đình. Có tới gần một triệu người dự cuộc mít tinh trọng đại, có ý nghĩa lớn lao, sâu sắc này.

Tại sao Quảng trường Ba Đình lại được chọn làm nơi diễn ra sự kiện đặc biệt quan trọng này?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tuyengiao.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tuyengiao.vn

Cách mạng tháng Tám thành công, sau khi trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định tổ chức ngày Tuyên bố Độc lập.

Trong quá trình chuẩn bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến thời tiết đang mùa mưa lũ và khoảng không gian cần thiết cho nhân dân dự mít tinh được đông đảo. Người đã chỉ thị nên làm lễ vào buổi chiều để đỡ mưa và tổ chức địa điểm thật rộng rãi.

Ban đầu, Ban tổ chức ngày lễ Độc lập định chọn khu Quần Ngựa hoặc Đông Dương học xá, song lại thôi vì xa trung tâm thành phố. 

Còn địa điểm trung tâm là Quảng trường Nhà hát Lớn thì lại chật chội. Sau khi cân nhắc Ban tổ chức đã quyết định chọn Vườn hoa Ba Đình. Chỉ có nơi này mới tập hợp được hàng triệu đồng bào.

Vườn hoa Ba Đình trước đây vốn có tên là Quảng trường Puginier - bãi đất trống cạnh Phủ toàn quyền Pháp đã được đổi tên từ sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945).

Chữ Ba Đình là để gợi nhớ đến cuộc khởi nghĩa lớn đã nổ ra rất oanh liệt trong phong trào Cần vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX ở Thanh Hóa, chứ không phải như có người giải thích rằng trước đây ở khu Quảng trường này "có 3 cái đình".

Quốc khánh 2/9/1945 đã trở thành một mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam
Quốc khánh 2/9/1945 đã trở thành một mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam

Ban tổ chức ngày lễ Độc lập đã quyết định dựng lễ đài ở bồn cỏ nằm giữa Vườn hoa Ba Đình.

Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức ngày lễ Độc lập và ông Trần Quốc Hương đã giao việc này cho ông Phạm Văn Khoa, phụ trách một nhóm Văn hóa cứu quốc thực hiện.

Sáng 1/9/1945, ông Khoa tìm đến một hội viên là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh giao trách nhiệm thiết kế và thi công lễ đài này.

Ông Quyến, thợ mộc ở phố Hàng Hành và khoảng mười người thợ nữa được mời ra thi công công trình trong điều kiện hết sức khẩn trương.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 2 tháng 9 công việc đã hoàn tất. Lễ đài cao 4 mét, có cấu trúc theo hình bệ cột cờ thành Thăng Long xưa.

Bốn mặt hình thang, khung gỗ, có các bậc lên xuống ở bên trong, gần hết diện tích phủ vải đỏ, giữa có ngôi sao vàng lớn, phía trên phủ vải vàng, bốn mặt trang trí những đường vòng bằng vải đỏ, ở mỗi điểm tiếp giáp được tết một bông hoa lớn.

Cột cờ bằng gỗ cao khoảng 5 - 6 mét, nhô lên từ chính giữa lễ đài. Hai mặt bên trên bệ cao bày lư hương lớn bằng gỗ, bên trong đặt đỉnh đồng.

Theo sự bố trí của Ban tổ chức, các đoàn thể lần lượt tiến vào Quảng trường. Một đơn vị Giải phóng quân súng ống lưỡi lê tuốt trần đứng dàn hàng ngang phía trước kỳ đài.

Một đội tự vệ, người nào cũng súng ngắn cầm tay tạo thành một hàng rào bao quanh kỳ đài... Từ trên kỳ đài nhìn xuống là một biển người đông đảo, một rừng cờ đỏ sao vàng.

Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ Lâm thời bước lên kỳ đài.

Buổi lễ bắt đầu bằng lễ chào cờ với bản nhạc Tiến quân ca ngân vang hào hùng và lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên đỉnh cột cờ.

Hai người được vinh dự kéo lá cờ trong ngày lễ trọng đại này là nữ chiến sĩ Đàm Thị Loan (sau này là vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái) và nữ sinh Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, con gái Giáo sư Dương Quảng Hàm).

Tháng 8, tháng 9 năm 1945 – những sự kiện lịch sử không quên
Tháng 8, tháng 9 năm 1945 – những sự kiện lịch sử không quên

Sau lễ chào cờ, thay mặt Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á:

"Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...

... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Lời văn của bản Tuyên ngôn độc lập đanh thép, khúc triết; giọng đọc của Bác Hồ hào sảng mà ấm áp, làm xúc động hàng triệu con tim. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong, cả rừng người hoan hô như sấm dậy.

Tiếp theo là phần Chính phủ Lâm thời tuyên thệ. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu báo cáo công việc tước ấn kiếm của Bảo Đại tại Huế.

Đại diên Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nói về cuộc đấu tranh của nhân dân và kêu gọi đoàn kết, đẩy mạnh quá trình cách mạng.

Sau khi quân nhạc cử bài Tiến quân ca kết thúc buổi lễ, quân chúng nhân dân dự lễ đã tiến hành một cuộc biểu tình tuần hành trên các trục phố chính của Thủ đô Hà Nội.

Cả nước vui mừng trong ngày hội độc lập. Cả nước hướng về Hà Nội, hướng về Ba Đình, lắng nghe tiếng nói của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, lắng nghe hồn thiêng sông núi.

Sau ngày Tuyên bố Độc lập, Vườn hoa - Quảng trường Ba Đình đã đi vào lịch sử của dân tộc ta, ghi dấu nơi khai sinh ra nước Việt Nam mới. Để ghi lại sự kiện này, từ tháng 12/1945, Vườn hoa Ba Đình mang một tên mới là Vườn hoa Độc Lập.

Ngày 23/9/1945, quân đội Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Sau khi mở rộng xâm lược ra nhiều nơi, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi gửi tối hậu thư đòi ta phải phá bỏ công sự trong thành phố và đòi để chúng kiểm soát, giữ gìn trật tự Hà Nội.

Không thể nhân nhượng được nữa, tối 19/12/1946, quân và dân Thủ đô đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

Sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, lực lượng vũ trang ta rút khỏi Hà Nội (tháng 2 năm 1947). Thực dân Pháp lại chiếm đóng Hà Nội.

Trong thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Phủ Toàn quyền Pháp đã đổi tên Vườn hoa Ba Đình thành Vườn hoa Hồng Bàng.

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 10/10/1954, từ 5 hướng, các đơn vị quân ta tiến vào giải phóng Thủ đô. Tiếp đó, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ về lại Thủ đô.

Ngày 1/1/1955, tại Quảng trường Ba Đình, hàng vạn đồng bào ta đã tiến hành mít tinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô.

Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bộ Tuyên truyền của Chính phủ ra quyết định sửa đổi 8 tên đường phố và vườn hoa, trong đó Vườn hoa Hồng Bàng được đổi thành Vườn hoa Ba Đình (hay còn gọi Quảng trường Ba Đình) là tên gọi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày nay, Quảng trường Ba Đình là Quảng trường lớn nhất Thủ đô nằm trên đường Hùng Vương.

Mặt chính của Quảng trường Ba Đình - mặt Tây - là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa Quảng trường, trước Lăng là cột cờ cao 30 mét.

Còn phía Đông của Quảng trường là Nhà Quốc hội, được xây dựng trên nền của Hội trường Ba Đình trước kia.

Quảng trường Ba Đình, nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào và vinh quang của toàn quân, toàn dân ta.

Tài liệu tham khảo chính:

- Cách mạng tháng Tám 1945 - Toàn cảnh, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội - 2005.

- Năm 1945 - Những sự kiện lịch sử trọng đại, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

- Hào khí Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đại tá Đặng Việt Thủy