Quốc hội thông qua Luật Biểu tình vào cuối năm 2016

21/05/2015 10:31
Ngọc Quang
(GDVN) - Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII và thông qua luật này vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Cách đây ít phút, Quốc hội đã nghe dự thảo Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2015 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 11 (cũng là kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII) dự kiến diễn ra vào tháng 3/2016, Quốc hội xem xét thông qua 6 dự án, bao gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi).

Tại kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến dự án "Luật Biểu tình". Đây là dự luật được người dân chờ đợi trong suốt thời gian qua, đặc biệt là khi người dân mong muốn được bày tỏ quan điểm, góp phần gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trước những hành vi ngang ngược của nước láng giềng.

Biểu tình phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. ảnh: VNE.
Biểu tình phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. ảnh: VNE.

Ngay từ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (tháng 6/2013), khi thảo luận về Chương trình xây dựng luật pháp lệnh, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề nghị đưa "Luật Biểu tình" vào chương trình năm 2014.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) dẫn thí dụ, ngay từ năm 1945, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, chính quyền còn trong trứng nước, đặc biệt là dân trí còn rất thấp, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không bãi bỏ quyền biểu tình mà yêu cầu báo trước 21 tiếng.

Ông Nghĩa khẳng định: "Ban hành luật luật Biểu tình sẽ ngăn chặn, đề phòng và chống được việc lạm dụng gây mất trật tự an ninh xã hội và thậm chí là những hành vi xấu chống lại chế độ… vừa đáp ứng được quyền hiến định của nhân dân".

Tuy nhiên, trải qua 4 kỳ họp tiếp theo, vì nhiều lý do khác nhau, Quốc hội vẫn chưa đưa "Luật Biểu tình" vào chương trình làm việc.

Gần nhất, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị: “Luật biểu tình khó có thể đảm bảo thông qua tại kỳ họp thứ 9. Tôi đề nghị đưa dự án luật này ra và thay thế bằng dự án Luật kế toán”.

Đồng quan điểm, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, nên rút Luật Biểu tình khỏi chương trình dự kiến kỳ họp thứ 9, lùi sang kỳ họp thứ 10 với lý do cho đến thời điểm hiện tại Chính phủ chưa cho ý kiến và trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng liên quan tới Luật Biểu tình, vào phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 12/2014, sau khi nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định.

Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình dự án luật.

Mặc dù dự án "Luật Biểu tình" được đưa vào chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, nhưng phải đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016) mới thông qua Luật Biểu tình (dự kiến).

Tại kỳ họp này, còn một loạt các dự án luật khác dự kiến thông qua, bao gồm: Luật ban hành quyết định hành chính; Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật dân số; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thủy sản; Luật du lịch (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh niên.

Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến 15 dự án, bao gồm: Luật Công an xã; Luật thủy lợi; Luật chứng thực; Luật về máu và tế bào gốc; Luật đường sắt (sửa đổi); Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật đo đạc bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật cảnh vệ.

Ngọc Quang