Quyết tâm đấu tranh chống sự biến chất, tha hóa trong đội ngũ

13/10/2017 11:28
Theo Báo Đại Đoàn kết
(GDVN) - Tinh thần của Hội nghị Trung ương 6 cũng như phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự hưởng ứng, hoan nghênh của toàn xã hội.

Ngày 11/10, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã tiến hành bế mạc với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được bàn luận, giải quyết.

Trong đó, đặc biệt nổi bật là công tác cán bộ, sắp xếp bộ máy, thi hành kỷ luật đối với trường hợp cán bộ đảng viên mắc khuyết điểm, sai lầm.

Tinh thần của Hội nghị cũng như phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng, hoan nghênh của toàn xã hội.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng trích đăng một số ý kiến trên Báo Đại Đoàn kết xung quanh vấn đề này.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ 

Giáo sư Hoàng Chí Bảo.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo.

Hội nghị Trung ương 6 của Đảng bàn rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Rất nhiều quyết sách được đưa ra như: Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ... đã được dư luận, nhân dân đánh giá cao.

Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm trong kỳ họp Trung ương lần này chính là quyết định kỷ luật cán bộ mắc sai phạm cụ thể là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì kỷ luật cán bộ rất đau xót nhưng là việc làm cần thiết, đúng lúc, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo cấp cao của Đảng ta trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự thoái hóa, biến chất của cán bộ.

Quyết định đúng đắn này đã đáp ứng nguyện vọng chung của đông đảo quần chúng nhân dân là phải đặt vấn đề kỷ luật cán bộ một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, đúng với những sai phạm của người cán bộ mắc phải.

Kỷ luật nghiêm khắc sẽ là liều thuốc đủ mạnh để cảnh báo, răn đe chấn chỉnh cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt nói không đi đôi với làm.

Xử lý nghiêm khắc cán bộ để làm gương cùng với các quy định cụ thể để bịt lỗ hổng trong công tác cán bộ sẽ phần nào giải tỏa những bức xúc về công tác cán bộ trong thời gian qua.

Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Hồi chuông cảnh báo các công bộc của dân

Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc.
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc.

Để xảy ra những vi phạm trong thời gian qua cũng cho thấy một thực trạng đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ.

Câu chuyện ở Đà Nẵng hay ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chính là sự suy thoái về phẩm chất chính trị, nói không đi đôi với làm.

Vấn đề là những sai phạm này không phải trong một sớm một chiều.

Rõ ràng trong nội bộ có hiện tượng nể nang, không kiên quyết nêu vấn đề để kiểm điểm, răn đe trong nội bộ Đảng, cấp ủy Đảng nên dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng như vậy.

Và cho dù có sự bao che thì những sai phạm của cán bộ cũng lộ diện bởi tai mắt của nhân dân.

Sự kỷ luật nghiêm khắc của Trung ương cũng là lời cảnh tỉnh cứng rắn cho cán bộ miệng thì nói phụng sự nhân dân nhưng lại làm những việc đi ngược lại lợi ích chung. 

Thiếu tướng Lê Kế Lâm - nguyên Chuẩn Đô đốc Hải quân: Đã xử lý phải xử lý đến nơi đến chốn

Thiếu tướng Lê Kế Lâm.
Thiếu tướng Lê Kế Lâm.

Tôi rất tâm đắc bài phát biểu bế mạc Hội nghị 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu của Tổng Bí thư đề cập nhiều vấn đề, trong đó ngoài những vấn đề tiêu cực, tham nhũng thì có cả những vấn đề như là dân số già, cân bằng dân số, ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế…

Thế nhưng câu đắt nhất và được dư luận quan tâm nhất tôi cho là việc Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Để mất niềm tin của nhân dân là mất tất cả”.

Câu nói của Tổng Bí thư là tiếp nối Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo: “Đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”;

Hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Quyết tâm đấu tranh chống sự biến chất, tha hóa trong đội ngũ ảnh 4

Phản ứng của dư luận với kết quả Hội nghị Trung ương 6

Như vậy, tôi cho rằng Tổng Bí thư đã tiếp bước các bậc tiền bối và khi vừa nói như vậy, cũng đã thực hiện quyết liệt chống tiêu cực tham nhũng như thời gian gần đây thì cử tri, người dân thấy rất phấn khởi và tin tưởng vào quyết tâm của Đảng.

Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã tổ chức được rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra xuống các bộ ngành, địa phương và khi phát hiện sai phạm thì xử lý ngay.

Chẳng hạn như là các vụ việc nóng trong xử lý cán bộ thời gian qua, như xử lý Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự; xử các vụ đại án tại Oceanbank khi phanh phui sai phạm của Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm...

Cái này thì cử tri, người dân ai cũng thấy và phấn khởi. Nhưng tôi có góp ý thêm là tất cả những người đã vi phạm, nhất là trong Đảng thì phải thực hiện theo đúng quy định của Đảng là kỷ luật.

Tức là chỉ có 3 hình thức là khiển trách, cảnh cáo và khai trừ, chứ không chỉ là dừng lại ở phê bình, sẽ không đảm bảo răn đe. Kỷ luật của Đảng theo tôi là phải nghiêm minh.

Thứ hai là như Tổng Bí thư đã khẳng định là chống tiêu cực tham nhũng thì không có vùng cấm. Dứt khoát phải như thế.

Vừa qua, những gì tưởng như là vùng cấm nhưng bây giờ cũng đã xử rồi, thì người dân tin là đã không còn vùng cấm trong xử lý tham nhũng.

Và, còn nhiều các vùng cấm khác mà Đảng phải quyết tâm, Trung ương cũng phải quyết tâm để lấy lại niềm tin của người dân.

Các vụ việc tiêu cực ở Yên Bái, Thanh Hóa thì cũng phải xử lý, không để chìm xuồng vì người dân vẫn theo dõi. Đã xử lý phải xử lý đến nơi đến chốn và phải tâm phục khẩu phục. 

Theo Báo Đại Đoàn kết