Rót gần 30 tỷ đồng, người dân Sầm Sơn vẫn khốn khổ vì ô nhiễm

19/08/2015 09:18
Duy Phong
(GDVN) - Tưởng rằng, khi thực hiện dự án, người dân sẽ không còn cảnh ô nhiễm nữa nhưng ngược lại, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục và có chiều hướng tăng lên.

Nơi “cùng cực” ô nhiễm

Theo tìm hiểu của phóng viên, bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn được xây dựng từ năm 1997 với diện tích hơn 2ha, đặt ngay cạnh khu dân cư phường Trung Sơn và Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn.

Do dân số của thị xã ngày càng tăng và lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn ngày một đông nên số lượng rác thải đã quá tải trong nhiều năm liền.

Mặc dù đã đầu tư 26,3 tỷ đồng nhưng Dự án khu xử lý rác thải tại thị xã Sầm Sơn vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: Duy Phong
Mặc dù đã đầu tư 26,3 tỷ đồng nhưng Dự án khu xử lý rác thải tại thị xã Sầm Sơn vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: Duy Phong

Những năm gần đây, lượng rác thải của toàn thị xã du lịch này đổ dồn về bãi chứa này quá nhiều, trong khi đó chính quyền lại không có phương án nào xử lý khiến bãi rác ngày càng phình ra, quá tải. Vì vậy, rác thải đang tràn ra cả các ngăn lắng lọc, xuống dọc bờ sông Đơ rồi đổ trực tiếp ra biển Sầm Sơn.

Bãi rác đồ sộ nằm “chềnh ềnh” giữa khu dân cư phường Trung Sơn, Bắc Sơn trong nhiều năm khiến không những người dân địa phương khốn khổ mà khách du lịch đến với Sầm Sơn cũng cảm thấy khó chịu, bức xúc.

Hạng mục bể lắng tại dự án, tuy nhiên người dân vẫn cho rằng, nước thải bốc mùi hôi thối vẫn xả trực tiếp ra sông làm cá chết trắng sông. Ảnh: Duy Phong
Hạng mục bể lắng tại dự án, tuy nhiên người dân vẫn cho rằng, nước thải bốc mùi hôi thối vẫn xả trực tiếp ra sông làm cá chết trắng sông. Ảnh: Duy Phong

Đến ngày 09/9/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2955/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo khu xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Rót gần 30 tỷ đồng, người dân Sầm Sơn vẫn khốn khổ vì ô nhiễm ảnh 3

Chỉ định gói thầu 30 tỷ đồng, UBND TX. Sầm Sơn làm trái luật?

Tình trạng ô nhiễm đến mức báo động khiến ngày 01/10/2013, bãi rác của thị xã Sầm Sơn được đưa vào “danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được rà soát, thống kê và phê duyệt tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để đến năm 2020” theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 06/5/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 1311/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án và Kế hoạch đấu thầu dự án Nâng cấp, cải tạo khu xử lý rác thải sinh hoạt vệ sinh tại thị xã Sầm Sơn.

Theo đó, gói thầu có tên là “xây dựng công trình”; tổng giá trị đầu tư 26,3 tỷ đồng, nguồn vốn: “Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn huy động hợp pháp khác”.

Nước xả tại dự án xử lý rác thải thị xã Sầm Sơn. Ảnh: Duy Phong
Nước xả tại dự án xử lý rác thải thị xã Sầm Sơn. Ảnh: Duy Phong 

Người dân thị xã Sầm Sơn cứ ngỡ rằng Nhà nước đầu tư 26,3 tỷ đồng thực dự án xây dựng bãi rác thì tình trạng ô nhiễm môi trường của Thị xã sẽ được cải thiện, khắc phục. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy…

Càng đầu tư càng ô nhiễm, người dân chỉ biết… kêu trời

Ngay sau khi Dự án “xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo khu xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại thị xã Sầm Sơn” được đưa vào vận hành, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã về trực tiếp tại địa phương và ghi nhận được thực trạng ô nhiễm của khu bãi rác vẫn tiếp diễn, hiệu quả của dự án hàng chục tỷ đồng chưa thấy đâu và người dân tiếp tục “kêu trời” vì bị ô nhiễm trầm trọng.

Nước xả của Dự án xử lý rác thải được đổ trực tiếp ra sông, khiến người dân chịu nhiều thiệt hại trong chăn nuôi. Ảnh: Duy Phong
Nước xả của Dự án xử lý rác thải được đổ trực tiếp ra sông, khiến người dân chịu nhiều thiệt hại trong chăn nuôi. Ảnh: Duy Phong

Ông Nguyễn Hữu Hào, một người dân tại phố Đồng Xuân, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn bức xúc cho biết: “Từ năm 1997 tới nay, người dân chúng tôi đã có nhiều đơn kiến nghị, kêu cứu trước tình trạng ô nhiễm quanh khu vực bãi rác của thị xã Sầm Sơn. Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương không giải quyết và cũng không có bất cứ một văn nào trả lời người dân chúng tôi. Thời gian ô nhiễm nặng nhất là từ 22 giờ đêm đến 10 sáng hôm sau, gió Tây thổi vào khiến chúng tôi không thể thở được, đóng cửa cả ngày cũng không át được mùi. Con cái, các cháu ban ngày phải chuyển đi sơ tán tối mới về nhà”.

Nhiều người dân cho biết, gia đình họ đã ở ổn định tại đây hàng trăm năm nay, nhưng từ năm 1997, chính quyền lại đưa bãi rác về đặt cạnh ngay bên nhà người dân, có gia đình chỉ cách bãi rác từ 50 - 100m.

Chúng tôi nhiều lần kiến nghị phải di dời bãi rác khỏi khu vực này hoặc nếu không thì phải có phương án chuyển chúng tôi đi nơi khác để chúng tôi có cuộc sống bình thường. Dòng sông trước nhà tôi, ngày trước còn tắm mát nhưng giờ chỉ cần lội qua sông thôi đã ngứa ngáy, hỏng chân. Không có nước sạch để sử dụng, người dân xóm Thắng phải tự bỏ tiền túi đầu tư đường ống để dẫn nước sạch từ nơi khác về dùng. Vừa đây, thị xã có làm đầu tư cải tạo bãi rác nhưng lại càng cải tạo lại đọng rác lên, lại càng ô nhiễm, hôi thối…”, ông Nguyễn Hữu Hào cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thứ, trú tại tổ dân phố Khanh Tiến, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, nhà chỉ cách bãi rác vài chục mét bức xúc cho biết: “Hiện nay gia đình tôi nằm ngay sát bãi rác, nước bãi rác thải ra bờ sông rất ô nhiễm. Không có nước sạch, gia đình tôi phải tự đầu tư 40 triệu để góp với xóm đầu tư đường ống dẫn nước. Mặc dù dự án đã đầu tư hàng chục tỷ, nhưng tôi thấy nước thải chưa qua xử lý vẫn chảy thẳng ra sông, cá dưới sông không thể sống nổi và chết trắng dọc bờ sông”.

Nhiều công trình nhà ở của người dân chỉ cách dự án chừng 50m, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn nghiêm trọng. Ảnh: Duy Phong.
Nhiều công trình nhà ở của người dân chỉ cách dự án chừng 50m, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn nghiêm trọng. Ảnh: Duy Phong.

Chúng tôi nói rất nhiều nhưng chính quyền thị xã Sầm Sơn không giải quyết, không thèm trả lời người dân. Vừa đây tôi nuôi hơn 100 con vịt, giờ còn được có vài chục con, do sử dụng nước ô nhiễm nên chúng cứ lăn quay ra chết. 5 ngày nay, ao cá của gia đình tôi chết khoảng gần 2 tạ và hiện vẫn tiếp tục chết. Mặc dù dự án đã được đầu tư vài chục tỷ nhưng hàng ngày nước thải bốc mùi hôi thối vẫn xả trực tiếp ra sông nên không thể có sinh vật nào sống được. Cả 6 năm nay, nuôi cá cá chết, nuôi vịt vịt chết nhưng không có cơ quan nào hỗ trợ, bồi thường cho gia đình tôi. Người dân chúng tôi đang đơn độc chống chọi với tình trạng ô nhiễm nơi đây”, ông Cao Văn Đại trú tại tổ dân phố Khanh Tiến, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn chia sẻ.

Phân tích về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: “Tôi chưa cần bàn đến hiệu quả của dự án nhưng khi nói về vị trí thực hiện dự án cho thấy có nhiều sai phạm. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam QCVN 07:2010/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05/02/2010 của Bộ Xây dựng quy định về khoảng cách an toàn về môi trường giữa tường rào khu chôn lấp chất thải rắn thông thường đến khu dân cư nêu rõ: Khoảng cách an toàn vệ sinh nhỏ nhất giữa hàng rào bãi chôn lấp chất thải rắn đến chân công trình dân dụng khác lớn hơn 1.000m. Như vậy, vị trí thực hiện dự án “xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo khu xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại thị xã Sầm Sơn” chỉ cách nhà người dân khoảng 50m là không thể chấp nhận được”.

Trước sự việc nghiêm trọng nêu trên, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm và có biện pháp bảo đảm môi trường sống trong sạch cho người dân địa phương.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Duy Phong