Sự bất bình đẳng về thu nhập đe dọa “Giấc mộng Trung Hoa”

22/10/2017 08:11
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Chênh lệch thu nhập trong các tầng lớp dân cư Trung Quốc hiện nay đã đạt ngưỡng báo động đỏ, có thể tạo ra những bất ổn trong xã hội.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đang diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Trong báo cáo chính trị trình bày trước đại hội ngày khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh về một “kỷ nguyên mới” của nền chính trị Trung Quốc và hình dung về một Trung Quốc là “cường quốc hàng đầu thế giới” vào năm 2050.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội 19 (Ảnh: News.cn)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội 19 (Ảnh: News.cn)

Trong chặng đường này, ông Tập đã đề xuất mục tiêu của hai giai đoạn phát triển.

Trong đó xác định Trung Quốc sẽ trở thành nước xã hội chủ nghĩa cơ bản hiện đại vào năm 2035, đó là giai đoạn đầu tiên;

Và có sức mạnh tổng thể lớn nhất thế giới, có sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu vào năm 2050, đây là giai đoạn thứ hai.

Đây cũng chính là mục tiêu và lộ trình của khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa” mà ông Tập đã khởi xướng ngay khi lên nắm quyền từ Đại hội 18.

Để thực hiện được các mục tiêu này đòi hỏi Trung Quốc phải có sự nỗ lực rất lớn.

Bởi với nền tảng xã hội hiện tại, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều vấn đề khó khăn ở cả đối nội và đối ngoại, mà trong chặng đường phát triển đòi hỏi phải đồng thời giải quyết.

Bài viết này chỉ đề cập đến một vấn đề đó là sự bất bình đẳng về thu nhập của người dân Trung Quốc hiện nay.

Vấn đề này có tác động rất lớn đến sự ổn định đất nước - nền tảng đầu tiên để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”.

Sự đối lập cuộc sống giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)
Sự đối lập cuộc sống giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)

Mới đây tờ The Dong-A llbo đã có bài viết phản ánh về mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập thực tế giữa các tầng lớp dân cư của Trung Quốc thông qua hệ số Gini.

Theo đó, hệ số Gini ở vào thời điểm cuối năm 2016 của Trung Quốc đạt mức 0,465, tương đương với tỷ lệ chênh lệch mức thu nhập là 46,5%.

So sánh năm 2011 với hệ số Gini là 0,37 (tương đương 37,0%) thì hệ số Gini năm 2016 đã tăng lên đáng kể, mà hệ số Gini càng cao thì sự bất bình đẳng càng lớn.

Theo đó, hệ số Gini năm 2016 cho thấy mức chênh lệch thu nhập trong các tầng lớp dân cư Trung Quốc là rất lớn, đã đạt ngưỡng báo động đỏ về sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập thực tế. [1]

Sự đối lập cuộc sống giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)
Sự đối lập cuộc sống giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)

Hiện nay trên thế giới, quốc gia có khoảng cách chênh lệch thu nhập thấp nhất là Đan Mạch.

Hệ số Gini của nước này chỉ là 0,247 (tương đương 24,7%), Nhật Bản - nước châu Á có khoảng cách giàu nghèo thấp nhất với hệ số Gini là 0,249 (tương đương 24,9%). [2]

Nếu đem hệ số Gini của các nước này so sánh với hệ số Gini của Trung Quốc sẽ thấy Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất xa để thu hẹp sự bất bình đẳng trong xã hội, nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo “sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người” như đã nêu trong báo cáo chính trị của Đại hội 19.

Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhưng kết quả thực tế còn rất nhiều khiếm khuyết.

Mặc dù trong các báo cáo của Trung Quốc cả trước và trong Đại hội 19 đều đánh giá cao về những nỗ lực xóa đói giảm nghèo, với những con số rất ấn tượng, như:

Thu nhập bình quân đầu người đạt 7,4%, giảm tỷ lệ đói nghèo từ 98,99 triệu người năm 2012 xuống còn 43,35 triệu người vào năm 2016 (tức giảm được 55,64 triệu người nghèo).

Nội thất nhà người giàu ở Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)
Nội thất nhà người giàu ở Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)

Tuy nhiên, thực tế khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, cũng như giữa thành thị và nông thôn hiện nay là rất lớn. [3]

Theo thống kê, thu nhập trung bình hàng năm của cư dân đô thị tại Trung Quốc trong năm 2016 là 33.616 nhân dân tệ, gấp khoảng 2,7 lần so với cư dân nông thôn mới chỉ ở mức 12.363 nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, giá bất động sản ở Trung Quốc cũng đang ở mức rất cao, nhất là ở các thành phố, khiến cho những người có thu nhập ở mức trung bình trở xuống rất khó khăn trong việc sở hữu một ngôi nhà để ở.

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội 19, ông Tập đã cố gắng trấn an nỗi lo về giá nhà tăng cao gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, khi ông nhấn mạnh “nhà để ở, chứ không phải để đầu cơ”.

Thế nhưng, nỗi lo về giá nhà vẫn hiện hữu nơi người dân Trung Quốc, bởi bất động sản ở đất nước này vốn là ngành đầu tư được giới đầu cơ ưa thích nhất và họ đang lũng đoạn thị trường.

Bên trong căn nhà của người nghèo ở Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)
Bên trong căn nhà của người nghèo ở Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)

Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Zhang Lifan đã đưa ra nhận định:

Sự chênh lệch lớn về phân phối thu nhập trong các tầng lớp dân cư ở Trung Quốc đã khiến cho các bất bình đẳng khác trong xã hội gia tăng.

Và đó là nguồn cơn dẫn đến các khiếu nại xã hội đang trở thành vấn đề nhức nhối ở quốc gia này.

“Dường như Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã cảm nhận được rằng, sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội ngày càng tăng đang đe dọa đến sự ổn định của Trung Quốc”, ông Zhang nói.

Ông Zhang cũng nói thêm rằng, mối đe dọa như vậy tồn tại ở khắp mọi nơi của Trung Quốc và chính quyền trung ương cần phải đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội. [1]

“Giấc mộng Trung Hoa” là một khái niệm trừu tượng, nhưng nội hàm trong đó thể hiện tham vọng rất lớn của Trung Quốc muốn vươn lên trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại mang màu sắc Trung Quốc.

Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong báo cáo chính trị tại Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi đề ra mục tiêu đến giữa thế kỷ 21, sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người về cơ bản đã đạt được.

Mọi người được hưởng cuộc sống hạnh phúc, an toàn và khỏe mạnh hơn.

Và khi đó Trung Quốc sẽ trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu về sức mạnh tổng hợp của quốc gia và ảnh hưởng đối với quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, Trung Quốc phải giải quyết rất nhiều vấn đề đang trở thành lực cản trên con đường thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của họ.

Theo đó, trước hết, cần phải khắc phục được tình trạng bất bình đẳng về phân phối thu nhập trong các tầng lớp dân cư.

Bởi đây chính là nguồn gốc dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo và các bất ổn khác trong xã hội, mà sự ổn định trong xã hội luôn là nền tảng cho sự phát triển của đất nước.

Hệ số Gini được phát triển bởi nhà thống kê học người ý Corrado Gini vào năm 1912, nó có giá trị từ 0 đến 1 và được thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm, được tính bằng hệ số Gini nhân với 100.

Hệ số Gini được dùng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.

Số 0 tượng trưng cho sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối (mọi người đều có cùng mức thu nhập), số 1 tượng trưng cho sự bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối (một người có toàn bộ thu nhập, trong khi tất cả mọi người khác không có thu nhập).

Do đó, hệ số Gini càng cao thì sự bất bình đẳng về thu nhập càng lớn.

Tài liệu tham khảo:

[1] The Dong-a llbo/ Income inequality grows in China and threatens Xi’s ‘China Dream’.

[2] https://vi.m.wikipedia.org/ Danh sách quốc gia theo chỉ số bình đẳng thu nhập.

[3] Global times south china sea/ Global Times/ China is economic achievements since 18th CPC national congress.

PHẠM DOÃN TÌNH