Tập Cận Bình duyệt binh quy mô lớn ở Biển Đông để chia lửa với Nga tại Syria?

13/04/2018 07:28
Hồng Thủy
(GDVN) - Mục tiêu "chia lửa" với Nga, nếu có cũng chỉ là phụ. Trung Quốc đang gây sức ép lên Đài Loan và các nước láng giềng ven Biển Đông, đó mới là mục tiêu chính.

CNN ngày 12/4 đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, nước này vừa tổ chức cuộc duyệt binh quy mô lớn cùng ngày trên Biển Đông do ông Tập Cận Bình trực tiếp kiểm soát.

Ít nhất có 10 ngàn quân tham gia tập trận với 48 chiến hạm, 76 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Tàu sân bay Liêu Ninh tham gia trình diễn màn cất hạ cánh của máy bay chiến đấu J-15 dưới sự quan sát của ông Tập Cận Bình.

Động thái này diễn ra giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về thương mại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khoác quân phục dã chiến lên chiến hạm duyệt binh ở Biển Đông, ảnh: SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khoác quân phục dã chiến lên chiến hạm duyệt binh ở Biển Đông, ảnh: SCMP.

Các nhà phân tích mong muốn Tổng thống Donald Trump sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông.

Cụm tàu sân bay tấn công số 9 Hoa Kỳ, USS Theodore Roosevelt đang có mặt tại cảng Manila, Philippines trong thời điểm này. [1]

News.com.au ngày 13/4 đánh giá, hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo ngại, đặc biệt là việc (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông, Hoa Đông và căng thẳng trên eo biển Đài Loan gia tăng. [2]

Trong một động thái bất ngờ có liên quan, South China Morning Post ngày 12/4 đưa tin, Bắc Kinh thông báo sẽ tổ chức tập trận bắn đạn thật trên eo biển Đài Loan từ ngày 18/4 tới.

Thông báo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Tập Cận Bình duyệt binh trên Biển Đông, cuộc duyệt binh hải quân lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Chuyên gia quân sự người Macao, Antony Wong Dong cho biết, cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga ở Syria có thể nổ ra bất cứ lúc nào;

Cuộc tập trận của Trung Quốc trên eo biển Đài Loan tuần tới có ý nghĩa như một sự "chia lửa" với Nga trong cuộc khủng hoảng Syria, sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa một cuộc tấn công vào Syria.

Chiến hạm Trung Quốc tham gia duyệt binh trên Biển Đông ngày 12/4, ảnh: SCMP.
Chiến hạm Trung Quốc tham gia duyệt binh trên Biển Đông ngày 12/4, ảnh: SCMP.

"Rất có thể là đối tác chiến lược của Nga, Trung Quốc đang sử dụng hải quân để thể hiện sự hỗ trợ chính trị cho Moscow trong thời điểm nhạy cảm như vậy", ông Antony Wong Dong nói.

Hải quân Trung Quốc được lệnh cơ động từ Biển Đông lên eo biển Đài Loan để kiểm tra năng lực phản ứng trong chiến tranh.

Đây là cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên của Bắc Kinh trên eo biển Đài Loan kể từ tháng 9/2015 khi diễn ra bầu cử lãnh đạo hòn đảo.

Các chuyên gia phân tích cho biết, cuộc duyệt binh trên Biển Đông đã quy tụ hầu hết các chiến hạm và máy bay tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Nó mang thông điệp đến thế giới bên ngoài rằng, quân đội nước này đang "cảnh báo" về những thách thức gia tăng trên các vùng biển, nơi Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ, hàng hải với một số nước láng giềng.

Ông Tống Trung Bình, một nhà bình luận là cựu quân nhân quân chủng Tên lửa chiến lược Trung Quốc được South China Morning Post dẫn lời, cho biết:

"Việc duyệt binh gần Tam Á trên Biển Đông cũng thể hiện quyết tâm của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền của mình trong khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp và khả năng của hải quân Trung Quốc bảo vệ lợi ích dọc theo Vành đai và Con đường." [3]

Tờ Apple Daily News, Đài Loan ngày 11/4 đưa tin, biết trước Tập Cận Bình sẽ duyệt binh quy mô lớn ở Biển Đông, nhà lãnh đạo Đài Loan cũng sẽ lên chiến hạm duyệt đội ngũ hải quân Đài Loan vào ngày hôm nay 13/4.

Trương Cạnh, một nhà nghiên cứu Đài Loan nói với Apple Daily News, lần duyệt binh trên biển này của Tiến sĩ Thái Anh Văn không chỉ bất ngờ, mà còn không nằm trong kế hoạch các hoạt động thao diễn lớn của quân đội Đài Loan năm nay.

Điều đó có nghĩa, mục đích thuần túy của cuộc duyệt binh trên biển ngày hôm nay 13/4 mà bà Thái Anh Văn tiến hành, là để phản ứng lại những thách thức, đe dọa từ ông Tập Cận Bình. [4]

Nhà lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn cũng sẽ lên chiến hạm duyệt binh hải quân ngày hôm nay, ảnh minh họa, nguồn: http://db.52hrtt.com.
Nhà lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn cũng sẽ lên chiến hạm duyệt binh hải quân ngày hôm nay, ảnh minh họa, nguồn: http://db.52hrtt.com.

Theo tờ Minh Báo, Hồng Kông ngày 13/4, đây là lần đầu tiên Tiến sĩ Thái Anh Văn duyệt binh trên biển kể từ khi lên nhậm chức. Các quan chức Đài Loan phủ nhận cuộc duyệt binh hôm nay là để "ăn miếng trả miếng" với ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên tham mưu trưởng Không quân Đài Loan Lưu Nhậm Viễn cam kết trước Viện Lập pháp, sẽ không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào. Một khi chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh, là quân đội Đài Loan sẽ lập tức giám sát. [5]

Cá nhân người viết cho rằng, bình luận của học giả Macao, Antony Wong Dong rất có thể xuất phát từ tuyên bố của tân Bộ trưởng Quốc phong Trung Quốc tại Moscow tuần trước, rằng ông đến thăm Nga để cho Mỹ thấy Trung Quốc ủng hộ Moscow như thế nào.

Cuộc khủng hoảng Syria đang "căng như dây đàn" trên truyền thông với các tuyên bố hùng hồn từ Nhà Trắng và Điện Kremlin;

Tuy nhiên, tháng Tư năm ngoái Mỹ đã báo trước cho Nga vụ tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự Syria và Nga không bắn hạ tên lửa Mỹ;

Cuộc khủng hoảng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ Ankara bắn hạ Su-24M của Nga đồn trú tại Syria năm 2015 và Moscow quyết định không trả đũa cho thấy, thực tế lãnh đạo các siêu cường ngày nay không dễ dẫn quốc gia mình vào một cuộc chiến hủy diệt.

Tập Cận Bình duyệt binh quy mô lớn ở Biển Đông để chia lửa với Nga tại Syria? ảnh 4

Khủng hoảng Syria: chiến hạm, máy bay và tên lửa Mỹ sẵn sàng chờ lệnh

Do đó mục đích "chia lửa với Nga", nếu có đi nữa thì cũng chỉ là phụ và mang ý nghĩa chính trị, tuyên truyền nhiều hơn thực tế, trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga đang ngày càng gay gắt.

Mục tiêu thực sự của ông Tập Cận Bình trong các hoạt động quân sự quy mô lớn trên Biển Đông vừa qua và eo biển Đài Loan tuần tới thực sự nhắm vào bộ máy nắm quyền tại hòn đảo này trước các chính sách hậu thuẫn từ Mỹ.

Vừa qua Tổng thống Donald Trump đã ký đạo luật Du lịch Đài Loan, cho phép quan chức Mỹ và Đài Loan qua lại thăm viếng nhau "ở mọi cấp độ".

Mỹ cũng đã quyết định giúp Đài Loan phát triển lực lượng tàu ngầm và đang cân nhắc bán máy bay chiến đấu hiện đại cho Đài Loan.

Ngoài ra, cũng không thể loại trừ khả năng một thông điệp khác được gửi đến các nước láng giềng của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm gây sức ép họ phải chấp nhận cái gọi là "gác tranh chấp, cùng khai thác" trong đường lưỡi bò bất hợp pháp.

Philippines, quốc gia khởi kiện và thắng kiện Trung Quốc trong vụ kiện trọng tài ứng dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 trên Biển Đông đang thúc đẩy "gác tranh chấp, cùng khai thác" với Trung Quốc trên chính vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của mình.

Do đó, các cuộc tập trận quy mô lớn của hải quân Trung Quốc suốt từ tháng 3/2018 đến nay, cùng với cuộc duyệt binh này có thể mang thông điệp đe dọa với các nước còn lại trên Biển Đông, cũng như phản ứng với sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực.

Có điều Trung Quốc cứ việc diễu võ giương oai, cuộc duyệt binh trên biển lần đầu tiên của Tiến sĩ Thái Anh Văn hôm nay, cùng sự "hội quân" của Mỹ - Nhật - Úc trên Biển Đông những ngày này cho thấy, sự đe dọa của Trung Quốc là phản tác dụng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://edition.cnn.com/2018/04/12/asia/xi-jinping-south-china-sea-intl/index.html

[2]http://www.news.com.au/world/breaking-news/xi-presides-over-huge-chinese-naval-review/news-story/28d2fa309238a4ba7787c662cbc52729

[3]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2141505/surprise-move-china-mount-live-fire-navy-drills-taiwan

[4]https://tw.news.appledaily.com/politics/realtime/20180411/1332804

[5]http://news.dwnews.com/taiwan/news/2018-04-12/60051540.html

Hồng Thủy