Tập huấn chương trình mới chung chung, không có minh họa, nghe mà chả hiểu gì

18/11/2019 06:08
Thảo Ly
(GDVN) - Bộ truyền đạt 10, cốt cán lĩnh hội được 5, truyền đạt lại cho giáo viên còn 3, thầy cô lĩnh hội chỉ còn 2 khi lên lớp truyền đạt cho học sinh sẽ thế nào?

Tới thời điểm này, chương trình tập huấn giai đoạn 1 Chương trình giáo dục phổ thông mới ở nhiều tỉnh thành đã hoàn thành.

Tập huấn chương trình 2018 cho giảng viên các trường sư phạm (Báo Tiền Phong)
Tập huấn chương trình 2018 cho giảng viên các trường sư phạm (Báo Tiền Phong)

Một số giáo viên cốt cán tham gia lớp tập huấn về cho biết: “Tập huấn mà chỉ nghe các nội dung chung chung, chẳng thấy có chút cụ thể minh họa gì. Thế nên người nghe cứ lơ mơ chẳng hiểu gì cả”.

Giáo viên cốt cán được nghe trực tiếp các chuyên viên, chuyên gia đầu ngành truyền đạt mà nghe lơ mơ không hiểu gì thì về cơ sở liệu họ sẽ truyền đạt cho giáo viên cái gì đây?

Tuyệt đối không nên tập huấn theo lối mòn trước đây

Gần 30 năm đứng lớp ít nhất đã trải qua 2 lần thay sách lớn. Thế nên chúng tôi đã tham gia hàng tháng những buổi tập huấn chương trình thay sách giáo khoa.

Những buổi tập huấn được tổ chức một cách quen thuộc là nghe báo cáo viên có thể là Ban giám hiệu, là giáo viên cốt cán cùng một chuyên viên cấp sở hoặc phòng hướng dẫn lý thuyết (cụ thể nhất là quy trình lên lớp) một tiết dạy.

Tập huấn chương trình mới chung chung, không có minh họa, nghe mà chả hiểu gì ảnh 2
Sau đợt tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán có dạy được minh họa 1 tiết không?

Sau khi nắm lý thuyết, giáo viên sẽ bốc thăm bài dạy minh họa.

Thế nhưng bài dạy đó không được dạy trên lớp học cố định nơi có học sinh là chủ thể mà học sinh lúc này lại chính là các thầy cô giáo vào vai.

Sau tiết dạy cũng nhận xét mặt ưu, mặt tồn tại nhưng là nhận xét cho có chứ thầy cô là học sinh sao có thể kết luận tiết học có thành công?

Sao có thể thấy được tiết dạy hiệu quả thế nào? Kiến thức truyền đạt có phù hợp với đối tượng học sinh hay không?

Sao có thể tìm ra được những khúc mắc? Những điều chưa hợp lý?

Sau thời gian tập huấn, một số trường sẽ liên kết với nhau thành một cụm trường để thao giảng dự giờ tiếp tục đánh giá chương trình.

Thế rối lịch dạy, bài dạy của từng trường đã được lên lịch từ vài tháng trước đó. Những tiết dạy này gọi là tiết dạy mẫu.

Để không “mất mặt” với trường bạn, để không bị chê về chuyên môn, nhà trường đương nhiên chọn lớp, chọn giáo viên để trình diễn tiết thao giảng dự giờ.

Thế là, cô trò lớp dự giờ sẽ lao vào tập dợt hàng tháng trời mong sao cho tiết dạy hoàn hảo nhất.

Được chuẩn bị kỹ từ “chân đến răng” như thế, bảo sao tiết dạy không toàn ưu điểm vượt trội? Có điều cũng bài dạy ấy, cũng giáo viên ấy vào một lớp bất kỳ để dạy chắc chắn sẽ có nhiều điều để góp ý.

Mong muốn được dự những tiết dạy thật ở buổi tập huấn

Tập huấn chương trình mới chung chung, không có minh họa, nghe mà chả hiểu gì ảnh 3
Sau khi tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào?

Nhiều giáo viên mong mỏi đợt tập huấn này sẽ được đổi mới để không đi lại vết mòn của những lần thay sách khác.

Cụ thể, nhiều thầy cô yêu cầu hãy lập riêng một kênh riêng cho giáo dục.

Mời chính Giáo sư, Tiến sĩ, các giảng viên viết sách dạy mẫu mỗi môn vài tiết cho giáo viên tham khảo và học tập.

Nên quay video bài giảng của các chuyên gia để làm tư liệu cho tất cả các giáo viên trong cả nước đều được xem, được nghiên cứu thì hay và hiệu quả hơn rất nhiều phải nghe tập huấn lại kiểu “tam sao thất bản” như hiện nay.

Sau khi tập huấn đại trà như thế, về từng địa phương, giáo viên cốt cán, Ban giám hiệu cũng nên chủ động dạy mẫu các tiết (đương nhiên cũng sẽ dạy trên lớp có sinh học) cho giáo viên trường ấy dự.

Từ thực tế như vậy, thầy cô sẽ học tập được nhiều hơn. Còn kiểu tập huấn như hiện nay, Bộ truyền đạt 10, cốt cán lĩnh hội được 5 nhiều hơn thì 6,7 nhưng về truyền đạt lại cho giáo viên đôi khi còn 3, may mắn ra được 4 hoặc 5.

Thầy cô lĩnh hội chỉ còn 2,3 thì khi lên lớp truyền đạt cho học sinh chỉ còn 1, lúc đó hiệu quả sẽ tồi tệ đến nhường nào?

Thảo Ly