“Thánh cô” và bài thuốc kỳ dị

01/03/2012 07:28
Thời gian gần đây, tại thôn Đồng Đa, xã Thành Công (Thạch Thành - Thanh Hóa) rộ lên tin đồn “thánh cô” có khả năng chữa bệnh về xương.

Thời gian gần đây, tại thôn Đồng Đa, xã Thành Công (Thạch Thành - Thanh Hóa) rộ lên tin đồn “thánh cô” có khả năng chữa bệnh về xương. Lạ lùng hơn, thuốc của “thánh cô” gồm một bọc nhỏ hình chiếc bánh chưng nhỏ. Loại “thuốc” này không cần uống, cũng chẳng cần xoa bóp mà chỉ treo lên đầu giường vài hôm là hiệu quả.

“Thánh cô” và bài thuốc kỳ dị ảnh 1
Điện thờ nhà “thánh cô”

Lai lịch “thánh cô”

Con đường dẫn vào xã Thành Công chạy dọc cánh đồng mía đang kỳ thu hoạch. Nơi đây, phần lớn địa bàn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường.  
Ở vùng sơn cước yên lành ấy, gần đây xuất hiện một “thánh cô” có khả năng chữa được các bệnh liên quan đến xương cốt. Điều đáng nói là cách chữa bệnh ấy chẳng giống ai. 
Không chỉ chữa bệnh cho người mà “thánh cô” còn chữa cho cả động vật. Có người đồn, bệnh nhân hoặc vật nuôi bị gãy xương sau khi có thuốc của “thánh cô” thì lập tức chạy tung tăng như ngựa. Thuốc của “thánh cô” rất đơn giản, không cần uống, chỉ việc treo lên đình màn là khỏi - một người địa phương cho biết.
Không rầm rộ, không biển hiệu hay quảng cáo gì, chỉ biết rằng tại thôn “thánh cô” ở xuất hiện khá nhiều người tới chữa bệnh. “Thánh cô” tiếp bệnh nhân trong trang phục áo khoác nâu, đầu đội mũ len, giọng nói chậm rãi. Nhìn bề ngoài “thánh cô” không có gì đặc biệt ngoài tiếng cười đầy ẩn ý và những cử chỉ khó hiểu.
Biết tôi đi lấy thuốc cho bà nội bị gẫy xương, nghe xong “thánh cô” phán: “Cứ yên tâm, cách đây 20 cây số, có cụ 107 tuổi bị gãy xương, sau khi dùng thuốc của tôi đã đi lại bình thường. Ở đây những trường hợp đánh nhau, chém nhau bị thương đều dùng thuốc này cả”. 
Sau đó, “thánh cô” đưa ra một quyển sổ khoe sáng nay có 4, 5 đoàn từ Hà Nội mới lên. “Thánh cô” khẳng định, những người dùng thuốc đều khỏi .
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “thánh cô” tên thật là Hà Thị Đồng, 57 tuổi, tên thường gọi là Nhung, đã hành nghề không giấy phép được 15 năm. Nói về bài thuốc của mình, “thánh cô” cho biết, trước khi truyền nghề cho mình, các cụ có dặn không được tiết lộ cho bất cứ ai.
Thuốc của “thánh cô” rất đặc biệt, chỉ là một đùm lá chuối dùng để gói ghém bên ngoài, bên trong là một vài lá cúc tần và ngải cứu theo “thánh cô” là lá dân dã đã được phơi khô. Sau đó người bệnh chỉ cần: “Lấy về treo lên đỉnh màn, không phải uống, không phải đắp xoa, không rắc rối gì cả chỉ treo lên vài ngày là hiệu quả”.
“Thánh cô” và bài thuốc kỳ dị ảnh 2
Thuốc dùng để treo

Hoang đường thuốc… treo

Theo “thánh cô”, những người đến xin thuốc đều phải trải qua khâu làm lễ. Sau khi làm lễ xong, người bệnh xuống nhà đợi, “thánh cô” khấn xong sẽ mang xuống một gói thuốc hình chiếc bánh chưng nhỏ. 
“Thánh cô” quảng cáo, những bệnh nhân sau khi dùng thuốc đều trầm trồ thán phục bởi chỉ sau vài giờ đồng hồ treo gói thuốc lơ lửng trên giường, các vết thương đều dần lành lại, mọi cơn đau tan biến và có thể hoạt động bình thường.
Khả năng chữa bệnh theo kiểu “treo” thuốc lên đình màn rõ ràng phản khoa học và lợi dụng tính chất tâm linh để thực hiện mê tín dị đoan để chữa bệnh. Chính những “chim mồi” sẽ là những “nhà quảng cáo” kéo khách đến với “thánh cô”.
Để nắm rõ hơn về khả năng chữa bệnh của “thánh cô”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chính quyền địa phương. Ông Quách Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết: “Trường hợp bà Nhung chữa bệnh gãy xương đúng là rất ly kỳ và hoang đường. Tuy nhiên, không biết cách quảng cáo của bà ấy như thế nào mà rất nhiều người kéo đến. Bệnh nhân có khỏi hay không thì rất khó xác định”.
Đến đây, chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao cách chữa bệnh kiểu “lang vườn” như “thánh cô”, thậm chí còn mê tín dị đoan như vậy lại có thể tồn tại 15 năm nay tại xã Thành Công. Trách nhiệm thuộc về chính quyền sở tại. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề khi chính quyền tỉnh Thanh Hóa có động thái kiểm tra, xử lý.

Trần Hòa - Đỗ Đỗ/ANTĐ