Tiềm lực, sức mạnh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ

20/11/2012 11:53
Theo QĐND
Trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự của các cường quốc trên thế giới do trang web Global Fire Power công bố vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đứng ở vị trí thứ 6.
Thổ Nhĩ Kỳ còn được biết đến là quốc gia sở hữu kho vũ khí lớn. Trong bối cảnh tình hình khu vực ẩn chứa nhiều biến động khó lường, những vấn đề liên quan đến tiềm lực quân sự của quốc gia này lại càng được dư luận quan tâm hơn bao giờ hết.

Lực lượng hùng hậu

Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ hiện được đánh giá là một trong số các quốc gia có lực lượng quân đội hùng hậu, được tổ chức tốt nhất khu vực với những loại vũ khí tối tân.

Theo tờ Pravda của Nga, xét về mặt lực lượng trong khối NATO, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đứng sau Mỹ. Cứ nhìn vào sự hiện diện của số lượng tàu ngầm và tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen sẽ thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chẳng thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS có trụ sở tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) cũng đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm lực mạnh về cả lục quân, không quân và hải quân với ngân sách quân sự hằng năm vào khoảng 25 tỷ USD.

Trang web www.turkeydefence.com của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho hay, chỉ riêng lục quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã có khoảng 402.000 binh sĩ và quân đội nước này có thể điều khoảng 50.000 người cho một chiến dịch chỉ trong chớp mắt.

Lực lượng tăng-thiết giáp của Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng gần 4000 chiếc xe tăng chủ lực, trong đó loại hiện đại nhất hiện nay là Leopard-2A4, cùng một số lượng lớn xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép các loại.

Dàn xe tăng Leopard-2A4 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: defencetalk.com
Dàn xe tăng Leopard-2A4 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: defencetalk.com

Xét về tiềm lực không quân, Thổ Nhĩ Kỳ có tới gần 2000 máy bay đang có trong biên chế. Loại tiêm kích hiện đại nhất không quân nước này là F-16 với khoảng 240 chiếc.

Quan trọng hơn là không quân Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức một cách rất quy mô, bài bản và đặc biệt là có khá nhiều kinh nghiệm tác chiến nhờ tham gia vào các chiến dịch quân sự cùng với NATO.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nắm trong tay một số lượng lớn tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm, tàu tuần tra…

Thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục chi rất mạnh tay cho kho vũ khí quân sự của mình. Tháng 4-2011, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua hợp đồng mua 109 máy bay trực thăng T-70 Blackhawk của Mỹ với tổng trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Đó là chưa kể kế hoạch mua 600 máy bay trực thăng hiện đại trong những năm tới. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang mở thầu tìm mua tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung mới trị giá ước tính khoảng 4 tỷ USD.

Ưu tiên phát triển công nghệ quân sự

Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ có được kho vũ khí hiện đại như vậy một phần là nhờ vào ngành công nghiệp quốc phòng phát triển, vốn được coi là thế mạnh của quốc gia này trong những năm gần đây.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã đề ra khoảng 280 dự án với tổng chi phí lên tới 27 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.

Con số đó cho thấy, An-ca-ra đang có những tính toán dài hơi với mục tiêu trở thành một “đại gia” về công nghiệp quân sự trong tương lai.

Dự kiến vào năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn thành dự án máy bay trực thăng tấn công Atak và năm 2014 là máy bay không người lái ANKA. Nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sản xuất hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực Altay do nước này tự phát triển.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay được phát triển dựa trên cơ sở xe tăng K-2 Black Panther dự kiến sẽ thay thế hoàn toàn cho các đơn vị xe tăng chiến đấu như Leopard-1, Leopard-2A4, M48 và M60 đang phục vụ trong quân đội nước này.

Cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu tự sản xuất súng trường cho các lực lượng mặt đất. Loại súng trường mới này sẽ hội tụ tất cả những tính năng ưu việt của những loại súng hiện đại bậc nhất thế giới và đang được quảng bá rộng rãi tại các nước A-rập.

Trong tương lai không xa, súng trường mang thương hiệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xuất hiện nhiều hơn trên thị trường vũ khí quân sự thế giới.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặt trọng tâm vào việc xây dựng các trung tâm thử nghiệm hệ thống tên lửa, các trung tâm tích hợp và lắp ráp vệ tinh.

Rõ ràng, song song với xu thế hiện đại hóa quân đội của các nước trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang đặt mục tiêu trở thành một nước có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh vào loại hàng đầu và coi đó là chiến lược để khẳng định vị thế của mình.

Sẵn sàng cho một cuộc chiến

Việc Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng cường tiềm lực quân sự, làm giàu kho vũ khí phần nào bắt nguồn từ thực tế bất ổn trong khu vực và mối quan hệ ngày càng xuống dốc với nước láng giềng Xy-ri.

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Xy-ri đang lên đến đỉnh điểm sau vụ Đa-mát bắn hạ một chiếc máy bay trinh sát của Thổ Nhĩ Kỳ, mở đầu cho những vụ nã pháo qua lại ở khu vực biên giới giữa hai nước.

Gần đây, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang đồn trú tại khu vực giáp với biên giới Xy-ri đã được tăng cường thêm xe tăng, pháo binh, máy bay chiến đấu…

Những động thái đó khiến người ta mường tượng ra cảnh hai người hàng xóm này đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh.

Hơn thế nữa, giữa lúc bất ổn tiếp tục leo thang tại Xy-ri, các quốc gia thành viên NATO dường như đang nhăm nhe kế hoạch can thiệp quân sự vào Đa-mát. Nếu điều này xảy ra, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ bị cuốn vào một cuộc xung đột mới là “rõ như ban ngày”.

Chính vì vậy, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, tăng cường mua sắm vũ khí quân sự là nước đi cần thiết đối với An-ca-ra trong thời điểm hiện tại, trước là để “dằn mặt” các đối thủ, sau là để chuẩn bị sẵn sàng cả tâm thế và lực lượng cho những diễn biến xấu nhất có thể xảy ra.
Theo QĐND