Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Tín nhiệm thấp có thể xin từ chức ngay

01/10/2012 07:16
Chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên.
Đó là những nội dung đáng chú ý được nêu ra tại ngày làm việc cuối cùng (29-9) phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) tại TP.HCM. Góp ý dự thảo nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, các đại biểu đều cho rằng đây là vấn đề đã được quy định từ lâu trong Hiến pháp và luật, người dân cũng rất quan tâm nhưng lâu nay vẫn chưa thực hiện được.

Loại ngay nếu tín nhiệm quá thấp

Theo tinh thần của dự thảo đề án, lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ, được tiến hành hằng năm. Bỏ phiếu tín nhiệm là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp hay không, áp dụng đối với người không đủ mức tín nhiệm qua hai lần lấy phiếu (trong trường hợp thông thường).

Cụ thể, QH lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên (gồm 49 người); Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ tịch, phó chủ nhiệm và các ủy viên của hội đồng, ủy ban của QH (tổng số là 380 người, trong đó mỗi ủy ban có từ 30 đến 50 thành viên).

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH, người có tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp có thể xin từ chức ngay nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không có khả năng đảm nhiệm chức vụ đó. Người có trên 70% tổng số người được tham gia lấy phiếu tín nhiệm đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm ngay mà không cần chờ lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Tín nhiệm thấp có thể xin từ chức ngay ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tờ trình đề án việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ QH ngày 14-9. Ảnh: TTXVN

“Cả QH đi làm nhân sự thì gay quá!”

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó Trưởng đoàn Đại biểu (ĐB) QH tỉnh Lâm Đồng, cho rằng nếu hợp lòng dân thì chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm thôi (tức bỏ phiếu tín nhiệm ngay mà không cần qua bước lấy phiếu tín nhiệm hai lần như dự thảo). “Người nào trong Chính phủ, QH có vấn đề thì chúng ta bỏ phiếu cho có hiệu quả chứ còn làm tràn lan, cả QH đi làm nhân sự thế này thì gay! QH còn nhiều việc quan trọng khác phải làm chứ không chỉ có việc này” - ông Thuyền nói.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, bày tỏ: “Nếu được thì ở QH chúng ta bỏ phiếu bất tín nhiệm luôn chứ còn lấy phiếu tín nhiệm thì hằng năm tất cả cán bộ, công chức đều phải kiểm điểm, đánh giá cán bộ rồi”.

Trước hai ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định rằng cần thiết phải có quy trình lấy phiếu tín nhiệm vì đó là cơ sở để bỏ phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu từ cấp bộ trưởng

Thảo luận về phạm vi các đối tượng phải lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng quy định như trong dự thảo (lên tới hơn 400 người) là quá rộng, nếu không khéo lại mang tính hình thức. Quan điểm của ông Thuyền là chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên (49 người). Đây cũng là phương án được hầu hết các ĐB biểu quyết nhất trí.

Trong khi đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm lại có hai luồng ý kiến, một loại cho rằng nên tổ chức hai lần trong một nhiệm kỳ thôi, một loại đồng ý với dự thảo là nên tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm tiếp sau năm bắt đầu nhiệm kỳ mới.

Theo ông Thuyền, nếu bắt đầu lấy phiếu từ năm tiếp sau năm bắt đầu nhiệm kỳ mới thì thời gian quá ngắn. Ví dụ như một người vừa lên làm bộ trưởng thì phải mất một năm mới rành việc, còn mới có mấy tháng thì chưa có gì để đánh giá năng lực của người đó. Do vậy nên để giữa nhiệm kỳ mới lấy phiếu tín nhiệm.

Đồng quan điểm này, ông Chu Sơn Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, cho rằng nên bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm từ kỳ họp thứ 4 trở đi, chứ lấy từ kỳ họp thứ 2 thì những người được lấy phiếu tín nhiệm mới giữ chức vụ được năm tháng, chưa biết công việc thế nào mà lấy phiếu là bất hợp lý.

Lấy phiếu cả Chủ tịch nước và Thủ tướng

Theo tờ trình của Chính phủ, phạm vi QH lấy phiếu tín nhiệm từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên gồm: chủ tịch, phó chủ tịch QH, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước. Tổng số là 49 người.

Tránh dĩ hòa vi quý

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH có hai cấp độ “cao” và “thấp” về mức độ tín nhiệm. Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền đặt câu hỏi: Thế nào là tín nhiệm cao, thấp? Phải có tiêu chí cụ thể chứ không thì khó mà đánh giá được.

ĐBQH Trần Thanh Hải (TP.HCM) cũng góp ý: Nên nghiên cứu thêm khi bổ nhiệm thì quy định trong năm năm người giữ chức vụ đó phải làm những gì để làm tiêu chí. Khi đó sẽ căn cứ vào việc người đó có hoàn thành nhiệm vụ hay không để bỏ phiếu.

Cũng có ý kiến cho rằng cách lấy phiếu tín nhiệm lâu nay dễ rơi vào dĩ hòa vi quý. Vì vậy cần có cách làm sao cho khắc phục được nhược điểm này. Cạnh đó phải xử lý mối quan hệ giữa lấy và bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp khi lấy phiếu tín nhiệm thì rất thấp nhưng đến khi ra bỏ phiếu tín nhiệm vẫn được tín nhiệm thì sẽ ra sao? Có ý kiến cho rằng dự thảo nghị quyết cần có quy định về từ chức. Vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết sẽ xem xét thêm trước khi trình dự thảo ra QH vào kỳ họp sắp tới…

NHẪN NAM/Pháp luật TPHCM