Tình báo Hàn, Mỹ và Nhật săn lùng mẫu đất từ Triều Tiên

25/02/2013 14:49
Nguyễn Hường (nguồn Chosun)
(GDVN) - Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực một cách tuyệt vọng để cố gắng có được mẫu đất từ nơi tiến hành nổ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên hay những bằng chứng khác để đánh giá bản chất vụ nổ này.
Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, điệp viên của 3 quốc gia trên dường như đang hối hả tiến tới khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc để có được dù chỉ là một mẩu đất từ bãi thử nghiệm Punggye-ri, tỉnh Bắc Hamgyong, nơi Triều Tiên tiến hành vụ nổ thử nghiệm 2 tuần trước. 

Bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.
Bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Tuy nhiên, cho đến ngày 22/2, lực lượng an ninh biên giới Trung Quốc vẫn kiên quyết duy trì sự kiểm soát chặt chẽ tại các thành phố biên giới giáp Triều Tiên của nước này là Diên Biên và Đồ Môn.
"Tin đồn đang lan rộng rằng tình báo Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tuyển dụng những người Triều Tiên đào thoát hoặc người dân tộc thiểu số Triều Tiên ở Trung Quốc để có được mẫu đất từ Punggye-ri" - một nguồn tin người Triều Tiên ở Diên Biên nói với Chosun.
Theo nguồn tin trên, an ninh tại khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên đã được tăng cường gấp đôi kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hôm 12/2. Nhiều cảnh sát đã được triển khai tại các bến xe buýt.
Sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 2 năm 2009 đã dấy lên tin đồn cho rằng một kẻ đào thoát đã mang mẫu đất ở Punggye-ri trao cho tình báo Hàn Quốc, Mỹ.

Điệp viên Mỹ, Nhật, Hàn đang hối hả tiến tới khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc để có được dù chỉ là một mẩu đất từ khu thử nghiệm Punggye-ri,
Điệp viên Mỹ, Nhật, Hàn đang hối hả tiến tới khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc để có được dù chỉ là một mẩu đất từ khu thử nghiệm Punggye-ri,

Các tin đồn tương tự một lần nữa lại dấy lên sau khi các nỗ lực thu thập bằng chứng trong không khí nhằm xác định thành phần thiết bị hạt nhân, sức mạnh của vụ nổ của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều không đạt được kết quả như mong đợi.
Một nguồn tin tình báo nói với tờ Chosun rằng, mẫu đất từ khu vực tiến hành thử nghiệm sẽ cung cấp cho họ các đầu mối quan trọng về bản chất vụ nổ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên. 
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải nhiều trở ngại không chỉ từ phía Trung Quốc. Những người đào thoát từ Triều Tiên trong tháng 1/2013 nói rằng khu Punggye-ri đã được bao quanh bởi hàng rào điện và một con hào rộng 3m, sâu 2m để ngăn cản những nỗ lực tiếp cận nó.
Trong khi đó, những người Trung Quốc sống tại biên giới Triều Tiên kể rằng họ đã cảm nhận thấy rung chấn được tạo ra bởi sức mạnh của vụ nổ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng 2.2013 ở Triều Tiên, trong khi không hề cảm thấy gì từ 2 vụ thử nghiệm năm 2006 và 2009.  Họ cho rằng chính sức mạnh của vụ nổ cộng với lo ngại nó có thể làm ngọn núi lửa Baekdu nằm cách Punggye-ri khoảng 240km đang ngủ say sẽ thức tỉnh đã khiến người dân Trung Quốc "tức giận" với Triều Tiên.
Nguyễn Hường (nguồn Chosun)