"Tôi nghe tiêu cực Hải quan lâu rồi, vấn đề là ở lãnh đạo, không phải ở cán bộ"

11/04/2018 09:40
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo đánh giá của phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương, tiêu cực trong ngành Hải Quan tồn tại nhiều năm nay và đã đến lúc cần cuộc đại phẫu cắt bỏ “ung nhọt” này

Theo thông tin mới nhất liên quan vụ dấu hiệu tiêu cực xảy ra tại Chi cục Hải Quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ, Cục trưởng cục Hải Quan Hải Phòng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ có liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương, Chủ nhiệm bộ môn văn hóa doanh nghiệp và lãnh đạo, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chuyện hải quan nhũng nhiễu, vòi tiền doanh nghiệp, ông đã được nghe phản ánh nhiều.

Ngoài vụ việc tại Hải Quan Hải Phòng, phiên toàn đang xét xử nguyên cán bộ hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, qua các lời khai lộ ra phần nào mảng tối trong việc buộc “chung chi” khi làm thủ tục hải quan.

“Đó là phổ biến chứ không phải “con sâu làm rầu nồi canh” như lãnh đạo ngành Hải quan từng nói. Nó cùng tồi tại nhiều năm nay rồi.

Nhưng có điều, chưa bao giờ chúng ta nhìn thẳng vào sự thật và có một cuộc đại phẫu cắt bỏ ung nhọt này đi”, phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo ông, vụ tiêu cực tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Nhiều doanh nghiệp, người dân có làm thủ tục hải quan đã “than” là việc này diễn ra phổ biến, quy mô.

Đáng tiếc là chúng ta mới phát hiện được lẻ tẻ và cách xử lý của ngành Hải quan với quan niệm đó là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, chỉ xử lý một vài trường hợp.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương phân tích, chính quan niệm như vậy là bao che, là đóng của bảo nhau, biến chuyện to thành chuyện nhỏ.

Việc xử lý không mang lại hiệu quả trong toàn hệ thống hải quan.

“Theo quan điểm của tôi, vụ việc tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ không phải vụ việc mang tính cục bộ, “tham nhũng vặt”.

Đây là tham nhũng có hệ thống, lâu dài. Nó là căn bệnh nặng nhưng chúng ta để tồn tại quá lâu. Nguy cơ biến thành ung thư rất lớn.

"Tôi nghe tiêu cực Hải quan lâu rồi, vấn đề là ở lãnh đạo, không phải ở cán bộ" ảnh 2"Dư luận tiêu cực ở Hải Quan có từ lâu, lãnh đạo ngành không thể vô can"

Các vụ việc được phát hiện đều nhờ báo chí và dư luận. Đó là sự giám sát bên ngoài.

"Mọi người không thể tin vào hệ thống tự kiểm tra đánh giá của nội bộ ngành Hải quan”, phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương nêu rõ.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Cương, vụ tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng có hai câu hỏi đặt ra.

Thứ nhất là tiền tiêu cực, thực chất là tham nhũng từ trước đến nay được phân phát như thế nào? Đề nghị, cơ quan chức năng làm rõ.

Thứ hai là họ có phải nộp lên trên không? Tiền chạy đến cấp nào? Có chạy đến cấp cao nhất không?

Ông nêu quan điểm, chủ trương của Chính phủ là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để sảy ra tham nhũng.

Trong trường hợp này, tiêu cực trầm trọng như vậy thì người đứng đầu chịu trách nhiệm phải là Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng.

“Nếu nhiều nơi phát hiện vi phạm, trách nhiệm phải là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Không thể chỉ xử lý một vài cán bộ ở cấp cửa thông thông quan”, phó giáo sư Cương nói.

Thực tế, nhiều vụ việc tiêu cực trước đây trong ngành Hải quan hay xử lý theo kiểu cho thôi việc một vài nhân viên, xóa dấu vết là xong. Sau đó, mọi việc lại đâu vài đấy.

Lần này, dư luận trông đợi việc xử lý phải thấy được trách nhiệm của người đứng đầu khi để sảy ra các tiêu cực như vậy.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương, các con số thống kê về chi phí logistics, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cho thấy, ngành Hải quan cũng không thể không có trách nhiệm.

Thống kê chi phí logistics của Việt Nam thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Trong đó có chi phí chính thức và không chính thức.

Chi phí không chính thức chính là tiền hối lộ, nhũng nhiễu doanh nghiệp buộc phải làm khi vận chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp đều biết.

Các thủ tục hành chính của ta bị kéo dài làm mất năng lực cạnh tranh so với các nước cũng phần nào thấy được lực cản chính là sự nhũng nhiễu của hải quan.

Chính những điều này dẫn đến môi trường cạnh tranh của Việt Nam thấp hơn, chi phí logictic thuộc loại cao nhất khu vực.

Mổ xẻ các vấn đề trên, rõ ràng lãnh đạo ngành Hải quan phải chịu trách phần nào trách nhiệm về sự phát triển kinh tế hiện nay.

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo làm rõ tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng

Chủ trương của Chính phủ là cắt giảm chi phí, thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp. Vì thế, phải làm trong sạch từ chính ngành Hải quan

Theo ông, trong thời điểm này, chúng ta có rất nhiều thuận lợi để giải quyết vấn đề này một cách triệt để có hệ thống, toàn diện hơn.

Đặc biệt, chủ trương của Chính phủ là Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động vì người dân và doanh nghiệp. Chủ trương này thống nhất từ trên xuống dưới.

Thứ hai là các vụ lớn phát hiện thời gian gần đây ở cả cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan nắm quyền lực công lớn.

Về giải pháp lâu dài để ngăn chặn tiêu cực trong ngành hải quan, theo phó giáo sư, rõ ràng cần có biện pháp giám sát hiệu quả hơn nữa ngành hải quan vì họ có lợi thế, có cơ hội, quyền lực để tham nhũng.

Ngoài ra, còn cần cả biện pháp kỹ thuật như đặt các camera giám sát chắc chắn sẽ giảm bớt phần nào chứ không thể công khai nhận tiền tất cả mọi người đều biết như vậy.

Chúng ta cũng cần tổ chức lại ngành hải quan để làm sao nó không tập trung quá nhiều quyền lực như vậy.

Đỗ Thơm