TQ “mập mờ” về tàu sân bay, TNS Mỹ xúc tiến thảo luận về biển Đông

11/08/2011 08:03
(GDVN) - Sức hút tàu sân bay Trung Quốc, động thái của Mỹ trước việc Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay, bằng chứng mới khẳng định chủ quyền biển đảo của VN...

(GDVN) -  Sức hút tàu sân bay Trung Quốc, động thái của Mỹ trước việc Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay, bằng chứng mới khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam….đó là những thông tin được đăng tải trên các báo ngày hôm nay.

Giải mã sức hút tàu sân bay Trung Quốc

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

Trên VietNamnet đặt vấn đề:  Ấn Độ, Thái Lan, Brazil và Italy đều cũng có tàu sân bay, nhưng không ai lo ngại rằng, Rome hay Bangkok sẽ nắm lấy thế giới bất cứ lúc nào. Và như David Axe của Wired's Danger Room viết, một tàu sân bay được nâng cấp không chính xác là nỗi kinh hoàng trên biển cả khi cuối cùng nó được hoàn thành và đi vào hoạt động. Nhưng dư luận lại hướng sự chú ý đặc biệt đối với chương trình tàu sân bay của Trung Quốc. Lý do gì giải thích cho điều này, tờ báo phân tích:

Đầu tiên, đó là sự chú ý tới khoảng cách lớn giữa học thuyết quân sự của Trung Quốc với nước ngoài. PLA (quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) đang theo đuổi một chương trình tàu sân bay mà họ giữ bí mật và thường xuyên phủ nhận. Bí mật không phải là điều bất chính; ở một mức độ nào đó, các quân đội đều có bí mật. Nhưng dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, PLA mang trọng trách bảo vệ lợi ích quốc gia vượt quá toàn vẹn lãnh thổ, thậm chí kể cả khi các nhà ngoại giao Trung Quốc cố thuyết phục thế giới rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc được đánh dấu bởi hợp tác, chứ không đối đầu.

Trong Diễn đàn Shangri-La (một cuộc gặp thường niên giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu châu Á) hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố: "Con đường phát triển hoà bình là một chọn lựa chiến lược... Trung Quốc kiên định giữ vững một chính sách quốc phòng mang tính chất phòng thủ". Có lẽ, giới lãnh đạo PLA tin tưởng vào điều này, nhưng nó lại dẫn tới một định nghĩa rẩt rộng của "phòng thủ" mà các quốc gia khác khó có thể thấy an lòng.

Thứ hai, nó có thể truyền tải một ý định theo đuổi chủ quyền hàng hải ở những vùng tranh chấp, đặc biệt là Biển Đông. Có thể tàu sân bay mới của Trung Quốc khó "tác chiến" chống lại Hạm đội 7 - và nó cũng không cần làm vậy. Tất cả những gì nó phải làm là truyền tải thông điệp cảnh báo sớm cũng như khả năng phản ứng của Trung Quốc và đủ để phô diễn sức mạnh đe dọa các nước láng giềng yếu hơn trong cuộc thương thảo chủ quyền hàng hải với Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc không chỉ có một, mà là ba hay thậm chí là năm tàu sân bay. Ngay khi Bộ Quốc phòng nước này thừa nhận sự tồn tại của một tàu sân bay, thì nhiều nguồn tin Trung Quốc đã xác nhận sự tồn tại của hai con tàu sân bay khác được xây dựng ở Thượng Hải.

Một vị tướng PLA bình luận rằng: "Ấn Độ sẽ có ba tàu sân bay vào năm 2014 và Nhật Bản có ba tàu sân bay vào 2014... Nên tôi nghĩ rằng, số lượng (cho Trung Quốc) sẽ không nên ít hơn ba".

Có thêm hai tàu sân bay nội địa sẽ đặt Trung Quốc vào một "đẳng cấp" hoàn toàn khác biệt, khi hiện tại Mỹ là quốc gia duy nhất với hơn hai tàu sân bay đang hoạt động. Và nó cũng thiết lập cơ sở công nghiệp chuyên dụng cần thiết để xây dựng thêm nhiều tàu sân bay nữa, khiến chương trình tàu sân bay ngày càng trở nên khó giải thích theo kiểu chỉ là một chương trình phục vụ mục tiêu phòng thủ lãnh thổ hay vì thể diện quốc gia.

Có nhiều lý do có lẽ hợp pháp để Trung Quốc theo đuổi một chương trình tàu sân bay, và dĩ nhiên, không thể thực sự dừng bước họ. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc đơn giản sử dụng khẩu hiệu "phát triển hoà bình" để che giấu cho mục tiêu thế chân Mỹ ở Thái Bình Dương, thì điều này thật đáng xấu hổ - bởi mẫu hình của một quốc gia trỗi dậy hòa bình ở thế kỷ 21 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nếu chương trình ấy thực sự phục vụ cho khẩu hiệu đề ra thì Bắc Kinh có cơ hội để làm điều gì đó lịch sử. Họ có thể chứng minh rằng, trong khi xung đột giữa các cường quốc là điều không thể tránh khỏi thì những cuộc chiến quân sự đẫm máu, đắt đỏ có thể không diễn ra. Và đó là sự văn minh...
 
Mỹ yêu cầu Trung Quốc minh bạch về tàu sân bay

Mỹ hôm qua đã bày tỏ lo ngại đối với sự thiếu minh bạch về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, vốn đã thực hiện chuyến hành trình ra biển đầu tiên hôm qua, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Tờ Dân trí đưa tin.
 
“Chúng tôi muốn thấy sự minh bạch hơn. Chúng tôi mong muốn Trung Quốc giải thích về nhu cầu sở hữu loại thiết bị này”, phát ngôn viên Victoria Nuland nói trước báo giới.

“Đây là một phần trong mối quan ngại lớn hơn của chúng tôi rằng Trung Quốc không minh bạch như các nước khác. Trung Quốc không minh bạch như Mỹ về các vụ mua bán thiết bị quân sự, cũng như về ngân sách quốc phòng. Điều này gây lo ngại”, bà Nuland phát biểu.

Tuyên bố của bà Nuland được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc hôm qua đã cho chạy thử tàu sân bay đầu tiên của nước này, Shi Lang, sau nhiều năm tân trang.Trung Quốc từng tuyên bố con tàu sẽ “được sử dụng vào các mục đích nghiên cứu và huấn luyện”.

Nhưng việc hàng không mẫu hạm hoàn tất đã khiến một số nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại. Các nước lo sợ rằng chiếc hàng không mẫu hạm này có thể được triển khai cùng các tàu chiến khác để tăng cường quyền lực của Trung Quốc tại các khu vực có tranh chấp gồm cả Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Jim Webb thảo luận về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
 

a
Thượng nghị sĩ Jim Webb

Theo Doanh nhân Việt Nam: Văn phòng Thượng nghị sĩ Jim Webb ngày 10/8 ra thông cáo báo chí cho hay ông sẽ đi thăm Thái Lan, Singapore, Indonesia và Việt Nam từ ngày 12-25/8.

Thông cáo báo chí cũng cho biết tại Indonesia và Việt Nam, Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, sẽ thảo luận về nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế giữa Mỹ và hai nước này đồng thời ông cũng sẽ thảo luận về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, và các vấn đề an ninh khu vực khác.

Trước đó, hồi tháng 6, Thượng nghị sĩ Jim Webb là người bảo trợ một nghị quyết được nhất trí thông qua tại Thượng viện Mỹ, lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông, và kêu gọi một giải pháp đa phương để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải tại Đông Nam Á.
 

Tư liệu khách quan thừa nhận chủ quyền Việt Nam.

Tiếp tục loạt bài về những bằng chứng xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tờ Thanh niên đăng tải bài viết của TS. Nguyễn Hồng Thao cung cấp thêm tư liệu khách quan về vấn đề này.
 
Theo Ts.Thao: Để giải quyết cuộc tranh luận dai dẳng xung quanh danh nghĩa lịch sử, cách tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bên thứ ba.

Người phương Tây đã từng nói về sự quy thuộc của quần đảo Paracel vào An Nam. Các nhà truyền đạo Pháp trên tàu Amphitrite trên đường sang TQ đã ghi trong một bài tiếng Pháp năm 1701: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các tai nạn đắm tàu ở đó”.

a
Một trong những bản đồ hàng hải của người Bồ Đào Nha thế kỷ XVI. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được gộp làm một với tên "Paracel" vẽ ở biển Đông cách xa các đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam - Ảnh: tư liệu

Jean-Louis Taberd ghi nhận: “Pracel hoặc Paracels (Bãi cát vàng), mặc dù quần đảo này không có gì ngoài các đá, bãi và độ sâu lớn hứa hẹn nhiều bất tiện lợi hơn, Vua Gia Long đã nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ của ngài bằng cách chiếm thêm vùng đất buồn bã này. Năm 1816, ngài đã tới đây long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá này, mà không một ai tranh giành gì với ngài cả”.

Dubois de Jancigny trong Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceylan có viết: “Chúng tôi quan sát thấy rằng từ ba mươi tư năm nay, quần đảo Paracel (người An Nam gọi là Cát vàng), một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát đầy ngờ vực của các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người An Nam (Cochinchine) chiếm hữu. Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (nhằm mục đích, có thể, bảo vệ nghề cá); nhưng chắc chắn rằng Vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người, bởi vì ngài đã thân chinh tới đó chiếm hữu, việc này xảy ra vào năm 1816 khi ngài long trọng kéo cờ của An Nam lên đó”.

Gutzlaff trong bài Địa lý Vương quốc Cochinchine xuất bản năm 1849 tại London (Anh) cũng ghi Cát Vàng (để chỉ Paracel) thuộc Cochinchine. Gutzlaff viết: “Từ lâu đời, những thuyền phần lớn từ đảo Hải Nam tới, đã hằng năm đến thăm các bãi nổi này và tiến hành cuộc viễn du xa xa tới tận bờ đảo Borneo. Tuy rằng hằng năm hơn phần mười bị đắm, nhưng cá đánh được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết được mọi thiệt thòi, mà còn để lại món lợi rất to. Chính phủ An Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế được đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải trả, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc”).

Trong Địa lý tóm tắt của Ý (Compendio di Geografia) do Adriano Balbi soạn năm 1850, trang 641 mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: Cũng thuộc vương quốc này còn có quần đảo Paracel, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Condor (tức Hoàng Sa, nhóm đảo Hải Tặc và Côn Đảo). Cũng trong tác phẩm này tr.644-648 về địa lý Trung Hoa không viết gì về Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngay cả các sách TQ cũng công nhận việc quy thuộc các đảo này vào An Nam. Chúng ta có thể đọc được điều đó trong phần tựa cuốn Hải Lục năm 1842 trong đó Vương Bính Nam đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thủy thủ TQ từng đi nhiều nước nhiều vùng về kể lại: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên giậu của An Nam”.

Từ những tư liệu trên, TS.Thao khẳng định: Các mô tả về Paracel từ các nguồn nước ngoài chứng tỏ Hoàng Sa không phải là các đảo ven bờ biển Trung VN. Trong khi có khá nhiều nguồn tài liệu trung gian chứng minh sự chiếm hữu Paracels của các Chúa và Vua Nguyễn, không có một nguồn tư liệu nước ngoài nào chỉ rõ sự chiếm hữu các đảo này của TQ.

Khi họ xâm phạm vùng biển của mình, Cảnh sát biển sẽ có mặt

Trong bài trả lời phỏng vấn Pv báo Hà Nội mới, Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh, Chính ủy Cục Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã khẳng định điều đó.

a
Cảnh sát biển là lực lượng quan trọng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và bảo vệ ngư dân. Ảnh: HNM

Ông Trinh cho biết: “ Vừa qua, một số nước quản lý biển theo chính sách mới hết sức khắt khe, nếu so với Việt Nam là quá nặng. Đối với tàu nước ngoài vi phạm, chúng tôi chủ yếu dùng biện pháp xua đuổi và giải thích. Những vi phạm sẽ được quay phim, chụp ảnh, lập biên bản làm tài liệu phục vụ đấu tranh ngoại giao. Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng chúng ta cũng xử lý mạnh. Nếu tàu nước ngoài đánh bắt hải sản hoặc đi vào vùng biển của Việt Nam như vùng đặc quyền kinh tế, vùng tiếp giáp, vùng nội thủy thì trước hết, chúng tôi nhắc nhở, xua đuổi. Trường hợp tiếp tục vi phạm, vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ lập biên bản bắt giữ, đưa về cảng, xác minh rõ các yếu tố vi phạm và xử phạt hành chính. Những trường hợp mà CSB Việt Nam xử phạt chưa có trường hợp nào chống đối.

Khi phát hiện ngư dân bị tàu nước ngoài có những hành động làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng trong tọa độ thuộc vùng biển Việt Nam, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng và chủ động, trực tiếp đến tọa độ đó để ứng cứu ngư dân. Cứu dân là mệnh lệnh của trái tim và là nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi. Còn trường hợp tàu ngư chính, hải giám của nước ngoài đi vào vùng biển của Việt Nam chúng tôi sẽ xua đuổi ngay. Khi họ xâm phạm vùng biển của mình, CSB sẽ có mặt, trước hết là thông báo cho họ biết về vi phạm của họ, khẳng định chủ quyền của ta. Thông thường thì họ sẽ rời khỏi khu vực vi phạm, trường hợp nghiêm trọng mới phải đẩy đuổi”.

{iarelatednews articleid='10207,10082,9686,9560,9564,9304,8995,7622,7555,7059,5776,5800,5638,5456'}

Hải Hà (tổng hợp)