TQ muốn hoàn thành "bành trướng" trước khi có phán quyết vụ kiện

05/09/2014 14:00
Đông Bình
(GDVN) - Dư luận Philippines gần đây công bố và đặc biệt quan ngại về hoạt động lấn biển phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cần xác minh.
Gần đây hoạt động "ra sức mở rộng đảo, đá ngầm ở Biển Đông" (lấn biển) của Trung Quốc đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận Philippines.
Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thay đổi nhanh chóng trong thời gian qua (nguồn mạng "Quan sát" Trung Quốc)
Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thay đổi nhanh chóng trong thời gian qua (nguồn mạng "Quan sát" Trung Quốc)

Từ ngày 28 tháng 8 trở đi, Tổng thống, Bộ Ngoại giao Philippines liên tiếp thể hiện thái độ, tiến hành phê phán hoạt động lấn biển của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước liên quan ủng hộ kế hoạch "Ba bước đi" do Philippines đưa ra, ngăn chặn các hành động của Trung Quốc.

Tờ "Philippine Daily Inquirer" cho biết, trả lời phỏng vấn báo chí ngày 28 tháng 8, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã thúc giục Trung Quốc "làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông".

Ông tuyên bố, đã nhận được thông tin tình báo có liên quan, Trung Quốc tiếp tục tiến hành hoạt động lấn biển ở Biển Đông, xây dựng đảo và các địa mạo khác ở đá ngầm, "trong vấn đề biên giới, đảo có quyền lợi, đá ngầm thì không".

Bài viết dẫn lời giáo sư Jay Batongbacal, Học viện Luật biển và Các vấn đề biển, Đại học Philippines cho rằng, đối với Philippines, Trung Quốc thông qua hoạt động lấn biển để đoạt lấy lãnh thổ là một vấn đề lớn, "một khi hoàn thành, những cơ sở xây mới này sẽ được dùng để tăng cường các hoạt động nhằm vào tàu và máy bay của Philippines".

Tờ "Philippines Star" ngày 29 tháng 8 cho rằng: "Hoạt động khai khẩn đá ngầm của Trung Quốc ngày càng hùng hục".

Theo bài báo, ngoài lấn biển xây đảo nhỏ ở đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), kế hoạch lấn biển của Trung Quốc còn tiến hành hừng hực khí thế ở 3 đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).

Hình ảnh đá Gạc Ma trên tờ "Quan sát" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 năm 2014 cho thấy đã có sự thay đổi rất lớn
Hình ảnh đá Gạc Ma trên tờ "Quan sát" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 năm 2014 cho thấy đã có sự thay đổi rất lớn

Một quan chức an ninh Philippines cho rằng: "Thông qua theo dõi trên không gần đây, quan chức an ninh phát hiện hoạt động lấn biển của Trung Quốc đang triển khai ở đá Gaven, đá Kennan và đá Châu Viên".

"Trong thời điểm nhà lãnh đạo chính trị của chúng tôi đang bận rộn tranh luận, ở Biển Đông, chúng tôi đang từng bước mất đi 'lãnh thổ' do Trung Quốc gặm nhấm".

Bài báo này cho rằng, ở đá Gaven, tháng 5 năm 2014 đã theo dõi được Trung Quốc đã xây dựng một công trình nhỏ, 1 tháng sau, Trung Quốc điều nhiều tàu lấn biển, xây dựng một đảo nhỏ nhân tạo. Tháng 7 năm 2014, đá Gaven bị phát hiện đã biến thành một đảo nhỏ hình con diều.

Ở đá Kennan, vào tháng 4 thấy Trung Quốc đang nạo vét luồng lách ở khu vực xung quanh. 3 tháng sau, khu vực này đã biến thành một đảo nhỏ nhân tạo hình cột gôn (golf), trên đảo còn có một bãi đáp máy bay trực thăng.

Hoạt động giám sát hàng không ngày 29 tháng 6 phát hiện Trung Quốc vẫn đang tăng cường hoạt động ở đá Kennan, điều gây chú ý nhất là tăng số lượng thiết bị thi công và vật liệu, container đã trở thành nơi ở của công nhân.

Ở vùng biển đá Châu Viên, Quân đội Philippines cho biết, hoạt động tuần tra trên không tháng 5 phát hiện một số tàu Trung Quốc, hình ảnh chụp từ trên không ngày 29 tháng 7 phát hiện ở đá ngầm này đang tiến hành xây dựng, diện tích đất đã mở rộng, trên đất được lấn mới đã xây dựng một bến tàu nửa kín.

Hình ảnh đá Châu Viên ngày 19 tháng 7 năm 2014 do mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 năm 2014 đăng tải
Hình ảnh đá Châu Viên ngày 19 tháng 7 năm 2014 do mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 năm 2014 đăng tải

Theo bài viết, ở đá Gạc Ma, hoạt động lấn biển của Trung Quốc đã hoàn thành và bắt đầu xây dựng công trình hạ tầng. Các thiết bị hạng nặng và vật liệu thi công như giàn giáo ống tuýp xuất hiện ở trên biển, còn có một tàu cỡ lớn mang theo cần trục (máy trục) đang xây dựng bến tàu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 29 tháng 8 lên tiếng phê phán rằng, Trung Quốc đẩy nhanh hoạt động lấn biển ở Biển Đông là để hoàn thành "kế hoạch bành trướng" và chiếm lấy các đảo giàu tài nguyên dầu khí trước khi có phán quyết vụ kiện trọng tài.

Tờ "Manila Standard Today" Philippines ngày 31 tháng 8 cho rằng, vào ngày 30 tháng 8, Philippines thúc giục tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông xem xét kế hoạch "Ba bước đi" của phía Manila, lập tức ngăn chặn Trung Quốc xây dựng công trình ở "khu vực tranh chấp" (Trung Quốc xâm lược, ăn cướp, nhảy vào tranh chấp).

Theo bài báo, hiện nay Philippines đang chiếm 8 đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Việt Nam đã kiểm soát (có chủ quyền) đối với 29 đảo, đá ngầm - bài báo nhận vơ là "của Trung Quốc". Philippines và Việt Nam đóng quân lâu dài ở khu vực này, đồng thời tiến hành hoạt động khai thác năng lượng, nhưng truyền thông phương Tây luôn "thờ ơ".

Bài báo cho rằng, năm 2013, sau khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành "một số hoạt động xây dựng cần thiết" (bất hợp pháp) ở Biển Đông, các nước phương Tây bắt đầu đưa ra "đề nghị đóng băng hành vi ở Biển Đông" và Trung Quốc đã "từ chối".

Hình ảnh đá Gaven ngày 18 tháng 7 năm 2014 trên mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 năm 2014
Hình ảnh đá Gaven ngày 18 tháng 7 năm 2014 trên mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 năm 2014

Có lẽ bài báo nhắc tới đề nghị đóng băng các hành vi khiêu khích ở Biển Đông do Mỹ đưa ra trong thời gian gần đây, nhất là tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2014 tổ chức ở Myanmar vừa qua.

Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này, tuyên bố thẳng thừng, vô trách nhiệm rằng nó không "khách quan, công bằng và mang tính xây dựng", "gây ra phiền phức và bất đồng mới", lo ngại nó "cản trở thực hiện DOC và tham vấn COC, gây thiệt hại cho lợi ích chung của Trung Quốc và các nước ASEAN"...

Trung Quốc tiếp tục khăng khăng với "đàm phán song phương", coi đó là phương thức hiệu quả và khả thi nhất (có lợi nhất cho Trung Quốc, ép láng giềng nhượng bộ trên thế mạnh).

Như vậy, lập trường của Trung Quốc vẫn không thay đổi, những "phát hiện" lấn biển phi pháp của Trung Quốc do Philippines công bố như trên cần xác minh cụ thể và kiên quyết đáp trả.

Đông Bình