Trí Việt 24h ăn cắp để… vòi tiền, Môi trường và Sức khỏe nối tiếp làm việc xấu

03/11/2015 12:00
Diệu Linh
(GDVN) - Đại diện của Trí Việt 24h từng ép một đơn vị phải chi số tiền hàng triệu đồng để được xử lý thông tin mà trang này ăn cắp của báo khác.

Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài “Kẻ ăn cắp trắng trợn mang tên Trí Việt 24h”, rất nhiều độc giả đã bày tỏ sự phản đối gay gắt với những hành vi xấu của trang điện tử này.

Đặc biệt là thái độ coi thường pháp luật, thể hiện sự vô văn hóa khi lớn tiếng thách thức cả cơ quan công an cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông: “A87 (Cục an ninh thông tin, truyền thông, Bộ Công an-PV) và Bộ thông tin cũng xxx gì được tao”.

Độc giả Tuấn Anh (Hà Nội) bày tỏ, hành vi ăn cắp trắng trợn của trang tin điện tử Trí Việt 24h diễn ra khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam. Vì vậy, qua sự việc này, cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử lý nghiêm khắc. Những người đã quản lý trang tin này phải chịu trách nhiệm thích đáng trước pháp luật.

Đặc biệt, sau bài viết phản ánh về hành vi ăn cắp và thái độ vô văn hóa của một người được cho là quản lý trang “Trí Việt 24h” có tên Tú Anh thách thức Bộ Thông tin truyền thông và A87 (Bộ Công an), Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của một số độc giả cho biết, trang tin "Trí Việt 24h" thường xuyên ăn cắp các thông tin kinh tế, pháp luật từ nhiều tờ báo khác nhau.

Các độc giả này đặt nghi vấn mục đích ăn cắp, đăng lại các tin, bài của trang tin này là để khi những người có liên quan cần xử lý thông tin thì "Trí Việt 24h" sẵn sàng gây khó khăn, thậm chí vòi tiền.

Độc giả còn cho biết, Trí Việt 24h từng ép một đơn vị phải chi số tiền hàng triệu đồng để được xử lý thông tin mà trang này ăn cắp của báo khác. 

Đây là những hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, vì vậy cơ quan chức năng không thể làm ngơ.

“Môi trường và sức khỏe” tự ý sao chép tin, bài

Qua khảo sát, ngoài trang tin “Trí Việt 24h” chuyên ăn cắp tin, bài từ các báo, còn có trang “Môi trường và Sức khỏe” (moitruongsuckhoe.com...) có trụ sở hoạt động tại Hà Nội cũng thường xuyên đăng lại tin, bài từ các báo khi chưa được sự cho phép.

Môi trường và Sức khỏe” hoạt động theo Giấy phép điện tử số 63/GPSĐBS-TTĐT (Bộ TT&TT), cấp ngày 10/11/2014. Trang điện tử này ghi rõ cơ quan chủ quản là Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”.

Xin dẫn ra một số thí dụ điển hình mà “Môi trường và Sức khỏe” đã sao chép của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trái với các quy định của pháp luật, vi phạm luật bản quyền và luật báo chí, xuất bản.

Ngày 1/11/2015, Môi trường và Sức khỏe tự ý sao chép bài viết “Yêu cầu thu hồi máy lọc nước Kangaroo ngăn ngừa mỡ máu”. Ngày 29/4/2015, Môi trường và Sức khỏe tự ý sao chép bài viết “Huyện chi sai gần 1 tỷ đồng đi chơi, cán bộ không có tiền nộp lại”. Ngày 26/9/2015, Môi trường và Sức khỏe tự ý sao chép bài viết “Bổ nhiệm người sắp nghỉ hưu làm Giám đốc Sở, Vĩnh Phúc đang ngồi trên luật?”

Ngoài ra, trang điện tử này cũng tự ý sao chép tin bài của rất nhiều báo khác như: Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Vnexpress, Tiền Phong, Tuổi trẻ, VTC news, Vietnamnet, Tin Tức, Lao động…

Mặc dù tự ý sao chép tin, bài từ rất nhiều báo, nhưng bi hài là “Sức khỏe và Môi trường” lại có dòng chữ “Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản”.

Môi trường và Sức khỏe tự ý sao chép bài trên Báo Lao động.
Môi trường và Sức khỏe tự ý sao chép bài trên Báo Lao động.

Sai phạm của “Trí Việt 24h” và “Môi trường và Sức khỏe” đã rất rõ ràng, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm luật bản quyền và luật báo chí, xuất bản.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông phải thật mạnh tay, xóa sổ hoàn toàn những trang điện tử khi đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục tự ý sao chép tin, bài của báo chí.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang nhận định, mặc dù

Chính phủ đã có Nghị định 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm bản quyền lên tới 500 triệu đồng, nhưng tới nay vẫn có quá nhiều các trang điện tử tự ý sao chép, đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Nói về trường hợp ăn cắp tin, bài của “Trí việt 24h”, Luật sư Quang cho rằng: “Nếu các báo kiện ra tòa thì đơn vị chủ quản, người chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với trang điện tử này hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, ngoài việc bị xử phạt thì thậm chí phải đền bù cho các báo, thậm chí bị xử lý hình sự”.

Diệu Linh