Triều Tiên lại thử nghiệm động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

23/06/2017 07:27
Hồng Thủy
(GDVN) - Cái "tình" ấy chỉ tồn tại khi cả hai cùng một kẻ thù, mà để bảo vệ mình nước lớn không tiếc người tiếc của chi viện cho nước nhỏ để họ đánh kẻ thù chung.

Nikkei Asian Review ngày 23/6 đưa tin, một quan chức Mỹ nói với Reuters hôm thứ Năm rằng, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử nghiệm động cơ tên lửa mà Hoa Kỳ tin, có thể đó là một phần của chương trình phát triển tên lửa đại đạo xuyên lục địa.

Mỹ đánh giá, vụ thử nghiệm mới nhất trong một loạt vụ thử tên lửa, động cơ tên lửa trong năm nay có thể là giai đoạn nhỏ nhất của một động cơ tên lửa xuyên lục địa. 

Một quan chức Mỹ thứ hai cũng xác nhận về vụ thử nghiệm này, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Cả hai đều giấu tên.

Một vụ thử tên lửa Triều Tiên, ảnh minh họa: NBC News.
Một vụ thử tên lửa Triều Tiên, ảnh minh họa: NBC News.

Việc tiết lộ thông tin vụ thử động cơ tên lửa mới nhất của Triều Tiên được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ ép Trung Quốc gây áp lực ngoại giao, kinh tế lớn hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo về một cuộc xung đột lớn, rất lớn với Bắc Triều Tiên có thể xảy ra vì chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng, các chế tài cứng rắn hơn vẫn là ưu tiên lựa chọn chứ không phải giải pháp quân sự.

Lục địa Mỹ cách Triều Tiên khoảng 9000 km, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn tối thiểu khoảng 5500 km, nhưng một số có thể được thiết kế với tầm bắn tối đa 10000 km hoặc xa hơn. [1]

South China Morning Post ngày 23/6 cho biết, kết thúc đối thoại an ninh Mỹ - Trung, Washington vẫn tiếp tục đòi hỏi Bắc Kinh gây thêm áp lực lên Bình Nhưỡng, nhưng Trung Quốc không hứa hẹn điều gì.

Trong khi Bắc Kinh nhắc lại rằng họ tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc sau khi Mỹ cáo buộc các công ty Trung Quốc giúp Triều Tiên né tránh trừng phạt quốc tế, cả hai bên dường như không đạt được đồng thuận nào đáng kể.

Hai bên cũng đã thảo luận thẳng thắn về các vấn đề khu vực khác, như cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu hay nhân quyền ở Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận sau hội đàm, rằng vẫn còn nhiều khoảng cách giữa hai bên trong các vấn đề, bao gồm Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Zhang Liangui từ Trường Đảng trung ương Trung Quốc cho biết, thông điệp của Ngoại trưởng Tillerson đối với Trung Quốc là "khắc nghiệt bất thường". Zhang Liangui nói:

Triều Tiên lại thử nghiệm động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ảnh 2

Triều Tiên đang đổi thay và ẩn ý của Tổng thống Mỹ

"Nó cho thấy Washington hiểu, mặc dù là miễn cưỡng, chiến dịch của họ để gây áp lực lên Triều Tiên ít có cơ hội thành công nếu như Trung Quốc tiếp tục chống lại, hoặc ngăn chặn một nỗ lực như vậy.

Tôi nghĩ rằng ông Tillerson muốn gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách chỉ ra rằng, khi những phương tiện hòa bình đó đã cạn kiệt, các lựa chọn quân sự sẽ được xem xét.

Trung Quốc đang ở trong tình thế khỏ xử vào thời điểm này, vì đề xuất của họ từ lâu đã bị cả Triều Tiên lẫn Mỹ bác bỏ rõ ràng.

Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra một kế hoạch chi tiết những lựa chọn của họ nếu Triều Tiên từ chối trở lại bàn đàm phán.". [2]

Trung Quốc liệu có "nhìn lầm" Triều Tiên?

Cựu Phó tổng biên tập Tạp chí Học Tập thuộc Trường Đảng trung ương Trung Quốc, ông Đặng Duật Văn ngày 20/6 có bài viết đăng trên Financial Times, Anh quốc, bản chữ Hán: Về năm cách nhìn sai lầm (của Trung Quốc) đối với Triều Tiên.

5 nhận thức sai lầm mà ông Đặng Duật Văn nêu ra gồm có: tình hữu nghị đồng minh viết nên bằng máu, vai trò phên dậu hoãn xung địa chiến lược, cùng chung ý thức hệ, thuyết nội chính Triều Tiên, Trung Quốc không liên quan đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo.

Ông Văn tin rằng, 5 cái nhìn sai lầm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận quan chức và giới hoạch định chính sách Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên.

Đến nỗi Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) từng 2 lần lăng mạ, châm biếm Trung Quốc là "to xác, ngu xuẩn", cảnh cáo Bắc Kinh phải chuẩn bị đối mặt với hậu quả thảm hại, khiến truyền thông Trung Quốc cũng phải nhảy vào phản bác. [3]

Chúng tôi xin không đi sâu vào lập luận của ông Đặng Duật Văn về 5 nhận thức sai lầm này.

Tuy nhiên, từ những diễn biến địa chính trị, địa chiến lược khu vực Đông Bắc Á từ Chiến tranh Triều Tiên đến nay, cá nhân người viết nhận thấy Trung Quốc không hề "nhìn lầm" Triều Tiên.

Bởi lẽ đồng minh, đồng chí, tình hữu nghị được viết bằng máu chỉ được nước lớn dùng với nước nhỏ khi nước nhỏ đem lại những lợi ích chiến lược cho họ.

Và cái "tình" ấy chỉ tồn tại khi cả hai cùng một kẻ thù, mà để bảo vệ mình nước lớn không tiếc người tiếc của chi viện cho nước nhỏ để họ đánh kẻ thù chung.

Thời thế, thế thời thay đổi khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trung Quốc là nước kết thân với Mỹ nhanh nhất, học Mỹ nhanh nhất để phát triển.

Và ngày nay Trung Quốc cạnh tranh vị thế siêu cường với Hoa Kỳ, trước mắt là ở châu Á, trong tương lai là trên toàn cầu khi đã đủ lông đủ cánh.

Lúc này Triều Tiên lại trở thành lá bài rất hữu ích để Trung Quốc có thể mặc cả với người Mỹ.

Trừ phi Triều Tiên "thoát xác" khỏi những xiềng xích về nhận thức, tự cởi trói cho mình để có thể phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quốc phòng, nếu không sẽ vẫn chỉ là quân cờ trên bàn cờ chiến lược giữa 2 tay chơi Trung - Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/North-Korea-tests-rocket-engine-US-official

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2099600/north-korea-still-sticking-point-after-china-us

[3]http://www.ftchinese.com/story/001073077?full=y

Hồng Thủy