Trung - Mỹ phối hợp diễn kịch với dư luận trước hội nghị thượng đỉnh?

04/04/2017 16:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Donald Trump đánh "võ miệng" trước, sau đó Ngoại trưởng Tilerson gọi điện cho ông Dương Khiết Trì cam kết hội nghị thành công, rõ ràng là một vở kịch hoàn hảo.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra trong 2 ngày 6, 7/4 tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông chủ Nhà Trắng ở Florida, đang thu hút sự chú ý đặc biệt và đồn đoán khác nhau từ dư luận.

Cuộc họp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc gây chú ý không chỉ bởi sự khác biệt về lợi ích hai nước trong các vấn đề lớn liên quan đến kinh tế - thương mại hay an ninh, mà còn bởi phong cách, cá tính, trải nghiệm của họ hoàn toàn khác hẳn nhau.

Những vấn đề Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bàn bạc với nhau, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều nước, cũng như cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vì vậy, tìm hiểu ý đồ, toan tính và trao đổi thực chất giữa 2 siêu cường này trong bối cảnh thông tin hạn chế, là việc hết sức khó khăn nhưng cần thiết.

Tổng thống Donald Trump và con rể kiêm cố vấn Jared Kushner. Ảnh: Iran Daily.
Tổng thống Donald Trump và con rể kiêm cố vấn Jared Kushner. Ảnh: Iran Daily.

Người viết xin tổng hợp một số phân tích và bình luận đáng chú ý từ các nhà quan sát, truyền thông quốc tế về sự kiện đáng chú ý trên, ngõ hầu cung cấp đến quý bạn đọc những góc nhìn đa chiều để có thêm thông tin về mối quan hệ đặc biệt, ảnh hưởng đến nhiều bên này.

Những đồn đoán và bình luận trái chiều từ dư luận

Tạp chí Time ngày 3/4 bình luận về những tình huống giao tiếp kịch tính giữa Tổng thống Donald Trump với một số nhà lãnh đạo thế giới, như cú bắt tay khá mạnh và kéo dài 19 giây với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay ông không bắt tay Thủ tướng Đức Angela Merkel trước truyền thông. [1]

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn coi trọng thể thức ngoại giao, bất kỳ cái bắt tay nào của ông Trump với ông Tập Cận Bình giống như những cú bắt tay một số nhà lãnh đạo bị truyền thông mỉa mai, chỉ trích, thậm chí dựng thành video [1], sẽ là một điều khó có thể bỏ qua.

Ông Chu Phong, Giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh bình luận:

"Không có gì ngu ngốc hơn (phong cách đó của) Trump. Nhà lãnh đạo Trung Quốc là một người rất nghiêm túc. Bất kỳ thủ đoạn nào Trump định chơi xỏ sẽ bị (Bắc Kinh) xem là một sự sỉ nhục".

Điều đáng lo ngại với Trung Quốc nằm ở chỗ, Donald Trump là một doanh nhân tuổi 70 mới bước vào chính trường, quen xem các cuộc họp chính thức giống như bàn một hợp đồng kinh doanh.

Ông thích gặp gỡ đối tác ở sân golf, ăn tối và nói chuyện khi thưởng thức món gà tây. Nhưng ông Tập Cận Bình khác Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Bình không chơi golf và cũng không thích quảng giao.

Giáo sư Nick Bisley, một chuyên gia về châu Á thuộc Đại học La Trobe, Australia cho biết:  

"Nếu những gì đã xảy ra với Shinzo Abe sẽ lặp lại với Tập Cận Bình, thì thật điên rồ. Bạn không thể tưởng tượng được Tập Cận Bình sẽ khó chịu như thế nào". [2]

Ngược lại, CNN ngày 4/4 lại cho rằng, có khá nhiều điểm tương đồng giữa đương kim Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và người đồng nhiệm Trung Quốc với Mao Trạch Đông, cho dù ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình đến từ hai thế giới hoàn toàn khác biệt.

Trong phát biểu nhậm chức hôm 20/1, ông Donald Trump cho rằng lâu nay quân đội Mỹ đã ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, lo bảo vệ nước khác mà quên mất nước Mỹ.

Trung - Mỹ phối hợp diễn kịch với dư luận trước hội nghị thượng đỉnh? ảnh 2

Bóng dáng Lã Bất Vi tại hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ

Ông tuyên bố, ngày Donald Trump nhậm chức sẽ được nhớ đến như thời khắc người dân Mỹ trở lại vai trò chủ nhân thực sự của đất nước này một lần nữa.

CNN bình luận, với nhiều người Trung Quốc, thông điệp này của Trump nghe quen tai, giống như những gì Mao Trạch Đông từng nói khi kêu gọi dân chúng tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa.

Orville Schell, một học giả hàng đầu người Mỹ chuyên nghiên cứu Trung Quốc và từng đến quốc gia này thời Mao Trạch Đông, đã bình luận:

"Họ có cùng một loại khái niệm về đảo lộn xã hội, cùng chung ý tưởng về việc bạn không thể xây dựng cái mới mà không phá hủy cái cũ".

Hà Tần, người sáng lập tạp chí Minh Kính có ảnh hưởng khá rộng rãi trong giới Hoa kiều hải ngoại, đặt trụ sở tại New York nhận xét:

"Lý tưởng của Mao Trạch Đông về một xã hội công bằng hơn thực sự gần gũi với các giá trị đảng Dân chủ Mỹ theo đuổi. 

Trump tin tưởng vào sức mạnh. Ông tin rằng đó là cách duy nhất để thay đổi mọi thứ. Ông tin vào đồng tiền, và ông là một người thực dụng.

Donald Trump có thể vô lý hoặc không biết gì về chính trị, nhưng ông biết rằng mọi thứ cần phải thay đổi. Và cách duy nhất để làm điều đó là thông qua các phương tiện độc đáo.

Khi ông làm đảo ngược thế giới, Trung Quốc sẽ cảm thấy lo lắng".

Tuy nhiên học giả Orville Schell tin rằng, tất cả những phát biểu mâu thuẫn của Trump về Trung Quốc thực ra không phải chuyện gì xấu.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.

Nếu Trump diễn đúng vai, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis diễn đúng vai, họ có thể làm cho quan hệ Trung - Mỹ trở nên cân bằng, ôn định hơn. [3]

Ngoại giao sân golf và nhu cầu chiến thắng tại "lỗ 19"

News.com.au, Australia ngày 4/4 bình luận, ngoại giao bóng bàn đã đưa Trung Quốc và Hoa Kỳ xích lại gần nhau 45 năm trước, bây giờ ngoại giao sân golf có thể đóng vai trò mới trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ông Tập Cận Bình không chơi golf mà thích bóng đá. Các sân golf vẫn được Bắc Kinh xem là thành trì của tư bản chủ nghĩa, chỗ núp của tham nhũng và đã bị dẹp cách đây mấy năm.

Trong khi đó khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida lại là nơi đánh dấu sự phân tầng xã hội giữa những người giàu với tầng lớp trung lưu Mỹ.

Vậy tại sao ông Tập Cận Bình lại chủ động chọn Mar-a-Lago làm nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với chủ nhân Nhà Trắng, bất chấp khuyến cáo từ bộ phận tham mưu cấp cao?

News.com.au cho rằng, đây là một phần nỗ lực của ông chủ Trung Nam Hải trong việc tìm cách tiếp cận thân mật hơn với Donald Trump, vị Tổng thống Hoa Kỳ khiến Bắc Kinh bối rối.

Lý giải về sự lựa chọn này, có quan điểm cho rằng ông Tập Cận Bình không muốn kém cạnh ông Shinzo Abe. Thủ tướng Nhật Bản đã được ông Trump tiếp tại Nhà Trắng và sau đó đến Mar-a-Lago.

Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đến nhà Tổng thống Mỹ như một người bạn thân, thay vì đến văn phòng như một hoạt động đối ngoại thông thường.

Một quan điểm khác tin rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn trở thành người mang đến quà tặng cho tân chủ nhân tòa Bạch Ốc, thay vì chỉ là hoạt động thăm viếng bình thường.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chơi golf cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Japan Times.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chơi golf cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Japan Times.

Món quà này có thể là một sự đồng ý cắt giảm thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc nhập từ Mỹ, ví dụ như xe hơi.

News.com.au bình luận: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hạ cánh xuống sân chơi của đối phương với hy vọng sẽ giành được chiến thắng ở "lỗ 19". [4]

Thỏa thuận cơ bản xong, hai bên đều diễn kịch

Đa Chiều ngày 4/4 bình luận, sở dĩ hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ lần này gây chú ý, chủ yếu là vì Washington không ngừng đưa ra các tuyên bố có vẻ như làm khó ông Tập Cận Bình trước chuyến thăm. [5]

Ngày 30/3 Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter, hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ lần này "sẽ rất khó khăn".

Ông chủ Nhà Trắng viết tiếp: "Chúng ta không thể để tiếp diễn tình trạng thâm hụt thương mại quy mô lớn và mất việc làm".

Ngày 31/3, chính phủ Mỹ công bố báo cáo, trong đó cáo buộc chính sách công nghiệp của Trung Quốc và sự hỗ trợ tài chính cho ngành sản xuất thép, nhôm của nước này đã làm méo mó thị trường.

Cùng ngày, Trump ký hai mệnh lệnh hành chính yêu cầu điều tra vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ với các đối tác chủ yếu, tăng cường các biện pháp chống bán phá giá, tăng cường truy thu thuế chống bán phá giá.

Xung quanh vấn đề bán đảo Triều Tiên, hôm 31/3 Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố, đây là nguy cơ hàng đầu với an ninh quốc gia của Mỹ. 

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách 11 công dân và 1 công ty của Triều Tiên bị trừng phạt.

Ngày 3/4, Financial Times đăng bài phỏng vấn độc quyền Tổng thống Mỹ, trong đó ông Donald Trump nói rằng, nếu Trung Quốc không giúp, Mỹ sẽ tự giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố trong một cuộc họp báo tại New York, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ xoay quanh vấn đề trọng điểm - Bắc Triều Tiên.

Trung - Mỹ phối hợp diễn kịch với dư luận trước hội nghị thượng đỉnh? ảnh 5

Hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ: Bắc Kinh lo nhất ông Tập Cận Bình bị hớ

Tất cả những động thái này khiến dư luận tin rằng, Nhà Trắng đang làm khó dễ Trung Nam Hải trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên cũng có nhà phân tích chỉ ra rằng, từ khi Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung cơ bản ổn định.

Từ chỗ Donald Trump đe dọa xem lại nguyên tắc "một Trung Quốc", cuối cùng Tổng thống Mỹ quay lại thừa nhận tuân thủ nguyên tắc này.

Từ chỗ ông Rex Tillerson tuyên bố ngăn Trung Quốc truy cập đảo nhân tạo trên Biển Đông khi còn là ứng viên Ngoại trưởng chờ phê chuẩn, đến nay Nhà Trắng dưới thời Trump tiếp tục không cho tàu hải quân Mỹ tiến vào 12 hải lý quanh đảo nhân tạo.

Tất cả điều này đều cho thấy, Washington rất kiềm chế.

Đặc biệt là trong chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã chủ động đề cập và thừa nhận "14 chữ định hình mô hình mới quan hệ nước lớn": không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng.

Điều này đã dẫn đến những phản ứng trái chiều, chỉ trích từ nội bộ dư luận Mỹ.

Cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ely Ratner ngày 3/4 còn bình luận trên The Washington Post rằng, Trump đang sai lầm nghiêm trọng khi đối đãi đặc biệt (VIP) với Trung Quốc.

Ngược lại theo ông, Tổng thống Mỹ cần cứng rắn với Bắc Kinh như những gì đã cam kết, từ vấn đề Biển Đông cho đến Đài Loan, từ nhân quyền cho đến thương mại.

Nếu Trump tiếp tục nhân nhượng Trung Quốc trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nước Mỹ sẽ phải trả giá.

Đón tiếp ông Tập Cận Bình như khách VIP ở Florida sẽ chỉ củng cố vị thế của Chủ tịch Trung Quốc, còn tổn thất sẽ thuộc về nước Mỹ. [6]

Đa Chiều bình luận: mặc dù quan hệ Trung - Mỹ còn tồn tại nhiều khác biệt cần tiếp tục thương lượng, nhưng một khi hai bên đã quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh thì các vấn đề nhạy cảm, khác biệt cơ bản đều đã được khoanh vùng, quản lý.

Sở dĩ trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung, ông Donald Trump và cộng sự liên tục tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh là có ẩn ý.

Hôm 2/4 Ngoại trưởng Rex Tillerson gọi điện cho ông Dương Khiết Trì thông báo, phía Mỹ sẽ dốc toàn lực để làm tốt các công tác chuẩn bị, cam kết cùng Trung Quốc đảm bảo cho chuyến thăm giành được thành quả tích cực, quan trọng.

Một số nhà quan sát tin rằng, việc Rex Tillerson chủ động điện đàm với Dương Khiết Trì rất có khả năng là chỉ dấu cho thấy, Washington và Bắc Kinh đã đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề quan trọng.

Cuộc điện đàm này cũng có thể chuyển thông điệp đến Bắc Kinh:

Mọi phát biểu cứng rắn về thương mại, Bắc Triều Tiên đều là võ mồm nhằm đối phó với những chỉ trích trong lòng nước Mỹ về chính sách của Trump với Trung Quốc (như cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ely Ratner) mà thôi.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ros và Chánh văn phòng Nhà Trắng Peter Navarro đã tuyên bố với báo giới, 2 mệnh lệnh hành chính ông Trump ký hôm 31/3 không nhằm vào Trung Quốc.

Hơn nữa, Bắc Kinh cũng phải tính đến dư luận trong nước khi tiến hành các hoạt động đối ngoại với Hoa Kỳ, thì Donald Trump cũng vậy.

Tổng thống Donald Trump đánh "võ miệng" trước, sau đó Ngoại trưởng Tilerson gọi điện cho ông Dương Khiết Trì cam kết hội nghị thành công, rõ ràng là một vở kịch hoàn hảo để xử lý các vấn đề ngoại giao, Đa Chiều bình luận. [5]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.theguardian.com/us-news/video/2017/feb/14/donald-trumps-strange-handshake-style-and-how-justin-trudeau-beat-it-video-explainer

[2]http://time.com/4722468/china-xi-jinping-donald-trump-florida-mar-a-lago-north-korea/

[3]http://edition.cnn.com/2017/04/03/asia/china-us-trump-xi-mao-analysis/

[4]http://www.news.com.au/finance/work/leaders/could-golf-bring-china-and-the-united-states-closer/news-story/82b19f40dd417ab1d15b48221160cbf3

[5]http://global.dwnews.com/news/2017-04-04/59808744.html

[6]https://www.washingtonpost.com/news/global-opinions/wp/2017/04/03/trump-is-making-a-huge-mistake-by-giving-vip-treatment-to-china/?utm_term=.bd922d0dfcb5

Hồng Thủy