Trung Quốc huấn luyện và sử dụng lực lượng tàu ngầm như thế nào?

13/06/2011 00:10
(GDVN) – Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc thường tiến hành huấn luyện tác chiến cách bờ biển khoảng 30 dặm để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng biển tranh chấp.

(GDVN) – Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc thường tiến hành huấn luyện tác chiến cách bờ biển khoảng 30 dặm.

Trung Quốc
Hải quân Trung Quốc thường hay tiến hành huấn luyện tác chiến
cách bờ biển khoảng 30 dặm.

Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc khi huấn luyện tác chiến và tham gia các chiến dịch độc lập trên biển thường xuất phát từ các căn cứ hải quân: Qingdao (Hạm đội Bắc Hải); Ninbo, Thượng Hải (Hạm đội Đông Hải); Zhanjiang (Hạm đội Nam Hải).

Các hoạt động quân sự trên biển này của Trung Quốc thường diễn ra trong phạm vi cách bờ biển của mình khoảng 30 dặm với mục đích tăng cường khả năng phòng vệ ven biển, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Cùng với tuyên bố đưa vào biên chế trang bị nhiều tàu ngầm diesel-điện thế hệ mới như: lớp Kilo (dự án 636EM, 877EKM); lớp Yuan, Sun (dự án 041, 039); lớp Han (dự án 091); lớp Shan (dự án 093), Trung Quốc cũng đồng thời tăng cường hoạt động của các tàu ngầm trên biển Nhật Bản, quần đảo Guam và đảo Đài Loan.

Theo nguồn thông tin từ báo chí nước ngoài, vào tháng 11/2004 đã phát hiện có sự hiện diện của tàu ngầm nguyên tử lớp Han gần quần đảo Guam của Mỹ, tiếp đó là ở gần lãnh hải của Nhật Bản (đảo Okinawa).

Trung Quốc
Trung Quốc thử tên lửa có khả năng "săn" tàu sân bay.

Tháng 10/2006 tàu ngầm diesel-điện lớp Sun của Trung Quốc bất ngờ nổi hẳn lên gần đảo Okinawa của Nhật Bản) chỉ cách tàu sân bay Kitty Hawk (một trong hai hàng không mẫu hạm hiện đại và mạnh nhất của Hải quân Mỹ hiện nay) 5 dặm. Hiện tàu sân bay USS Kitty Hawk đang nằm trong biên chế của cụm tàu sân bay tấn công thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.

Điều đáng chú ý là trước khi chiếc tàu ngầm này của Trung Quốc bất ngờ nổi hẳn lên mặt nước thì lực lượng phòng vệ chống tàu ngầm thuộc cụm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ lại không hề hay biết về hoạt động ngầm của nó dưới lòng đại dương. Chỉ đến khi Trung Quốc bất ngờ cho chiếc tàu này nổi hẳn lên mặt nước mới phát hiện ra.

Theo thông tin từ cơ quan tình báo hải quân Mỹ, trong 10 năm trở lại đây, tần suất hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc vẫn ở mức thấp, thậm chí trong một vài năm còn không hề hoạt động.

Từ năm 1981, tàu ngầm Trung Quốc trung bình chỉ ra khơi khoảng 2 lần/năm. Đặc biệt, vào các năm 1982, 1990, 1993 và 2005 thì gần như tàu ngầm Trung Quốc “án binh bất động”. Tuy nhiên, trong năm 2000 đã ghi nhận tần suất hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ngoài đại dương là 6 lần, 2004 – 1 lần và 2006 – 2 lần.

Một trong các căn cứ hải quân của quân đội Trung Quốc.
Một trong các căn cứ hải quân của quân Giải phóng nhân dân
Trung Quốc.

Các nhà tình báo Mỹ “chủ quan” cho rằng, tàu ngầm Trung Quốc hoạt động với tần suất thấp cũng đồng nghĩa với việc cường độ huấn luyện thấp, trình độ chuyên môn không cao, bảo dưỡng kỹ thuật và vũ khí trang bị còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác, thời gian gần đây, tần suất hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trên các vùng biển thuộc khu vực Thái Bình Dương ngày càng cao, khả năng “qua mắt” các phương tiện định vị thuỷ âm của Mỹ ngày càng và tinh vi.

Điều đó chứng tỏ, Trung Quốc đang ngấm ngầm mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang khu vực này, mở rộng vùng kiểm soát ra vùng biển quốc tế nhằm gia tăng ảnh hưởng.

Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nhấn mạnh, hiện nay, Trung Quốc đang muốn từ bỏ dần chiến lược phòng thủ ven biển để chuyển sang hoạt động tác chiến ở các khu vực biển nằm ngòai phạm vi kiểm soát của mình tính từ quần đảo Kuril cho tới khu vực phía Bắc Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và phần lớn lãnh hải của Indonesia, bao gồm cả Biển Đông.

Khả năng
Trung Quốc đang ra tăng các hoạt động quân sự trên Thái Bình
Dương.

Động thái này chứng tỏ, Trung Quốc đang từng bước thay đổi, thậm chí bỏ chiến lược "phòng ngự biển gần", chuyển sang phát triển theo hướng "hải quân viễn dương" hay “Chiến lược biển xanh”.

Thực tế hiện nay đòi hỏi Trung Quốc phải vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường sức mạnh quân sự, tập trung ưu tiên cho Hải quân và Không quân. Tuy nhiên, hướng tới một "chiến lược biển xanh" và xây dựng lực lượng "hải quân viễn dương" hiện vẫn là thách thức rất lớn đối với Trung Quốc, song với đà tăng trưởng kinh tế nhanh, cũng như vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng nâng cao sẽ là nền tảng để Trung Quốc đạt được mục tiêu này.

Trong thời gian tới, Trung Quốc dự định sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Thái Bình Dương, cụ thể là quanh khu vực Guam, Marian và Carolin. Điểm đáng chú ý nhất là, rất có thể trong thời gian tới Trung Quốc sẽ thành lập thêm một Hạm đội nữa để tăng cường hoạt động trên Thái Bình Dương phục vụ cho chiến lược lâu dài của Trung Quốc tại khu vực đang được coi trung tâm chiến lược của cả thế giới.

Việc Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động và tác chiến trên Thái Bình Dương có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong cán cân lực lượng chiến lược giữa các cường quốc ở khu vực này.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược biển cũng như chính sách đối ngoại của các quốc gia, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các cường quốc quan tâm tới nguồn lợi ích chiến lược và địa-chính trị ở khu vực giàu tiềm năng này.

{iarelatednews articleid='4455,4142,4372,4278,4243,4034,4036,3958,3961,3818'}

Hữu kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)