Trung Quốc sẽ tiếp thị tàu hộ vệ tên lửa 054A trên thị trường quốc tế

07/07/2012 06:18
Đông Bình (nguồn báo Thanh niên Tham khảo, Trung Q
(GDVN) - Trung Quốc đang có xu hướng xuất khẩu hàng trang bị quân sự có hàm lượng công nghệ tiên tiến hơn như tàu hộ vệ 054A.
Tàu hộ vệ kiểu mới 054A do Trung Quốc sản xuất.
Tàu hộ vệ kiểu mới 054A do Trung Quốc sản xuất.

Tờ “Thanh niên Tham khảo” Trung Quốc cho rằng, tàu hộ vệ 054A đã duy trì được ưu thế nhất quán về giá cả, đồng thời có hệ thống phóng thẳng phù hợp với trang bị tiên tiến theo tiêu chuẩn của phương Tây. Kế tiếp Pakistan, nó có triển vọng thu hút sự quan tâm của nhiều nước thế giới thứ ba hơn.

Tàu chiến hiện đại là một hệ thống vũ khí phức tạp, đã tập trung thể hiện trình độ công nghiệp quân sự của quốc gia, là sản phẩm giá trị gia tăng cao bị một số nước  độc quyền trên thị trường vũ khí quốc tế.

Những năm gần đây, với sự quan tâm của các nước thế giới thứ ba đối với tàu chiến cỡ vừa và nhỏ, ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đã có một bước đi khác thường, chào bán ra thị trường nước ngoài tàu hộ vệ 054A – trang bị chủ lực hiện nay của Hải quân Trung Quốc.

Những phương tiện truyền thông nước ngoài như “Kanwa Defense Review” cho rằng, động thái này cho thấy, Trung Quốc ngày càng coi xuất khẩu hàng hóa quân sự là một biện pháp thể hiện sức mạnh công nghệ quân sự và nâng cao vai trò ảnh hưởng quốc tế.

Dần dần chào bán hàng hóa quân sự cao cấp

Trước đây, nhiều vũ khí thông thường chào bán cho nước ngoài của Trung Quốc có hàm lượng công nghệ tương đối thấp như súng, pháo cối, hỏa tiễn/tên lửa, chủ yếu thu hút các khách hàng thế giới thứ ba nghèo khó bằng giá rẻ.

Nhưng những năm gần đây, cơ cấu hàng hóa quân sự xuất khẩu của Trung Quốc đã có sự thay đổi rõ rệt: Trước hết là phạm vi được mở rộng lớn, gồm xe tăng chủ chiến, pháo tầm xa, hệ thống phòng không tích hợp, tàu nổi cỡ vừa, tàu ngầm, máy bay chiến đấu đều nằm trong danh sách xuất khẩu.

Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất.
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất.

Thứ hai là hàm lượng công nghệ tăng dần, như Trung Quốc xuất khẩu cho Pakistan máy bay chiến đấu JF-17 (Kiêu Long, FC-1), xe tăng chủ chiến MBT-2000, xuất khẩu cho Kuwait pháo tự hành PLZ-45; trình độ công nghệ hoàn toàn có thể ngang hàng với hàng hóa quân sự cùng loại của phương Tây, xe tăng chủ chiến VT-4 lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm Lục quân châu Âu tháng 6/2012 cũng đã đạt trình độ hàng đầu.

Tờ “Kanwa Defense Review” cho rằng, tàu hộ vệ 054A tiên tiến nhất của Trung Quốc sở dĩ có thể đưa vào danh sách xuất khẩu, là do Trung Quốc thực hiện chính sách mới đối với xuất khẩu hàng hóa quân sự. Từ khi ra đời đến nay, tàu chiến này có tính năng tàng hình, hệ thống phóng thẳng tên lửa và hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần được quảng cáo là tiên tiến, thu hút sự chú ý.

Tờ báo cho rằng, đối với những nước cấp bách cải thiện khả năng phòng không trên biển, tàu hộ vệ 054A rất có sức hấp dẫn, nó không chỉ có thể đối phó với sự tấn công bão hòa của tên lửa chống hạm tiên tiến, mà còn giá rẻ tương tự các hàng hóa quân sự truyền thống của Trung Quốc, do đó nó có nhiều ưu thế khi cạnh tranh với tàu hộ vệ thế hệ mới của phương Tây.

Cách thức chế tạo kiểu “đặc sắc của Trung Quốc”

Tờ “Kanwa Defense Review” cho rằng, bề ngoài tàu 054A phiên bản xuất khẩu không có nhiều khác biệt lắm so với phiên bản sử dụng của Hải quân Trung Quốc, có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.800 tấn, lượng giãn nước đầy 4.200 tấn, tốc độ 18 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục là 4.000 hải lý.

Nhưng, do tàu 054A vẫn là tàu chiến chủ lực hiện nay của Quân đội Trung Quốc, khi xuất khẩu, phía Trung Quốc chắc chắn sẽ điều chỉnh thông số kỹ thuật đối với radar, thiết bị điện tử và hệ thống vũ khí trên tàu, nhằm chống rò rỉ ra bên ngoài.

Tàu hộ vệ 054A Ngọc Lâm, Hải quân Trung Quốc.
Tàu hộ vệ 054A Ngọc Lâm, Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, khác hàng nước ngoài cũng có thể yêu cầu đổi dùng thiết bị và vũ khí của phương Tây. Về tổng thể, tàu chiến 054A phiên bản xuất khẩu sẽ tuân theo nguyên tắc “giữ bí mật cái cốt lõi, phục vụ khách hàng”, trên cơ sở không để rò rỉ thiết bị và hệ thống vũ khí quan trọng, sẽ tiếp nhận đa dạng hệ thống phụ của các nước khác, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khác nhau.

Theo bài báo, tàu hộ vệ 054A phiên bản xuất khẩu không phải do hai nhà máy đóng tàu Thượng Hải, Quảng Châu của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSSC) (những đơn vị chế tạo ban đầu) tiến hành chế tạo, mà do nhà máy đóng tàu Đại Liên của Tập đoàn Công nghiệp nặng Tàu thủy Trung Quốc (CSIC) phụ trách.

Bài báo cho rằng, điều này không có gì ngạc nhiên, bởi vì tàu chiến mặt nước (tàu nổi) cỡ lớn và vừa của Trung Quốc đều do Trung tâm Nghiên cứu Thiết kế Tàu thủy Trung Quốc (trực thuộc CSIC) thiết kế, vì vậy CSIC có quyền chào bán tàu hộ vệ 054A ra nước ngoài.

Sự phân công này vừa sẽ không ảnh hưởng đến việc chế tạo tàu chiến cho Hải quân Trung Quốc, vừa có thể giúp cho nhiều nhà máy đóng tàu hơn chia sẻ lợi ích, là một cách thức mang “đặc sắc Trung Quốc”.

Hệ thống đóng tàu của Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn với phương Tây. Các doanh nghiệp phương Tây thường phụ trách công tác thiết kế và chế tạo toàn bộ tàu chiến quân dụng, các doanh nghiệp Trung Quốc lại căn cứ vào sự sắp đặt thống nhất của nhà nước, tiến hành thiết kế và chế tạo tàu chiến.

Tàu hộ vệ 054A tại Nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu, Trung Quốc.
Tàu hộ vệ 054A tại Nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu, Trung Quốc.

Đối với giới công nghiệp quân sự phương Tây coi trọng bản quyền sở hữu trí tuệ và do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đạo, thì cách làm của Trung Quốc thực sự “không bình thường”. Nhưng, lợi ích chủ yếu của nó ở chỗ, có thể tập trung sức mạnh thiết kế và chế tạo ra hàng hóa quân sự cần thiết trong thời gian tương đối ngắn.

Đặc biệt là trong tình trạng chiến tranh, hệ thống công nghiệp quân sự của Trung Quốc sẽ có ưu thế lớn hơn so với phương Tây, khả năng chế tạo một loại tàu chiến sẽ không bị tê liệt khi một nhà máy nào đó bị tấn công.

Trên thực tế, nước ngoài có khi cũng sẽ áp dụng cách làm tương tự Trung Quốc. Chẳng hạn, Nhật Bản kiên trì để 2 nhà máy đóng tàu trở lên đồng thời chế tạo cùng một loại tàu chiến quân dụng, tránh rủi ro “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”.

Có thể trang bị vũ khí của Âu-Mỹ

Tuần san “Tin tứ Quốc phòng” Mỹ từng có bài viết phân tích cho rằng, tàu 054A đã thực hiện tư tưởng thiết kế mô-đun hóa (modularity), việc đổi sang lắp đặt hệ thống vũ khí của phương Tây sẽ không khó khăn lắm, hơn nữa Trung Quốc sớm đã có kinh nghiệm chế tạo tàu hộ vệ cho Hải quân Thái Lan theo tiêu chuẩn của phương Tây, hoàn toàn không xa lạ với công việc thay đổi lắp đặt vũ khí.

Ngoài ra, là một loại tàu chiến đa chức năng, tàu 054A thu hút khách hàng ở hệ thống phóng thẳng tên lửa. Nhìn vào tấm biển tuyên truyền của tàu hộ vệ Vận Thành neo đậu tại Hồng Kông cho thấy, hệ thống phóng thẳng của tàu này đã thực hiện thiết kế “giá chung”, tức là có thể đồng thời phóng tên lửa hạm đối không và tên lửa chống tàu ngầm.

Trên thế giới, Mỹ cũng có hệ thống phóng thẳng tên lửa MK41 tương tự, nhưng Mỹ kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu hệ thống này, giá cả còn quá cao.

Hệ thống phóng thẳng tên lửa của tàu hộ vệ 054A Trung Quốc.
Hệ thống phóng thẳng tên lửa của tàu hộ vệ 054A Trung Quốc.

Do đó, có thể suy đoán, nếu khách hàng lựa chọn tàu 054A, hầu như chắc chắn sẽ chọn giữ lại hệ thống phóng thẳng của nó, tiến tới mua các loại tên lửa của Trung Quốc, vô hình trung đã mở rộng doanh số bán trang bị cho Trung Quốc.

Đương nhiên, khi cạnh tranh với tàu chiến phương Tây có công nghệ rất hoàn thiện, tàu hộ vệ 054A cũng không phải hoàn toàn không có điểm yếu. Tờ “Kanwa Defense Review” cho rằng, một khi khách hàng chấp nhận giá cả, vừa ý với tàu 054A, rất có thể yêu cầu nhập ngư lôi và máy bay trực thăng chống tàu ngầm của châu Âu và Mỹ, lý do là tính năng kỹ chiến thuật của chúng mạnh hơn và việc cung cấp linh kiện thuận tiện hơn.

Đồng thời, tàu hộ vệ 054A phiên bản xuất khẩu còn có thể trang bị thêm tua-bin khí có công suất lớn hơn, tính năng tăng tốc tốt hơn, trên nền tảng hệ thống động lực động cơ diesel đã có.

Hiện nay, đã có không ít khách hàng nước ngoài bày tỏ rất quan tâm đến tàu hộ vệ 054A, nhưng nước có khả năng mua sớm nhất vẫn là Pakistan. Hai năm trước có tin cho biết, Tham mưu trưởng Hải quân Pakistan khi đó, Thượng tướng Normand Bashir xác nhận là muốn nhập tàu hộ vệ 054A và hy vọng Trung Quốc tiến hành thiết kế lại một phần hệ thống phụ của tàu theo nhu cầu của Hải quân Pakistan.

Báo Trung Quốc cho rằng, những năm gần đây, Hải quân Pakistan đã mua một loạt trang bị tiên tiến của Trung Quốc, đã nâng cao sức mạnh tác chiến duyên hải. Nếu Hải quân Pakistan tiếp tục mua tàu hộ vệ 054A của Trung Quốc, sẽ làm cho khả năng tác chiến của họ từ duyên hải dần dần mở rộng ra biển xa, đặc biệt là khả năng phòng không trên biển sẽ được nâng cao.

Điều quan trọng hơn là, mua tàu hộ vệ 054A có thể giúp Hải quân Pakistan duy trì được tính chất tiếp diễn về trang bị, hình thành nhanh hơn sức chiến đấu và giảm gánh nặng bảo đảm hậu cần. Đối với Pakistan, nước dành cho chi tiêu quân sự không thoải mái lắm, nhưng lại cấp thiết muốn nâng cao khả năng tác chiến trên biển, thì mua tàu hộ vệ 054A là sự lựa chọn tốt nhất.

Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành, Hải quân Trung Quốc.
Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành, Hải quân Trung Quốc.
Tàu hộ vệ tên lửa 054A Hoàng Sơn, Hải quân Trung Quốc phóng tên lửa phòng không Hồng Kỳ (HQ).
Tàu hộ vệ tên lửa 054A Hoàng Sơn, Hải quân Trung Quốc phóng tên lửa phòng không Hồng Kỳ (HQ).
Tàu hộ vệ 054A của Hải quân Trung Quốc.
Tàu hộ vệ 054A của Hải quân Trung Quốc.
Đông Bình (nguồn báo Thanh niên Tham khảo, Trung Q