"Trung Quốc tiếp cận thị trường buộc các nước phải thỏa hiệp chính trị"

07/02/2015 08:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu chỉ thông qua việc mở rộng hoạt động quân sự trên Biển Đông như nhiều người dự đoán.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Vượng Báo Đài Loan ngày 6/2 cho biết, thương mại giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển bất chấp những nỗ lực cải tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Nicolas Jenny, một chuyên gia về rủi ro chính trị châu Âu và châu Á trong bài viết gửi tạp chí phân tích rủi ro toàn cầu Global Risk Insights có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông hiện đang làm việc cho một công ty tư nhân phát triển đô thị tại Hà Nội sau khi đã hoàn thành khóa học thạc sĩ tại đại học Sciences Po Paris và đại học Phúc Đán, Trung Quốc.

Các lực lượng nhà nước khác nhau của Trung Quốc đã đẩy mạnh thực thi yêu sách (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2014. Chưa bao giờ người ta thấy Bắc Kinh quyết tâm biến Biển Đông thành "ao nhà Trung Quốc" như bây giờ. Điều đó khiến các học giả về quan hệ quốc tế, các nhà báo tranh luận gay gắt về lý do đằng sau sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc ngày nay phải đối mặt với một môi trường khu vực tồi tệ nhất kể từ vụ Thiên An Môn: Quan hệ Trung - Nhật xuống thấp kỷ lục, quan hệ Trung Quốc - ASEAN cũng xuống cấp tương tự vì tranh chấp Biển Đông và Bắc Kinh thường sử dụng ảnh hưởng để chia rẽ ASEAN.

Mặc dù sự bất bình là có thật, nhưng theo Nicolas các nhà phân tích phần lớn đã bỏ qua các mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông. Nhiều người nghĩ rằng tâm lý hoài nghi, oán giận Bắc Kinh sẽ làm giảm bớt các mối quan hệ thương mại giữa các bên tranh chấp và Trung Quốc, nhưng điều ngược lại đã xảy ra.

Nicolas lấy ví dụ Việt Nam đã ghi nhận tăng 18,9% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2014 bất chấp những nỗ lực của người Việt mở rộng, đa dạng hóa các đối tác nhập khẩu của mình sau vụ Trung Quốc hạ đặt (trái phép) giàn khoan 981 (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam) năm 2014.

Philippines càng không xa lạ gì với những áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Manila cũng thông báo đã tăng 12,4% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2014. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines và lớn nhất của Việt Nam.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Trong khi các nước Đông Nam Á tiếp tục các nỗ lực bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình ở Biển Đông thì thống kê giao dịch thương mại đều thể hiện một mức "thâm hụt mạnh mẽ" có lợi cho Trung Quốc. Nicolas dẫn nguồn tờ Vietnamnews cho biết, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm 2014, trong khi thâm hụt thương mại của Philippines với Trung Quốc tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Ở đây câu hỏi hóc búa đặt ra cho tranh chấp Biển Đông, theo Nicolas là trong khi các quốc gia chống lại yêu sách đường chín đoạn (đường lưỡi bò) của Bắc Kinh, thì về kinh tế các nước này cần Trung Quốc hơn là Bắc Kinh cần họ. Cách tiếp cận thị trường của Trung Quốc đã từng buộc các công ty nước ngoài và chính phủ của họ phải thỏa hiệp về chính trị. Trong khi các công ty, chính phủ châu Âu phải thỏa hiệp với Bắc Kinh về các vấn đề như kiểm duyệt internet, thì các nước Đông Nam Á (có thể bị buộc phải) thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc sẽ sớm được thừa hưởng thành công của việc sử dụng sức mạnh kinh tế để đạt được mục đích chính trị, Bắc Kinh coi "hợp nhất Biển Đông" là lợi ích cốt lõi của họ. Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu chỉ thông qua việc mở rộng hoạt động quân sự trên Biển Đông như nhiều người dự đoán, mà lại nhờ vào sức mạnh kinh tế của mình. Thương mại được cho là công cụ chính sách đối ngoại được Trung Quốc sử dụng rộng rãi nhất và sự giàu có của Trung Quốc đang tăng lên, chính sách này sẽ còn tiếp tục.

Mặc dù nhiều người cho rằng hợp tác thương mại không thể là rào cản để ngăn chặn xung đột ở Biển Đông, thế giới toàn cầu hóa ngày nay hoàn toàn trái ngược với đầu thế kỷ 20. Ngay cả Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng phải thừa nhận rằng, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thể dẫn đến xung đột vì chẳng ai sẵn sàng hy sinh những dòng chảy thương mại lớn trong khu vực.

Vì vậy Nicolas cho rằng, bất chấp những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền và những va chạm bùng phát thường xuyên giữa các bên tranh chấp khác nhau, hòa bình sẽ không bị bấp bênh và sẽ thắng thế, bởi không quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc muốn hy sinh lợi ích thương mại của mình.

Hồng Thủy