Trung tướng Vincent Stewart. |
Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 4/2 đưa tin, với đà phát triển hiện đại hóa quy mô chưa từng có của quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc dự đoán Bắc Kinh sẽ tiến hành tuần tra răn đe hạt nhân lần đầu tiên trong năm nay, Trung tướng Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ nói trước Ủy ban Quân vụ trong buổi điều trần về đánh giá các mối đe dọa toàn cầu ngày hôm qua.
Trong năm 2014 Trung Quốc đã hai lần triển khai tàu ngầm tới Ấn Độ Dương. Các tàu ngầm trung Quốc có thể tiến hành tuần tra khu vực quen thuộc để tạo thành cơ sở cho việc triển khai sức mạnh quân sự ngày càng tăng của mình. Bắc Kinh cũng tiếp tục chế tạo các tàu ngầm lớp Tấn mang tên lửa đạn đạo hạt nhân và Biển Đông vẫn là một điểm nóng tiềm ẩn, Stewart nhấn mạnh.
Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông dẫn đến việc mở rộng quy mô các lực lượng thực thi pháp luật và hải quân đã làm tăng thêm căng thẳng, thúc đẩy hoạt động mua sắm quốc phòng, bao gồm cả tàu ngầm tại các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông.
Không quân Trung Quốc đang tiếp cận hiện đại hóa trên một quy mô chưa từng có trong lịch sử. Hiện tại Bắc Kinh đồng thời triển khai nghiên cứu chế tạo 2 loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 3 và thứ 4. J-20, một loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 3 của Trung Quốc đã bay thử nghiệm vào tháng 3, tháng 7 năm ngoái.
Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hiện nay bao gồm 50 đến 60 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, ngoài ra Bắc Kinh còn đang phát triển một hệ thống răn đe hạt nhân trên biển. Trung Quốc đang cố gắng tăng thêm số lượng tên lửa đạn đạo tầm ngắn triển khai nhằm vào đảo Đài Loan hiện có 1200 quả.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung bao gồm DF-16 để cải thiện khả năng tấn công các mục tiêu trong khu vực, đồng thời tiếp tục gia tăng thử nghiệm tên lửa đạn đạo DF-21D. Trung Quốc đang xây dựng một quân đội hiện đại có khả năng bảo vệ cái họ cho là lợi ích cốt lõi của mình, bao gồm bảo vệ hệ thống chính trị, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, phát triển kinh tế và xã hội bền vững, Stewart cho biết.