TS Lê Thẩm Dương: Chỉ là buổi trò chuyện, trao đổi như ngồi uống cafe

12/03/2012 12:32
Hải Sơn
(GDVN) - Đó là giải thích của TS Lê Thẩm Dương về việc giảng bài kèm theo những lời văng tục được coi là phi giáo dục trong video mới được đưa lên mạng...
Giảng kinh tế bằng chuyện... quan hệ vợ chồng?

Xung quanh các video Tiến sĩ Lê Thẩm Dương văng tục trên bục giảng trường đại học đang làm xôn xao dư luận mấy ngày qua và gây ra sự phản cảm trong phương pháp giảng dạy ở môi trường sư phạm. Trên đoạn video được tung lên mạng ghi lại nghe rất rõ buổi giảng về quản trị doanh nghiệp của TS. Lê Thẩm Dương. 
“Doanh nghiệp không vay nợ thì không gọi là ông giám đốc, nhà doanh nghiệp được mà gọi là “cái chòi” doanh nghiệp, thằng lều doanh nghiệp. Nhưng mày vay nhiều quá thì gọi là thằng Lã Bố, gọi là đòn bẩy tài chính bị giảm…” – trích trong video bài giảng của TS. Lê Thẩm Dương. 

>>Bấm vào đây để xem video Tiến sĩ Lê Thẩm Dương văng tục


TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)
TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)

Vị tiến sĩ này đang nói đến các doanh nghiệp bất động sản vay nợ đầm đìa thì ông chuyển sang câu chuyện chẳng đâu vào đâu là gái đẹp rất khó lấy chồng. Rồi ông ví von, liên tưởng ngạc nhiên đến chuyện của nhân vật xấu như Thị Nở (trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao - PV) không lấy được chồng cho nên cái nhà giẻ rách khó bán lắm. Cho nên tầm gái chung chung đắt hàng lắm.
Tiếp sau, ông TS này “chém gió” và buông ra liền miệng những câu nói lả lướt về người phụ nữ, quan hệ vợ chồng… trong khi đó đang giảng dạy về kinh tế?.
Chưa dừng lại ông TS. Dương tiếp tục “xoáy” vào tâm hồn của học trò là nam nữ, trai gái và hỏi đáp ngay tại lớp học. Ông nói: “Tâm hồn nó là đàn ông thì ra thằng đàn ông chứ còn đo với lọ nước mắm, đếm củ dưa hành không được. Rồi nói về người đàn ông có ham “chuyện ấy” không? Còn nói dối là quy vào cái tội lừa thầy, phản bạn”. 
Rồi đến câu hỏi trao đổi về sự hơn kém so sánh về độ “nhậy” của một người đàn ông và cá nhân vị tiến sỹ. Và đương nhiên học trò sẽ phải nịnh thầy là hơn và cả lớp học cười và vỗ tay tán thưởng…


Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh (ảnh Internet)
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh (ảnh Internet)

Chỉ là "buổi trò chuyện, trao đổi như ngồi uống cafe"?

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam ngay trong sáng 12/3 về vấn đề này, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhân một buổi cách đây khoảng 3 tuần tôi có nhận dạy cho một lớp quản trị của Ngân hàng Vietcombank xong thì bên Viện Quản trị Kinh doanh FSB (Trường ĐH FPT) có mời tôi sang trao đổi về quản trị thực hành cho những người đang làm trong ngành ngân hàng và một số doanh nghiệp địa điểm tại Hội trường của ĐHQG Hà Nội vào buổi tối. Tôi xin nhắc lại đây không phải là bài giảng mà là buổi trò chuyện, trao đổi như ngồi uống cafe với nhau thôi”. 
TS Dương cũng cho rằng: “Tôi nghĩ đây là buổi trao đổi thành công rực rỡ vì trong lớp không ai phản ứng gì cả. Tôi nói thêm, vì nó là buổi ngoại khóa và đoạn video quay công khai để các bạn làm tư liệu. Nhưng tôi nghĩ người này quay video rồi tung lên có ý đồ xấu để bắt lỗi và để hạ uy tín của tôi"

Còn nếu nói về chuyên môn tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nhưng đây là buổi giảng về quản trị thực hành nên khi đó tôi đã lấy những ví dụ minh chứng có hơi ấn tượng quá trớn. Nhưng các bạn có mặt buổi tối ngày hôm đó cũng không có ý kiến gì. Thậm chí, buổi trao đổi còn rất thành công vì ông Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh FSB còn mời tôi trở lại giảng hai ba buổi khác nữa nhưng tôi từ chối do bận nhiều việc quá”. 
Cũng theo TS. Dương, nếu nói về vấn đề này phải đặt trong bối cảnh cụ thể thì mới hiểu được còn chỉ nghe trên video đã bị cắt thành các đoạn nhỏ không liền mạch là do người tung lên mạng có ý bắt lỗi và làm giảm y tín cá nhân ông.

 “Vì đây không phải là bài giảng và nếu là bài giảng thì phải có giáo trình, giáo án hăn hoi chứ đấy chỉ là buổi, trò chuyện, trao đổi thôi. Còn nếu ở góc độ sư phạm tôi không bao giờ giảng như vậy cả vì không có giảng viên nào lại giảng thế trong buổi học chính khóa cả” – TS. Dương nhấn mạnh.
Hải Sơn