Từ thảm án con giết cha mẹ: "Nguyên nhân do giáo dục không chu đáo"

26/06/2012 11:51
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Tình trạng thiếu không gian để cho thanh thiếu niên hưởng thụ những giá trị văn hóa cùng với những yếu tố phản văn hóa trên mạng internet đã tác động trực tiếp tới thế hệ trẻ”.
Liên tiếp những thông tin về thủ phạm trong các vụ trọng án gần đây như vụ Lê Văn Luyện, vụ nổ mìn ở tiệm vàng Hoàng Tín (ở số 124 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, HN) hay mới đây nhất là vụ án mạng oan nghiệt con giết cha mẹ ở quận Hoàng Mai (HN) khiến nhiều người thực sự lo ngại về hiện tượng “tội phạm đang trẻ hóa”.

Đó phần lớn là những thanh niên bỏ học sớm, không được gia đình quan tâm, chăm sóc, đi làm sớm nhưng không có việc làm ổn định… Trước vấn đề như vậy, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: VGP/Lê Sơn)
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Ông Đỗ Mạnh Hùng nói: “Theo tôi đó là một hiện tượng xã hội rất đáng lo ngại. Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này chính là từ sự giáo dục không chu đáo của gia đình và các cơ sở giáo dục đối với những thanh niên đó. Người xưa đã có câu: “Nhân bất học bất tri lý”, khi không được giáo dục thì những thanh niên đó nhận thức các vấn đề kém. Từ đó có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các gia đình và xã hội. Trong đó, trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ là phải quan tâm nhiều hơn tới con em mình. Trách nhiệm của xã hội là phải quan tâm hơn đến những thành viên trẻ tuổi này”.

Trước ý kiến cho rằng chúng ta đang thiếu những sân chơi cho giới trẻ để rồi họ phải tìm đến những sân chơi ảo trên mạng – nơi dễ tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực thiếu tính giáo dục, ông Đỗ Mạnh Hùng nói: “Tình trạng thiếu không gian để cho thanh thiếu niên hưởng thụ những giá trị văn hóa cùng với những yếu tố phản văn hóa trên mạng internet đã tác động trực tiếp tới thế hệ trẻ”.

Tuy nhiên, theo tôi, đã có lúc chúng ta trải qua những giai đoạn lịch sử hết sức khó khăn, thiếu thốn vật chất nhưng thanh thiếu niên của chúng ta vẫn được đảm bảo một không gian văn hóa phù hợp. Khi đó hệ thống phương tiện thông tin đại chúng còn chưa phát triển thì kênh giao tiếp chủ yếu của thanh thiếu niên là thông qua sách vở.

Tình hình thanh niên phạm tội do bỏ học sớm, không công ăn việc làm ổn định... khiến nhiều người thực sự lo lắng
Tình hình thanh niên phạm tội do bỏ học sớm, không công ăn việc làm ổn định... khiến nhiều người thực sự lo lắng

Bây giờ điều kiện cơ sở vật chất khá hơn nhưng cách thức quản lý và khai thác hướng tác động đến giới trẻ như thế nào thì cũng là vấn đề đối với công tác thiết kế tổ chức của các cấp quản lý dưới cả góc độ quản lý nhà nước lẫn các đoàn thể xã hội… Nếu chúng ta biết cách quan tâm thì vẫn thu hút được thanh thiếu niên vào những hoạt động bổ ích và lành mạnh, từ đó sẽ giảm tiêu cực, tác động xấu”, ông Hùng nói.

Trước vấn đề một số không ít thanh niên bỏ học sớm, không có công ăn việc làm ổn định để rồi rơi vào hoàn cảnh khó khăn và dễ nảy sinh những hoạt động phạm pháp, ông Hùng cho biết: “Thực tế, công tác hướng nghiệp, dạy nghề của nước ta cũng rất được quan tâm. Tại các huyện đều có các trung tâm hướng nghiệp. Thêm nữa, chúng ta đang có một đề án dạy nghề cho nông dân với số tiền lớn được đầu tư.

Nhưng vấn đề là chúng ta dạy nghề gì và trả lời câu hỏi thực tiễn: nghề đó có được thị trường lao động chấp nhận hay không. Ở nông thôn, nếu chúng ta cứ dạy những nghề như sửa chữa điện tử hay cơ khí thì lại không phù hợp với thị trường lao động ở đó. Chúng ta phải dạy những nghề đơn giản, những kỹ năng để thanh niên có thể phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng”.

Ông Hùng cho rằng: “Không chỉ chú ý đến công tác hướng nghiệp, chúng ta còn phải tăng cường sự phối kết hợp giữa các ban ngành đoàn thể bởi vì nguyên tắc giáo dục là phải kết hợp 3 môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội. Nếu chỉ có giải pháp đơn thuần từ ngành giáo dục hay văn hóa thì cũng không tạo ra được sức mạnh tổng hợp và sự kết hợp đó phải được điều hành dưới vai trò của UBND các cấp thì mới mong giải quyết tận gốc hiện tượng xã hội này”. 

Điểm nóng

“Gái gọi sinh viên” Hà Thành ế ẩm mùa Euro

Chuyện cảm động ghi trên đường của vị sư đi một bước, lạy một cái

Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá cước vận tải

Hồng Chính Quang