Từ Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đến Vệ quốc đoàn

22/12/2019 07:44
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) -Giữa tháng 9/1945, Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn - Quân đội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Từ ngày 15-20/4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, do Tổng bí thư Trường Chinh chủ trì. 

Hội nghị quyết định phát triển chiến tranh du kích, chuẩn bị phát động tổng khởi nghĩa, thống nhất Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân. 

Hội nghị còn quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác như mở Trường Quân chính kháng Nhật, thành lập bảy chiến khu trong cả nước, thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ...

Hội nghị còn vạch ra tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến của Việt Nam Giải phóng quân trong tình hình trước mắt. 

Đó là "dùng chiến thuật đánh úp quân địch bằng những trận nhỏ, nắm chắc phần thắng để giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng ta", "nếu địch bao vây căn cứ địa thì phải dùng chiến thuật "dĩ công vi thủ" mà đối phó".

Thực hiện nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ và chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 15/5/1945, tại làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các đơn vị Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân.

Sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam
Sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam

Lực lượng ban đầu gồm 13 đại đội chủ lực được tổ chức thống nhất từ tiểu đội, trung đội đến đại đội. Mỗi tiểu đội 12 người, 3 tiểu đội thành một trung đội, 3 trung đội thành một đại đội. 

Bộ Tư lệnh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân gồm: Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn.

Trong xây dựng Việt Nam Giải phóng quân, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị luôn tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện tinh thần cách mạng cho bộ đội và bồi dưỡng những đồng chí trung kiên để kết nạp vào Đảng, tiến tới thành lập chi bộ ở các đơn vị cơ sở. Từ trung đội trở lên đều có chính trị viên, đại đội có ban chính trị đại đội.

Trong công tác và chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ thực hiện đoàn kết nội bộ gắn bó như anh em ruột thịt. Công tác dân vận và công tác địch vận được coi là nội dung quan trọng của công tác chính trị.

Việt Nam Giải phóng quân hoàn toàn nhờ dân, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân về lương thực và mọi thứ sinh hoạt khác.

Việt Nam Giải phóng quân tổ chức một số lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày. Nội dung huấn luyện gồm những động tác cơ bản về đội ngũ, kỹ thuật chiến đấu và cách đánh du kích. 

Cuối tháng 5/1945, Trường Quân chính kháng Nhật được thành lập, đào tạo cấp tốc cán bộ trung đội trưởng và chính trị viên trung đội, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, công tác và phát triển lực lượng của Giải phóng quân.

Giữa tháng 5/1945, phát xít Nhật huy động 2.000 quân chia làm ba mũi tiến vào khu căn cứ ở vùng sông Lô và đường số 3, nhằm tiêu diệt Giải phóng quân và cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 

Các đơn vị Giải phóng quân phối hợp với lực lượng du kích, tự vệ ở các địa phương triển khai lực lượng sẵn sàng đánh địch trên các hướng. 

Cả ba mũi tiến công của quân Nhật đều bị Việt Nam Giải phóng quân cùng du kích và tự vệ đánh bại, căn cứ địa cách mạng được bảo vệ vững chắc.

Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ 6 tỉnh Việt Bắc để bàn việc lập Khu giải phóng. 

Tại Hội nghị, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị công nhận tên "Việt Nam Giải phóng quân" cho toàn thể bộ đội trong nước, đồng thời ra chỉ thị thành lập Khu giải phóng, gồm các châu, huyện vùng giải phóng sáu tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Hà Giang - Tuyên Quang và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên (hơn bốn vạn ki-lô-mét vuông, với hơn một triệu dân). Vùng Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) là trung tâm của Khu giải phóng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số phiên họp Chính phủ tại chiến khu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số phiên họp Chính phủ tại chiến khu

Về mặt quân sự, Khu giải phóng trở thành hậu phương vững chắc cho Giải phóng quân xây dựng và phát triển lực lượng.

Tháng 6/1945, các đơn vị Giải phóng quân phối hợp với nhân dân và du kích địa phương đánh phỉ ở Háng Thánh, châu Hà Quảng (Cao Bằng) và tiêu diệt bọn phỉ đầu sỏ ở vùng phía tây và đông tỉnh Bắc Giang.

Ngày 8/6/1945, thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo (tức chiến khu Đông Triều, hay Đệ tứ chiến khu). 

Đội du kích chống Nhật của chiến khu ra đời do các đồng chí Nguyễn Bình, Hải Thanh, Trần Cung chỉ huy. Từ Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch (Hải Dương) địa bàn chiến khu nhanh chóng phát triển ra vùng Kinh Môn, Thanh Hà, Thủy Nguyên, Uông Bí và một phần Kim Thành; tiếp đó là Quảng Yên, Kiến An, Đồ Sơn, Hòn Gai, trong đó Đông Triều, Chí Linh là trung tâm của chiến khu.

Ngày 16/7/1945, một đơn vị Giải phóng quân (mang tên Phạm Hồng Thái) phối hợp với du kích tỉnh Vĩnh Yên tiến công đồn Tam Đảo. 

Đồn này nằm trên đỉnh núi cao, có 20 lính Nhật và 70 lính khố xanh, do 1 quan tư và 1 quan hai Nhật chỉ huy trấn giữ.

Sau hai giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch, giải thoát cho hơn 100 tù nhân (của ta và của Pháp), thu nhiều vũ khí, giải phóng thị trấn Tam Đảo

Ngày 20/7/1945, lực lượng vũ trang chiến khu Đông Triều cùng nhân dân đánh chiếm thị xã Quảng Yên phá nhà lao, thả tù chính trị, tiếp đó làm chủ huyện lỵ Yên Hưng, thu 500 khẩu súng và rút về chiến khu, bảo toàn lực lượng.

Sau chiến thắng Tam Đảo, các đơn vị Giải phóng quân tiến đánh địch giải phóng châu Lục Yên (Yên Bái), rồi hạ đồn Bố Hạ (Yên Thế), Mẹt (Hữu Lũng), sau đó tiến sát thị xã Bắc Giang. 

Phát huy thắng lợi, một đơn vị tiến về Đoan Hùng (Phú Thọ) thực hiện vũ trang tuyên truyền theo hướng Hưng Hóa, Bất Bạt (Sơn Tây), một đơn vị khác tiến qua Lục Ngạn (Bắc Giang), sang chiến khu Trần Hưng Đạo, hoạt động ở Đông Triều, Cẩm Phả, Hồng Gai (Quảng Ninh); đồng thời cử một số cán bộ Giải phóng quân đến các tỉnh Hà Đông, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, liên lạc với các đơn vị vũ trang ở chiến khu Quang Trung phối hợp chiến đấu.

Trước tình thế cách mạng đã chín muồi, từ ngày 13-15/8/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. 

Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa và phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; thông qua mười chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. 

Giá trị của hòa bình, của tự do và độc lập là không thể phủ nhận
Giá trị của hòa bình, của tự do và độc lập là không thể phủ nhận

Ngay trong ngày 16/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân và dân cả nước "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa".

Ngay trong ngày 16/8/1945, từ Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân chia thành hai bộ phận, tiến đánh tỉnh lỵ Tuyên Quang và Thái Nguyên. 

Ngày 17, tiến công trại lính Nhật (hơn một tiểu đoàn) ở thị xã Tuyên Quang. 

Ngày 20-25/8 bao vây tiến công các vị trí quân Nhật ở Thái Nguyên, kêu gọi chúng đầu hàng.

Trong khi Giải phóng quân đang tiến đánh địch ở thị xã Thái Nguyên, thì ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đã tiến hành khởi nghĩa giành thắng lợi. 

Theo lệnh của Chính phủ lâm thời, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ Giải phóng quân về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, chỉ để một bộ phận lực lượng ở lại cùng với tự vệ và du kích Thái Nguyên, dưới sự chỉ huy của đồng chí Đàm Quang Trung tiếp tục bao vây quân Nhật. 

Đến ngày 20/8, quân Nhật ở Thái Nguyên buộc phải nhận những điều kiện do ta nêu ra, trao toàn bộ vũ khí cho Giải phóng quân.

Cùng thời gian đơn vị chủ lực Giải phóng quân tiến đánh thị xã Thái Nguyên, các đơn vị Giải phóng quân khác cũng được lệnh cùng với tự vệ và nhân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam nổi dậy chiếm đồn bốt Nhật, trại bảo an... giải phóng các châu lỵ, thị xã, thành phố trong phạm vi cả nước.

Ngày 23/8/1945 khởi nghĩa giành thắng lợi ở Huế và ngày 25/8 ở Sài Gòn. Ngày 28/8/1945, khởi nghĩa giành thắng lợi trên cả nước. Việt Nam Giải phóng quân phát triển nhanh chóng trong quá trình tổng khởi nghĩa.

Ngày 23/8, Chi đội 3 Giải phóng quân từ Thái Nguyên tiến về Hà Nội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Giải phóng quân, tự vệ và đồng bào diễu hành biểu dương lực lượng, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị và giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn Thái thành lập Bộ Tổng Tham mưu: cơ quan tham mưu cơ mật của Đoàn thể, cơ quan đầu não của quân đội, có nhiệm vụ:

"Tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng".

Giữa tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn - Quân đội của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Một đơn vị giải phóng quân làm lễ xuất phát từ cây đa Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên (16/8/1945). Ảnh: hochiminh.vn
Một đơn vị giải phóng quân làm lễ xuất phát từ cây đa Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên (16/8/1945). Ảnh: hochiminh.vn

Được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân rồi Việt Nam Giải phóng quân - quân chủ lực của của Khu giải phóng Việt Bắc (sau này là của cả nước) sớm trở thành lực lượng nòng cốt trong chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. 

Khi thời cơ đến, các đơn vị Giải phóng quân cùng tự vệ chiến đấu, du kích cùng quần chúng nhân dân tiến đánh một số thị trấn, thị xã và những vị trí quan trọng, góp phần cùng toàn dân giành chính quyền thắng lợi trên cả nước.

Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam Giải phóng quân được mang tên Vệ quốc đoàn. Đúng như lời dạy và cũng là dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tháng 12/1944:

"... Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam".

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam (Biên niên sự kiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2002.

- Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY