Từ vùng dịch đến… chợ gia cầm

12/03/2012 09:31
Ở Thủ đô Hà Nội, ngay nơi vừa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, chuyện phòng chống dịch dường như rất… xa lạ.

Cúm gia cầm đã làm 4 người mắc bệnh, trong đó 2 người đã chết. Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, dù thế, công tác phòng dịch vẫn không là mối bận tâm của người chăn nuôi, buôn bán gia cầm.
Từ vùng dịch đến… chợ gia cầm ảnh 1

Số lượng vịt được nuôi ở Phượng Dực còn rất lớn. Ảnh: L.M


Nuôi vịt trên bãi rác

Ngày 9/3, chúng tôi có mặt tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, đây chính là địa điểm phát hiện ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên tại Hà Nội trong năm 2012. Theo chính quyền xã, vào cuối tháng 2, dịch cúm gia cầm xuất hiện tại 2 hộ dân ở thôn Đồng Tiến (xã Phượng Dực), khoảng 2.600 con vịt đã bị tiêu hủy. Vụ vịt chết đã qua 20 ngày nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, nơi đây như chưa hề có dịch: UBND xã đóng cửa, không chốt kiểm dịch, việc chăn nuôi vịt của người dân vẫn diễn ra bình thường, có hộ còn mua thêm vịt giống về nuôi.
Còn 9 tỉnh có dịch cúm gia cầm
Thông tin từ Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 11/3, còn 9 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày (Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định và Quảng Ninh).

Thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 30 xã, phường của 23 huyện, quận thuộc 12 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là hơn 35 nghìn con, trong đó gần 5 nghìn con gà và khoảng 30 nghìn con vịt.
Khi chúng tôi hỏi một người đàn ông đang đứng tại địa điểm phát hiện ổ dịch về tình hình dịch bệnh, ông nói: “Không biết”. Sau đó ông ta mới thành thật rằng chỉ có 2 hộ có vịt chết thì đã chôn hết, các hộ còn lại trong thôn đa số đã bán hết vịt. “Cũng may từ hôm đó đến nay không có thêm nhà nào có vịt chết, chứ không lại trắng tay”, ông này thở dài.

Theo quan sát của chúng tôi, dấu vết còn lại về ổ dịch đã bùng phát là những cái ao (nơi có đàn vịt mắc bệnh), thửa đất (nơi tiêu hủy) được rắc vôi bột trắng xóa. Vài cửa hàng có treo biển “Tiết canh” tại đường liên huyện và liên xã cũng đóng cửa.
Tuy nhiên trên những con đường này, việc vận chuyển gia cầm diễn ra công khai và số lượng vịt đang được nuôi tại thôn Đồng Tiến và các thôn khác của xã Phượng Dực là khá nhiều. Và không biết người dân tận dụng diện tích chăn thả hay tận dụng thức ăn thừa mà có đàn vịt được nuôi tại bãi rác thải sinh hoạt.
Từ vùng dịch đến… chợ gia cầm ảnh 2

Chợ gia cầm “chui”.

Từ vùng dịch đến… chợ gia cầm ảnh 3

Gia cầm được tập kết lên đường cao tốc chờ về Thủ đô.


Chợ gia cầm “chui”

Chỉ cách ổ dịch cúm gia cầm Phương Dực khoảng 4km là đầu mối buôn bán gia cầm lớn nhất miền Bắc – Chợ gia cầm Hà Vĩ, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín. Chúng tôi tới chợ trưa 10/3, không phải giờ cao điểm nhưng người mua, kẻ bán vẫn hối hả vào ra. Tại 2 cổng chợ có bảo vệ đứng trông, nhưng họ chỉ làm duy nhất một việc là chìa tay thu 3.000 đồng/xe máy vào cổng không cần ghi vé. Chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi quan sát thấy cả chục chiếc xe máy chở đầy gà, vịt ra, vào cổng mà không có bất cứ sự kiểm dịch nào của lực lượng thú y.

Theo một người bán gia cầm trong chợ, cao điểm buôn bán của chợ Hà Vĩ vào khoảng 3 - 7h sáng, khi đó có hàng chục tấn gia cầm được xuất đi các tỉnh thành khắp miền Bắc. Thời gian còn lại trong ngày chủ yếu là người buôn bán nhỏ lẻ đến lấy hàng và các đầu mối gom hàng từ nhiều nơi mang về chợ để chuẩn bị cho phiên xuất hàng lúc rạng sáng hôm sau. Khi chúng tôi hỏi về việc kiểm dịch, một tiểu thương cười và nói: “Tôi chỉ thấy người ta lo không có thịt lợn, thịt gà để ăn chứ chả mấy ai lo gà có dịch”. Tuy nhiên chị cũng cho biết do việc buôn bán lớn chủ yếu về đêm nên việc kiểm dịch cũng chỉ tập trung thời điểm đó. “Gà không kiểm dịch, ốm hay chết bán đầy ở cầu chui kia kìa”, chị nói và chỉ tay về phía đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Theo chỉ dẫn của chị, chúng tôi thấy chợ gia cầm “chui” chỉ cách chợ gia cầm Hà Vĩ mấy trăm mét. Chợ này họp ngay trong và ngoài hầm chui dân sinh (phía trên là đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ), nếu đi từ quốc lộ 1 (cũ) thì qua chợ chui này mới tới chợ Hà Vĩ. Khi chúng tôi hỏi mua gà và tỏ ý nghi ngại vì không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, người bán hàng cau có đáp: “Ở đây và trong kia (trong chợ Hà Vĩ - PV) chẳng khác gì nhau, gà của tôi toàn bán cho nhà hàng đấy!?”. Chưa kịp hỏi thêm, người bán hàng đã bê lồng gà chuyển lên đường cao tốc, lại thêm nhiều lồng gà của những người khác được chuyển lên. Thấy chúng tôi vẫn chưa đi, người bán hàng tỏ vẻ đắc ý: “Thấy chưa, gà lên Hà Nội đấy”.
Nghiêm túc phòng chống dịch

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, ngày 6/3 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu các cơ quan liên quan của thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ NN&PTNT về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Theo Chỉ thị của Bộ NN&PTNT, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương phải tập trung mọi lực lượng, phương tiện và thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm nhanh chóng dập tắt dịch, không để dịch lây lan rộng. Tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm, khi có dịch bệnh xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm và tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch…
Lê Minh/GĐ&XH

Điểm nóng:
Trước khi thành đại gia, bà Diệu Hiền từng làm những gì?

Thai phụ vỡ bụng, sẩy thai dưới bánh xe ben

Tăng viện phí: BV lo bị... bùng tiền Vợ đến viện sinh con, chồng suýt chết vì bị trộm chó bắn gục

Hài cốt cô dâu bị chồng Hàn sát hại đã về đến quê

Gần 100 cảnh sát PCCC và quân đội dập lửa tại chân cầu Vĩnh Tuy
Nghệ An: Hai anh em ruột bị xe tải cán thương vong khi băng qua ngã tư  "Cô dâu bị hủy hôn" sẽ đi học trở lại