Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh khẳng định độc lập và tự lực tự cường dân tộc

02/09/2018 06:42
Nguyễn Văn Khánh
(GDVN) - Đã 73 năm, những tư tưởng độc lập dân tộc, tư tưởng tự lực tự cường của Bác vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng - Nhà nước và Nhân dân ta.

Suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đương đầu với không biết bao nhiêu cuộc xâm lăng của các kẻ thù.

Dù nguyên nhân khác nhau nhưng mục đích chung của bọn chúng vẫn không thời nào thay đổi là thôn tính nước ta, muốn nước ta trở thành châu, quận, muốn nước ta trở thành thuộc địa của chúng.

Song, dù khó khăn, gian khổ như thế nào thì khát vọng ngàn đời của cha ông ta và bây giờ vẫn luôn giữ vững nền độc lập dân tộc.

Quyền lợi dân tộc, đất nước vẫn luôn được đặt lên hàng đầu, cho dù “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự khẳng định nền độc lập dân tộc được thể hiện rõ trong Nam quốc sơn hà, tương truyền của Lí Thường Kiệt, trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Tư tưởng ấy luôn được kế thừa từ thế hệ này cho đến thế hệ khác.

Để rồi, qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, một lần nữa lại được Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 trước Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: tư liệu.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: tư liệu.

So với 2 bản tuyên ngôn trước đây, bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh mang một sắc màu hoàn toàn mới.

Bởi 2 bản tuyên ngôn trước đây, dân ta đang sống trong nhà nước quân chủ chuyên chế, còn Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh thì chúng ta đã bước sang một trang mới của dân tộc là nhà nước Dân chủ cộng hòa.

Chúng ta đã xóa bỏ được giai cấp phong kiến, chúng ta đã đánh đuổi được những kẻ xâm lăng hùng mạnh trên thế giới lúc bấy giờ để xây dựng một nhà nước Dân chủ pháp quyền.

Chính vì vậy, nội dung, tư tưởng trong Tuyên ngôn độc lập cũng hoàn toàn mới và khác so với 2 bản Tuyên ngôn trước đây.

Mở đầu Bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh - Người đại diện cho nhà nước mới đã phát ra những lời thống thiết bằng một cách xưng hô rất gần gũi và hoàn toàn khác với cách xưng hô trước đó của những người đứng đầu đất nước: “Hỡi đồng bào cả nước”.

Câu nói ấy vừa trang trọng mà gần gũi, thân thương vô cùng, nó như một lời hiệu triệu đến tâm can người Việt Nam đang có mặt trên quảng trường Ba Đình lúc bấy giờ.

Hồ Chí Minh không mở đầu bản Tuyên ngôn bằng chiến thắng của cách mạng tháng Tám vừa thành công, mà lại trích dẫn lời của các các bản Tuyên ngôn độc lập của Pháp, của Mỹ.

Những bản Tuyên ngôn độc lập đó đều khẳng định quyền tự do, bình đẳng của mỗi con người, mỗi dân tộc:

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”… “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh khẳng định độc lập và tự lực tự cường dân tộc ảnh 2Tư tưởng khai sáng của Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945

Để rồi Hồ Chí Minh đi đến khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Rõ ràng, cách đặt vấn đề của Bác thật cao tay mà khiến cho kẻ thù - những kẻ xâm lăng đuối lý.

Tại sao Tuyên ngôn của đất nước các ông như vậy mà các ông lại đem quân sang xâm lước nước chúng tôi, chà đạp lên luân lý, lên những điều mà các ông đã nói với dân tộc các ông?

Để minh chứng cho những tội ác, dã tâm của nhà nước bảo hộ Pháp, Hồ Chí Minh đã đưa ra những dẫn chứng vô cùng xác thực:

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”. Những “thành quả” mà nhà nước Pháp dành cho dân tộc Việt Nam trong suốt hơn 80 năm qua là như thế đó!

Chúng ta biết rằng, kể từ năm 1858, tiếng súng xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp nổ ra ở Đà Nẵng để bắt đầu thôn tính nước ta cho đến mùa thu năm 1945 thì chúng đã gây ra biết bao nhiêu tang tóc cho dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh khẳng định độc lập và tự lực tự cường dân tộc ảnh 3Ngày Quốc khánh nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những chém giết, bắt bớ, đọa đày những người yêu nước, những người mắc vào “tội yêu nước” xảy ra thường xuyên và khắp nơi trên đất nước.

Chúng đã đưa hàng vạn trai tráng của dân tộc ta “nướng” vào các cuộc chiến ở trời Âu mà chúng tham gia.

Những điều này đã được Hồ Chí Minh phản ánh rất rõ ở tác phẩm Thuế máu trong những năm đầu thế kỷ XX.

Chính sách ngu dân, mở “nhà tù nhiều hơn trường học” đã kìm hãm sự phát triển của dân tộc, chúng chỉ đào tạo ra những người để phục vụ cho mục đích cai trị của chúng.

Dân tộc lầm than, mất độc lập, quyền con người bị coi như cỏ rác. Tội ác của chúng gây ra không bút nào tả xiết.

Điều trớ trêu là chúng rao giảng về chính sách bảo hộ, là nước “mẫu quốc” nhưng chúng đã bỏ chạy khi quân Nhật nhảy vào nước ta.

Chính vì vậy, bản Tuyên ngôn độc lập của Bác đã chỉ thẳng vào dã tâm của nhà nước “bảo hộ” Pháp:

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh khẳng định độc lập và tự lực tự cường dân tộc ảnh 4Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

Những lời lẽ của trong bản Tuyên ngôn cho ta thấy rằng tư tưởng “tự lực tự cường” của dân tộc đã được Bác thể hiện rất rõ.

Không có ai có thể giúp được dân tộc mình mà chỉ có dân tộc mình tự bảo vệ, tự quyết cho dân tộc mình.

Quyền lợi dân tộc là tối thượng bởi những lời hoa mĩ của Pháp trước đây cũng chỉ là một trò lố để che đậy đi bản chất xâm lược và đánh lừa một bộ phận người dân tin vào những bịp bợm của chúng.

Chính từ thực tế đó mà dân tộc Việt Nam đứng lên giành chính quyền từ tay người Nhật và bắt tay vào bảo vệ, xây dựng nhà nước mới bởi những người “bảo hộ” - những người đứng đầu nhà nước phong kiến đã không đứng về nhân dân, không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của nhân dân Việt Nam:

“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Từ đây, người Việt Nam, nhân dân Việt Nam tự quyết định sứ mệnh cho dân tộc Việt Nam.

Cuối bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh thay mặt cho dân tộc Việt Nam khẳng định trước quốc dân và toàn thể thế giới rằng:

Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”…

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Và, nền độc lập của đất nước chúng ta đã bắt đầu từ đây.

Kể từ mùa thu độc lập đầu tiên ấy đến nay đã 73 năm, những tư tưởng độc lập dân tộc, tư tưởng tự lực tự cường của Bác vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng - Nhà nước và Nhân dân ta.

Chính những tư tưởng trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đã dẫn đường cho mọi thắng lợi của dân tộc ta đến tận bây giờ và mãi mãi về sau.

Nguyễn Văn Khánh