Vaclav Havel, nhà lãnh đạo "cách mạng Nhung" qua đời

19/12/2011 07:22
Nguyễn Hường (theo Reuters)
(GDVN) - Vaclav Havel, nhà lãnh đạo của cuộc "cách mạng Nhung" tại Cộng hòa Séc đã qua đời ở tuổi 75 vào ngày 18/12.
Tình trạng sức khỏe của Havel đã suy yếu kể từ sau khi ông trải qua một số ca phẫu thuật chống lại bệnh ung thư phổi và ruột kể từ cuối những năm 1990.

Ông Havel được vợ là Dagmara và một nữ tu chăm sóc trong những năm tháng cuối đời tại căn nhà của họ ở phía bắc thành phố Prague.
Vaclav Have
Vaclav Have
Havel là Tổng thống Tiệp Khắc cuối cùng và tổng thống Séc đầu tiên. Nhưng ông cũng được biết tới rất nhiều trên cương vị là một nhà văn và nhà viết kịch người Séc.

Havel sinh tại Praha ngày 5 tháng 10 năm 1936 trong một gia đình trí thức tư sản nổi tiếng của Tiệp Khắc.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vì lý do lý lịch nên việc học của ông gặp trắc trở. Ông phải tự học và trở thành một nhà văn, nhà viết kịch. Năm 1968, ông bị cấm viết kịch và bắt đầu hoạt động chính trị.Ông phải ngồi tù 5 năm vì là người đề xướng tuyên ngôn Hiến chương 77.

Vaclav Have là lãnh tụ của cuộc Cách mạng Nhung (Tiệp Khắc) năm 1989. "Chân lý và tình yêu sẽ vượt qua những lời dối trá và hận thù" là câu nói nổi tiếng nhất của Havel và được người Séc ghi nhớ nhất trong những ngày diễn ra cuộc Cách mạng Nhung.

Havel cũng là người đứng đầu Diễn đàn dân sự (Civic Forum), tổ chức chính trị đã giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử tự do đầu tiên sau chế độ cộng sản.

Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ, sau đó được bầu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc.

Ông đã đoạt Giải Olof Palme năm 1989, Giải Hòa bình của ngành kinh doanh sách Đức năm 1989, Giải Ý thức toàn cầu năm 1996. Về sự nghiệp văn học, ông đã đoạt Giải Franz Kafka năm 2010.
Nguyễn Hường (theo Reuters)