Vận hành cao tốc hiện đại nhất Việt Nam

08/02/2015 15:33
Thế Phú
(GDVN) - Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng đã đề nghị Bộ GTVT, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng GT.

Sáng ngày 8/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và nhiều lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương, TP.HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đến dự cắt  băng khánh thành, thông xe tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Chính thức khởi công vào tháng 10/2009, tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nối TP.HCM với QL51 của huyện Long Thành (Đồng Nai), QL1, đi qua các địa phận Q.2, Q.9 của TP.HCM, huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất của tỉnh Đồng Nai, có tổng chiều dài là 55km và tổng mức vốn đầu tư là gần 1 tỷ USD.

Với vận tốc thiết kế đạt từ 80 – 120km/h, khi đi vào hoạt động, tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian từ TP.HCM đi ngã 3 Dầu Giây hiện chỉ còn khoảng 50km với thời gian là 1 tiếng, so với 3 tiếng trước kia, đi huyện Long Thành (Đồng Nai) chỉ mất khoảng 20 phút so với 1 tiếng trước kia, đi Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ mất khoảng 1 tiếng 20 phút với khoảng cách là 95km so với 120km trước kia…

Đại diện lãnh đạo của Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, ngoài việc rút ngắn khoảng cách thì tuyến đường cao tốc này cũng sẽ làm giảm khoảng 20 – 30% chi phí vận tải so với hiện tại.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Đây là một tuyến đường cao tốc có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư cao, được hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá là tuyến đường cao tốc đạt chất lượng cao nhất, tốt nhất từ trước tới nay.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cuộc sống thiết yếu hàng ngày của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa với đồng chí, đồng đội đã hy sinh, ngã trên mảnh đất này khi tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo UBND TP.HCM, tỉnh Đồng Nai sớm cập nhật quy hoạch phát triển địa phương để phát triển bài bản hơn, đặc biệt cần quan tâm đến việc giải quyết việc làm, đảm bảo cho đời sống người dân, nhất là đối với những người bị giải tỏa để dành đất cho tuyến cao tốc này.

Việc đưa vào hoạt động tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây góp phần quan trọng sự phát triển KT - XH của khu vực phía Nam (Ảnh: VGP)
Việc đưa vào hoạt động tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
góp phần quan trọng sự phát triển KT - XH của khu vực phía Nam (Ảnh: VGP)

VEC phải tiếp tục hoàn thiện những công việc còn lại của dự án này, đảm bảo cho công trình được phát triển đồng bộ, hiện đại, cùng với lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Đồng Nai hoàn thiện các tuyến đường, gom các tuyến đường để kết nối với đường cao tốc này một cách đồng bộ, để phát huy dự án tuyến cao tốc này một hiệu quả, tiết kiệm nhất.

Song song đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ GTVT tập trung chỉ đạo phát triển nhanh hơn nữa đầu tư vào hạ tầng giao thông, trước mắt, trong năm 2015 hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành việc nối thông một số đường và đoạn đường quan trọng của giai  đoạn 2 dự án đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức công tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, bởi lẽ đây là điểm đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân.

Thế Phú